Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

Giọt máu đào

LTCGVN (17.11.2013)

Giọt máu đào

(Lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam)

Tục ngữ Việt Nam có câu hay lắm: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Máu rất quý vì máu là biểu hiện sự sống. Máu được sản xuất không ngừng từ Trái Tim – Trung Tâm Phân Phối Sự Sống. Máu có vài loại máu, nhưng chung quy vẫn là sự sống. Máu có màu đỏ tươi, màu của Tình Yêu Thương. Sự Sống và Yêu Thương chính là hiện thân của Thiên Chúa – Đấng là Nguồn Sống và Tình Yêu.
Ngày nay người ta đã bắt đầu yêu quý sự sống, được thể hiện qua chương trình Hiến Máu Nhân Đạo. Đó là tín hiệu tốt. Hoạt động này thực sự đáng trân trọng. Hiến máu có hai cái lợi: Một là cứu sống người, hai là chính mình được thay máu mới và sẽ tránh béo phì, sức khỏe sẽ tốt hơn. CHO hoài KHÔNG HẾT, càng CHO càng có LỢI.
Từ thế kỷ 17 tới 19, Việt Nam theo chế độ quân chủ chuyên chế, vua là thiên tử (con trời) nên có toàn quyền sinh sát: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Nho giáo quan niệm như vậy. Vua cho sống thì được sống, bắt chết thì phải chết, ai không chết là bất trung. Các vị Tử đạo Việt Nam đã giới thiệu một nền dân chủ trong đó người dân làm chủ đất nước, vua chỉ là người đại diện Thiên Chúa điều hành đất nước mà thôi, và mọi người đều là anh em với nhau, theo kiểu nói “huynh đệ chi binh”. Không ai có quyền sát nhân vì Thiên Chúa là Chủ nhân của sự sống, nhưng chính Đức Giêsu đã chết cho nhân loại, dù Ngài là Thiên tử. Quan nhất thời, dân vạn đại. Chính phủ nào không vì dân thì không thể tồn tại. Dân làm chủ đất nước chứ không phải vua chúa hoặc tổng thống, chính quyền. Thế nên các thánh nhân đã can đảm chết cho giá trị của Nền Dân Chủ cao quý để bảo vệ Chân Lý và Công Lý.

Thời đó, xã hội Việt Nam theo chế độ đa thê: “Trai thì năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng”. Nho giáo quan niệm là “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một con trai kể là có, mười con gái kể là không), phận nữ nhi thiệt thòi quá! Còn nữa, vua chúa thời đó thích ai thì có quyền “bắt” về làm thiếp. Cô gái nào “bị lọt vào mắt xanh” của nha vua thì coi như chôn vùi cuộc đời nơi cung cấm. Chế độ quân chủ thật ích kỷ và tàn nhẫn! Các thánh nhân đã giới thiệu chân giá trị của Tin Mừng là “một vợ, một chồng” và chung thuỷ trọn vẹn suốt đời. Các thánh nhân thẳng thắn giới thiệu giá trị của sự bình đẳng nam nữ, tất cả đều do Chúa dựng nên với đầy đủ nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền, nghĩa là không ai hơn ai.
Chính người Công giáo “sáng chế” ra chữ Quốc Ngữ, ông tổ là Lm Alexandre de Rhodes (cha Đắc Lộ, sinh 15-3-1591, mất 5-11-1660), nhà truyền giáo người Pháp, Dòng Tên. Gia Định Báo là tờ báo tiếng Việt đầu tiên xuất hiện tại miền Nam Việt Nam vào năm 1865. Thời đó, lý lịch ai là Công giáo ghi trong sổ dân đinh thì sẽ gặp đủ chuyện rắc rối, không được học hành, thi cử, buôn bán… và còn bị thích hai chữ “tả đạo” trên trán. Thế nhưng người Công giáo vẫn không sợ gì. Khi khó khăn quá, họ trốn vào núi rừng sâu thẳm như ở Trà Kiệu, La Vang,... và tìm cách mưu sinh qua ngày. Gay go nhất là thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Thời kỳ đó đã có hàng trăm ngàn vị tử đạo. Người Công giáo ở cả miền Bắc và miền Trung đều bị bách hại đủ kiểu, vì thế họ đã tìm cách di cư vào Nam để có thể tự do tôn thờ Thiên Chúa, nhiều nhất là hồi tháng 7-1954.
Mỗi thời có kiểu bách hại riêng, càng ngày càng tinh vi hơn. Thời Cựu ước, sách Ma-ca-bê 2 kể rằng có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ. Vua An-ti-ô-khô cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Môsê cấm.
Bà mẹ là người rất mực xứng đáng khâm phục và kính cẩn ghi nhớ. Bà thấy bảy người con trai phải chết nội trong có một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa. Hẳn là rất hiếm có bà mẹ nào như vậy. Bà thực sự can đảm, đúng là bà yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Chỉ là lời lẽ của một phụ nữ, nhưng lại đầy chí khí nam nhi khi bà khuyến khích từng đứa con: “Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống, cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thởsự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình” (2 Mcb 7:22-23). Lý lẽ đầy xác tín và tràn trề hy vọng, không hề ảo tưởng. Những người không có niềm tin Kitô giáo chắc hẳn cho ai hành động như vậy là ngu xuẩn, là điên rồ.
Rồi bà nghiêng mình về phía con trai, bà vẫn hiên ngang chế nhạo tên bạo chúa, và âu yếm nói với con trai: “Con ơi, con hãy thương mẹ: chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu. Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy. Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ” (2 Mcb 7:27-29).
Những lời lẽ chứa đầy kiến thức Kitô giáo và tràn đầy Thần Khí. Bà phân tích giản dị nhưng mạch lạc, với lý lẽ cứng rắn. Thật đáng khâm phục một nữ nhi liễu yếu đào tơ nhưng có tấm lòng rắn như thép. Hàng trăm ngàn vị tử đạo Việt Nam cũng đã từng không “tham sanh, úy tử”, không “giá áo, túi cơm”, không hèn nhát trước những người tàn ác, mà vẫn hiên ngang làm chứng nhân cho Đức Giêsu Kitô. Kỳ diệu biết bao!
Những tôi trung luôn đặt trọn niềm vui và hy vọng vào Chúa, hoàn toàn tín thác nơi Ngài. Họ đã THEO ĐẠO và cương quyết GIỮ ĐẠO, đặc biệt là can đảm SỐNG ĐẠO. Chuyện tấ yếu như một quy-luật-muôn-thuở: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng” (Tv 125 [126]:5). Chắc chắn là vậy. Các vị tử đạo đã “nhìn thấy” phía sau những gì đang xảy ra với chính mình trong giây phút hiện tại: “Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 125 [126]:6). Hy vọng của họ bừng sáng mà không ai hoặc không gì có thể dập tắt!
Thánh Phaolô đặt vấn đề: “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta? Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta? Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh” (Rm 8:31-36). Theo tầm-nhìn-thế-gian, gian truân và nguy hiểm là những chướng ngại vật phải tránh cho xa, càng tránh được nhiều thì càng tốt. Nhưng theo tầm-nhìn-Kitô-giáo, những thứ đó không là chướng ngại vật mà là “đòn bẩy” đưa người ta lên cao vút, tới tận nơi Thiên Chúa ngự.
Thánh Phaolô giải thích: “Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8:37-39). Đúng vậy, đơn giản như đôi nam nữ yêu nhau, cha mẹ càng cấm thì họ càng yêu nhau mãnh liệt. Đại văm hào đã cảm nhận: “Chết cho tình yêu là sống trong tình yêu”. Chỉ có những người yêu thật mới khả dĩ hiểu nổi, không thì sẽ cho là “bị chạm thần kinh” ở cấp độ nặng!
Ngày xưa, Đức Giêsu đã tiên báo những cuộc bách hại: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết” (Mt 10:17-18). Ngài biết chúng ta sẽ lo lắng nên Ngài căn dặn: “Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì. Thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10:17-20). Chúa Thánh Thần luôn hoạt động mọi nơi, mọi lúc, và trong mọi người. Một sự thật vừa minh nhiên vừa mặc nhiên.
Những người yêu mến Chúa sẽ bị chống đối và bị ghét bỏ, không chỉ đối với người ngoài mà đối với cả những người thân và bạn hữu, thậm chí là ngay trong gia đình: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10:21-22). Máu của các vị tử đạo đúng là Máu Đào thực sự. Rất quý giá!
Chuyện xảy ra như vậy có vẻ lạ lùng, nhưng thực ra chỉ là chuyện bình thường vốn dĩ như vậy. Vấn đề là chúng ta có can đảm sống đúng theo lý tưởng Đức Kitô hay không. Đó cũng là một dạng tử đạo: Tử đạo liên lỉ từng ngày trên đường lữ hành trần gian. Tử đạo kiểu nào cũng có cái khó khăn riêng!
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết bảo vệ sự sống, nhưng cũng giúp chúng con can đảm sẵn sàng dám hy sinh mạng sống vì Danh Ngài.
Lạy chư thánh tử đạo Việt Nam, tổ tiên của chúng con, xin nguyện giúp cầu thay và thêm sức mạnh tin yêu cho chúng con để chúng con biết sống xứng đáng là tử tôn của các ngài.
Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét