Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Về sáng kiến cầu nguyện Hòa bình của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

LTCGVN (02.06.2014)

Sài Gòn- Trong ngày hành hương thứ 3 ở Đất Thánh, Đức Thánh Cha đã đi qua chặng đường dài vài trăm mét từ quảng trường Đền thờ Hồi Giáo Al Aqsa đến bức tường Than Khóc ở sườn đối phía Tây Đền Thờ. Đi qua vài trăm mét đường đó cũng là đi qua một lịch sử dằng dặc đau thương và oán hận.
Pope Francis poster in Bethlehem marking Holy Land visitĐền thờ cổ Do Thái, nơi Chúa Giêsu và các Đồ đệ từng cầu nguyện và giảng dạy, đã bị phá bình địa từ năm 70 sau cuộc nổi dậy bi thảm của người Do Thái chống đế quốc Rôma. Từ thế kỷ thứ VII, Hồi Giáo đã xây ở đây một thánh đường rất lớn, được coi là nơi Thánh thứ ba của Đạo Hồi. Tuy ngày nay nhà nước Israel đã nắm trọn quyền kiểm soát Giêrusalem, nhưng vẫn không thể nào tái lập được Đền thờ cổ. Sự kiện này đủ cho thấy những quan hệ tín ngưỡng và tôn giáo vô cùng phức tạp trên mảnh Đất Thánh muôn vàn tranh chấp này.
Trên quảng trường Đền thờ Hồi Giáo, được các Chức sắc Đạo Hồi nghênh tiếp, Đức Thánh Cha đã kêu gọi tín đồ ba tôn giáo cùng nhau phục vụ “Công Lý và Hòa Bình”. Ngài nhắc lại cả ba tôn giáo đều coi Abraham là Tổ phụ: “Chúng ta hãy tôn trọng và yêu mến nhau như anh chị em! Hãy học cảm thông nỗi đau của người khác! Đừng ai biến Thánh Danh Thiên Chúa thành công cụ cho bạo lực! Ta hãy cùng nhau làm việc vì Công Lý và Hòa Bình.”

Từ đó, Đức Giáo Hoàng đã di chuyển đến bức tường cổ Do Thái. Đây là vết tích duy nhất còn lại của Đền thờ Do Thái 2000 năm trước. Bức tường này thường được gọi là bức tường Than Khóc, nơi người Do Thái tìm về để tưởng nhớ lịch sử Dân tộc xa xưa. Trong những Nhà nguyện xây bên cạnh quảng trường, các tín hữu Do Thái vẫn tĩnh tâm tụng niệm Cựu Ước: Thánh Vịnh và các Ngôn Sứ, họ vừa tụng niệm vừa lắc lư như đang nhập đồng.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đi theo gót của hai vị tiền nhiệm Gioan Phaolo II và Bênêdictô XVI. Ngài cũng làm như các tín đồ Do Thái Giáo: viết một ý cầu nguyện và đẩy sâu vào những vết nẻ giữa các khối đá tường thành.
Vào khoảng xế trưa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được đón tiếp long trọng ở phủ tổng thống Israel. Ngài bày tỏ ước nguyện “mong sao được cả sáng chân tính của Thành Thánh Giêrusalem, đây là một nguồn sáng tôn giáo và văn hóa cho toàn cầu, một kho báu cho toàn nhân loại… Đẹp biết bao khi các giáo lữ và cư dân được tự do tìm đến và tham gia mừng kính các nơi Thánh.” Nguồn sáng và kho báu đó có nhiều phần bị vùi lấp do những mâu thuẫn, xung đột, hận thù đang hoành hành trên mảnh đất lạ lùng này. Đức Thánh Cha nhắc lại một điểm tương đồng căn bản của cả ba tôn giáo: niềm tin vào phẩm giá con người đã được Thiên Chúa tác tạo và ban cho sự sống đời đời. Do đó cần “cương quyết khước từ tất cả những gì ngăn cản ta tìm kiếm Hòa Bình và cuộc sống tương kính, khước từ sự sử dụng bạo lực và khủng bố, khước từ mọi sự kỳ thị vì lý do chủng tộc hay tôn giáo, khước từ cuồng vọng áp đặt quan điểm của mình bất chấp quyền của người khác, khước từ chủ nghĩa bài Do Thái dưới mọi hình thức, cũng như sự bạo động và bất khoan dung đối với người và nơi chốn phụng tự của Do Thái Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo.”Ngài kết luận: “Hòa Bình cho Israel và toàn Trung Đông! Shalom!”.
Đức Thánh Cha lưu ý: “Các nơi Thánh không phải là những viện bảo tàng hoặc đền đài cho khách du lịch chiêm ngắm, nhưng là những nơi để các cộng đồng tín hữu sống Đức Tin và văn hóa của mình, và khởi phát những sáng kiến nhân ái.”
Tổng thống Peres đã hoan hỉ nhận lời Đức Thánh Cha mời cùng nhau cầu nguyện: “Chúng tôi vui mừng được cầu nguyện trong nhà chúng tôi, hoặc trong nhà Ngài, theo lời mời gọi của Ngài và tùy ý Ngài lựa chọn.” Đức Giáo Hoàng và Tổng thống đã cùng nhau trồng một cây oliu hòa bình trong hoa viên phủ tổng thống. Ngài nói với Tổng thống Peres: “Tôi luôn cầu nguyện cho Ngài và tôi biết Ngài cũng cầu nguyện cho tôi.”
Sau đó, Ngài đã đến nghĩa trang trên núi Herzl, đặt một vòng hoa trắng vàng trên mộ cũ ông Theadore Herzl, người được coi như bậc quốc phụ của Nhà nước Israel hiện đại. Đây là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng đến viếng ngôi mộ lịch sử này, cũng là một cách Tòa Thánh công nhận quyền của người Do Thái được có một tổ quốc và một Nhà nước. Từ nghĩa trang lại thêm một sự bất ngờ, Đức Thánh Cha đã dừng chân ở một địa điểm ngoài lộ trình đã định trước. Ngài đến viếng thăm đài kỷ niệm các nạn nhân của họa diệt chủng Do Thái trong thế chiến thứ hai ở Yad Vashem. Đức Thánh Cha đã thắp ngọn lửa tưởng niệm, đặt một vòng hoa và mặc niệm thầm lặng. Tiếp đó, Ngài đã có một bài suy niệm lớn tiếng rất ấn tượng, lấy chủ đề từng tiếng gọi của Thiên Chúa trong Thánh Kinh: “Người ơi, Người ở đâu?(St: 3,9) …“Người ở đâu rồi, hỡi Người? Người đi đâu mất rồi?” Đức Thánh Cha nhắc lại: “tấm thảm kịch bao la của nạn Tận diệt (Holocauste) vẫn còn vang vọng như một tiếng kêu mất hút trong một vực thẳm không đáy. Chúa nói: “Ta không còn nhận ra Người nữa. Người là ai, hỡi Người? Sao Người ra nông nỗi này? Sao lại có thể kinh hoàng đến thế này? Ai làm cho Người ngã sâu đến vậy?… Không, vực thẳm này không thể chỉ là công trình của Người… Ai đã làm Người ra hư đốn đến thế? Ai đã cám dỗ Người tự chiếm đoạt cho mình quyền làm chủ thiện ác? Ai khiến Người nghĩ rằng mình là Thiên Chúa? Không những Người đã tra tấn và giết anh em, nhưng còn tự dâng cho mình anh em để làm lễ tế cho chính mình, bởi vì Người đã tự nâng mình lên làm Chúa tể.”
Bài suy niệm kết thúc bằng một lời cầu nguyện: Ngài khẩn cầu Thiên Chúa với nét mặt “nhục nhã và hổ thẹn… Xin Chúa cứu chúng con khỏi sự quái gở này. Xin ban cho chúng con ơn biết hổ thẹn vì những gì chúng con là con người mà đã cả gan làm, biết hổ thẹn vì sự tôn thờ ngẫu tượng đến tận cùng, đã chà đạp và hủy hoại chính xác thịt mình… Đừng bao giờ như thế nữa, lạy Chúa, đừng bao giờ nữa.”
Những ai đã biết về nạn Tận Diệt Do Thái của Đức Quốc Xã trong thế chiến thứ hai, hoặc hậu sinh đã thăm viếng Đài kỷ niệm và viện Bảo tàng Yad Vashem thì sẽ hình dung được giọng nói thảng thốt của Đức Phanxicô.
Việc Đức Thánh Cha bất ngờ đến thăm đài kỷ niệm các nạn nhân Do Thái, cùng với một cử chỉ nữa cũng bất ngờ là Ngài đã hôn tay những nạn nhân sống sót sau họa Diệt chủng Holocaust, được coi là có mục đích tạo thế quân bình với chuyến viếng thăm bức tường ngăn cách Israel và Palestin ngày hôm trước. Phía Israel, đặc biệt là chính phủ của thủ tướng Netanyahu, đã rất bất mãn với biến cố này. Nó được truyền thông đi khắp thế giới, và Israel đánh giá là chính quyền Palestin đã mưu mô biến cuộc hành hương tâm linh của Đức Thánh Cha thành một vụ tuyên truyền chống Israel. Những khó khăn như vậy trên từng bước đường hành hương của Đức Thánh Cha cho thấy từ xung đột đến hòa bình ở Đất Thánh là một lộ trình hết sức cam go và tế nhị. Nó liên hệ đến quá nhiều sân hận, quá nhiều thảm kịch, quá nhiều tình cảm.
Giữ được sự chân thật trong ý nguyện hòa bình cũng như từng cử chỉ là một đòi hỏi bức thiết đối với Đức Thánh Cha, nếu Ngài không muốn thất bại trong sứ mệnh hòa bình. Cũng vì những tham vọng sâu xa này, chuyến viếng thăm đài kỷ niệm tuy nằm ngoài chương trình và bất ngờ, nhưng dưới ánh đuốc tưởng niệm, lại thấy hiện diện cả tổng thống Peres lẫn Thủ tướng Netanyahu.
Trong tình hình bi đát ấy, cả hai vị tổng thống Israel và Palestin cùng nhận lời cầu nguyện hòa bình chung với Đức Thánh Cha ở Vatican đã là một thành quả vô cùng tốt đẹp của chuyến hành hương. Chưa thể nói đó là hòa bình, nhưng là một bước đột phá giữa quá trình đã lâm vào ngõ bí, một mầm hy vọng cho tương lai còn xa. Ai cũng nghĩ cùng nhau cầu nguyện ngay ở Thánh Địa thì còn đẹp hơn nữa. Nhưng như Đức Thánh Cha đã nói chuyện với các nhà báo trên chuyến bay về Roma, Tòa Thánh đạt được như lần này là kỳ công. Đã phải có những thương thuyết tế nhị với cả hai bên về từng chi tiết thời gian, địa điểm. Ví dụ như Tổng thống Israel nói ông sẵn sàng mở rộng phủ Tổng thống của ông để làm nơi cầu nguyện, nhưng nếu thế thì sẽ rất khó cho Tổng thống Palestin tham dự. Và ngược lại nếu bên Palestin đăng cai thì cũng rất khó cho Tổng thống Israel. Cũng may còn có Vatican, có ngôi nhà của Thánh Phêrô, là nơi cả hai đối thủ có thể tạm rũ bỏ những toan tính nghi hoặc thường ngày để cùng “nâng tâm hồn lên cùng Chúa”.
Hôm 29.05, Tòa Thánh đã thông báo chương trình cụ thể: hai vị Tổng thống sẽ gặp nhau trong một buổi chiều tâm linh tại Vatican ngày Chúa Nhật 8.06 tới. Và hôm đó, cũng như trong chuyến hành hương, đoàn của chủ nhà Phanxicô đón tiếp hai khách quý cũng sẽ có một giáo sĩ Do Thái và một giáo sĩ Hồi Giáo. Con đường nối kết mọi tinh hoa tôn giáo để gây dựng nhân ái và hòa bình manh nha từ Công đồng Vatican II, đã được Thánh Gioan Phaolô II thực hiện một cách rất ngoạn mục với những cuộc hội ngộ liên tôn vì hòa bình, khởi điểm từ Assisi, lại sắp có thêm một bước phát triển rất độc đáo, rất cụ thể, rất hứa hẹn.
Dĩ nhiên các nhà chính trị và giới truyền thông vô tín ngưỡng nhìn diễn tiến này với tất cả sự hoài nghi – Hình như họ cho rằng cả Tòa Thánh, cả Israel, cả Palestin chỉ diễn một vở kịch tuyên truyền không thực chất.
Trên trang mạng điện tử của Tuần báo Time vào ngày 28.05, nhà bình luận Christopher Hale nhận định:“Đề xuất đạt kết quả của Ngài Phanxicô đáng được lưu ý đặc biệt khi mà những cố gắng của Hoa Kỳ mùa Xuân vừa qua để đưa cả hai phía đến bàn thương thuyết khởi luận hòa bình đã thất bại… Thu hẹp cuộc hội ngộ tháng 6 thành một hành vi tượng trưng suông là chưa hiểu được vai trò mà tôn giáo có thể và nên đóng khi phải giáp mặt với những chủ đề chính trị và chủng tộc khó khăn. Qua lịch sử thế giới, những vị ngôn sứ của các tôn giáo đã từng có những nước đi sáng tạo trong tình hình khốc liệt để xúc tiến Hòa bình và Công lý. Nội trong thế kỷ vừa qua, Gandhi, Martin Luther King và Thánh Gioan Phaolô II đã chứng minh cho ta rằng những chứng nhân của tôn giáo có thể không hề động thủ mà vẫn thắng trận.”
Đối với người Công Giáo chúng ta, buổi cầu nguyện ngày 08.06 lại càng thêm ý nghĩa vì hôm đó là Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Toàn thể Hội Thánh sẽ có một tuần lễ để theo gương Đức Mẹ và các tông đồ xưa, đồng tâm cầu nguyện mong chờ Thần Khí bình an của Chúa Kitô ngự xuống trên Tòa Thánh Vatican và Trung Đông, tất nhiên; nhưng – tại sao không? – trên cả Biển Đông của chúng ta nữa.
Ngoài sáng kiến hòa bình tốt đẹp trên đây, chuyến hành hương của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nhằm kỷ niệm 50 năm ngày Đức Giáo Hoàng Phaolô VI (sang năm sẽ được tôn phong chân phước) hội ngộ với Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Athenagoras trong bầu khí Công Đồng Vatican II. Lần này, hai người kế vị của các ngài là Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Thượng Phụ Bartholomeo cũng gặp nhau trong Đền thờ Mồ Thánh. Đây là một vấn đề rất lớn. Chúng tôi xin được trình bày vào dịp khác.
Lm. Máthêu Vũ Khởi Phụng, CSsR

0 nhận xét:

Đăng nhận xét