Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

Suy niệm ĐẠI LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG


ĐẠI LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

TÔNG ĐỒ CÔNG VỤ 2,1-11 ; 1CÔ-RIN-TÔ 13,11-13 ; GIO-AN 3,16-18

Lễ Hiện Xuống Ngày Nay



Ngày Lễ hôm nay không chỉ mời gọi chúng ta cử hành trọng thể đại Lễ tiên khởi của Chúa Thánh Thần Hiện Xuống như Thánh Kinh nói đến. Song ngày hôm nay cũng mời gọi chúng ta nhớ đến các Lễ hiện xuống lớn và nhỏ trong đời sống chúng ta, chung quanh ta, trên quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta và khắp cả thế giới này. Thực vậy, tác động của Chúa Thánh Thần trong thế giới, trong lòng Giáo Hội và trong mọi con tim của các ki-tô hữu vẫn diễn tiến không ngừng qua mọi thời gian và không gian. Ví Chúa Thánh Thần không mất đi sự năng động của Ngài, cũng không hết hơi tiếp sức cho con người, không kém đi các tác động của Ngái cho thời đại cuả chúng ta giống như những ngày đầu cuả các ki-tô hữu thời sơ khai. Nhưng để trở lại niềm tìn đó, hiện thực con người ngày nay có còn tin vào Chúa Thánh Thần, tin vào sự hiện diện của Ngài, tin vào các công trình kỳ diệu, vào các tác động phi thường cùng quyền năng của Chúa Thánh Thần thực hiện cho nhân loại chăng ?

Vì thế, giờ đây chúng ta cùng nhau suy niệm làm thế nào Chúa Thánh Thần đã mạc khải Ngài trong ngày Lễ Hiện Xuống xưa kia. Và với cái nhìn này, hy vọng sẽ giúp chúng ta đào sâu được các hành động của Chúa Thánh Thần vào thời đại của chúng ta. Qủa khi chúng ta đọc sách Tông Đồ Công Vụ, thì chúng ta thấy các hiện tượng kỳ diệu thật là ngoạn mục : như trời phát ra một tiếng động, gíó mạnh ùa vào, có những luỡi lửa, nói được nhiều thứ tiếng, mọi người đến từ nhiều quốc gia nhưng lại hiểu được những lời các tông đồ rao giảng. Có nghĩa ở đây có cái gì đập mạnh vào cảm giác của chúng ta.Bởi Chúa Thánh Thần không không luôn hành động kiểu như thế, phần nhiều thời gian các sự hiện xuống của Ngài có tính cách kín đáo hơn, cũng như các tác động của Ngài can thiệp vào đời sống con người và Giáo Hội, chúng ta thấy như một sự âm thầm. Tuy nhiên không vì thế mà kém phần cụ thể các tác động của Chúa Thánh Thần cho con người và Giáo Hội. Nhất là thời đại chúng ta, biến cố Công Đồng Vatican II, là một Lễ Hiện Xuống vĩ đại của Chúa Thánh Thần, vang dội khắp hoàn vũ.

Từ đó Chúa Thánh Thần thổi một luồng sinh khí mới cho Giáo Hội. Ngài biến đổi một bộ mặt mới cho thích hợp vói tâm thức con người : như Thánh Lễ hoặc các nghi thức phụng vụ, hoặc các giờ kinh được dùng tiếng mẹ đẻ, trước đây dùng tiếng la-tinh, thì giáo dân được mấy người hiểu. Thánh Kinh cũng được phiên dịch ra nhiều thứ tiếng cho ai cũng hiểu được Lời Chúa. Do vậy, điều hệ trọng đó là niềm tin của chúng ta, là những người đã nhận lãnh được ơn Chúa Thánh Thần, để tuyên xưng niềm tin và làm chứng nhân Cho Thiên Chúa. Thực thế, chúng ta phải nhận ra ở đây là việc làm của Chúa Thánh Thần và Lễ Hiện Xuống của Ngài. Qủa lúc chúng ta mạnh mẽ xác tín sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong đời ta, trong thế giới này, thì chúng ta mời có thể khám phá ra được các tác động thường xuyên của Ngài ở trong ta, và ở giữa chúng ta đây. Như khi chúng ta ra khỏi được sự u mê, hay khi chúng ta vượt qua được nỗi thất vọng để đi đến hy vọng. Hoặc nữa, khi chúng ta can đảm tuyên xưng mình là người ki-tô hữu lúc bị người đời bắt đạo, bị ngược đãi, hành hung, bị tù đày vv…Thật rằng đây cũng chính là Lễ Hiện Xuống của những ngày sơ khai của Giào Hội được tiếp diễn, và điều này cũng không kém phần kỳ diệu và ngọan mục như thời xa xưa của các thánh tông đồ.

Thế đó, chúng ta nhìn kỹ những người sống đạo chung quanh chúng ta, nhìn vào những người anh chị em chúng ta, hãy nghĩ đến các người mà chúng ta đã gặp gỡ, nghĩ đến Giáo Hội Việt Nam chúng ta sau bao nhiêu năm bị cộng sản bắt đạo, tiêu diệt đạo, thế mà số tín hữu vẫn gia tăng. Chúng ta rõ có nhiều làng người miền núi ngoài Bắc hay trong Nam, trên vùng Cao Nguyên Lâm Phần chỉ nghe giảng đạo trên các đài Nguồn Sống, Chân Lý hay Vatican mà trong làng từ người già đến trẻ thơ đều xin chịu phép rửa tội theo đạo, thì đây như một bằng chứng hiển nhiên, là một làn hơi của Chúa Thánh Thần thỏi vào tâm hồn họ, hầu biển đổi tâm trí họ biết Thiên Chúa thật. Do thế chúng ta có thể nói đây là những Lễ Hiện Xuống trong lòng Đất Nước chúng ta. Tuyệt vời, biến cố hai trăm năm kỷ niệm Đức Mẹ Ma-ri-a hiện ra ở La Vang, với số người đến La Vang uớc khoảng gần ba trăm ngàn người. Họ đến từ mọi miền quê hương, có kẻ đi bộ, người đi xe đến La Vang. Ta thấy cho dù bị Nhà Nước Hà Nội làm khó dễ, hăm dọa đủ điều với các tín hữu này khi họ chạy đến với Chúa và Mẹ để tỏ lòng cảm tạ và xin ơn. Không một chút sợ hải, vượt qua bao khó khăn, thế là họ cứ vẫn ra đi : thì hỏi sức mạnh nào cùng động lực nào, đã giúp các tín hữu công giáo Việt Nam cam đảm vượt qua những trở ngại, những hăm dọa của kẻ vô thần phá đạo Chúa như thế ? Thưa, chính là quyền năng của Chúa Thánh Thần, là sự trợ giúp của Ngài cho ông bà, cô bác cùng anh chị em chúng ta. Vì không có một thế lực nào của kẻ vô thần ngăn cản được quyền năng của Chúa Thánh Thần. Và chúng ta nên cảm tạ Chúa Thánh Thần đã thương ban một Lễ Hiện Xuống trong lòng Giáo Hội Việt Nam, cùng ban cho các tín hữu Việt Nam thêm lòng vững mạnh niềm tin.

Quả chúng ta vừa nghe qua bài Thánh Thư Phao-lô, thánh nhân xác tín cho chúng ta thấy được các việc làm, các ân sủng của Chúa Thánh Thần ban cho ta thật là dồi dào. Thánh nhân mời gọi chúng ta nên thâm tín sâu xa vào sự hiện diện cùng hành động trung thành của Chúa Thánh Thần, can thiệp vào đời sống hằng nhật của chúng ta. Và qua đó, thánh Phao-lô khởi đầu bằng sự xác tín của minh rằng : « không có Chúa Thánh Thần, thì người ta không thể gọi Chúa Giê-su là Chúa ». Do đó, mỗi một lần chúng ta quy hướng về Chúa Ki-tô, thì đó chính là Thánh Thấn tác động ở trong ta. Cũng thế, mỗi lần chúng ta cầu nguyện, thì chính Chúa Thánh Thần dạy cho chúng ta phương cách cầu nguyện. Thực thế, người ki-tô hữu nào cũng có Thánh Thần ở cùng. Chúa Thánh Thần hằng ở trong ta. Ngài luôn chờ chúng ta kêu xin Ngài. Chúa Thánh Thần giúp ta suy nghĩ, Ngài giúp chúng ta trở nên các môn đệ của Chúa Giê-su. Tuy nhiên những gì Chúa Thánh Thần thực hiện cho ta, hầu như trong sự kín đáo, thầm lặng, họa hiếm mới có các cử chỉ vang động. 

Chúng ta cũng lưu ý đến những lời của thánh Phao-lô nói đến các việc làm của Chúa Thánh Thần là khác nhau. Những việc làm đó được biểu lộ dưới nhiều hình thức trong mỗi người chúng ta. Bởi mỗi người trong chúng ta nhận được các ân sủng Chúa Thánh Thần ban cho khác nhau : như người thì nhận được ơn khôn ngoan, kẻ khác thì nhận được ơn thông hiểu, người nọ thì nhận được ơn bình an và hiền hậu vv.. Thêm nữa, có người thì nhận được ơn ăn nói, có kẻ thì nhận được ơn biết lắng nghe, kẻ khác nữa thi nhận được ơn an ủi hoặc thăm viếng bệnh nhân. Song mỗi một người nói này đều được Chúa Thánh Thần mạc khải và ban ơn. Phải chăng mỗi một người chúng ta đã khám phá ra các phương cách đặc biệt mà Chúa Thánh Thần tác động, và ban ơn dồi dào cho đời ta ? Và khi chúng ta nhận ra biết bao là ơn sủng hữu ích Ngài ban cho ta, thì chúng ta phải biết hằng luôn tạ ơn Chúa Thánh Thần cùng gắn bó với Ngài mãi mãi. 

Quả điều làm cho chúng ta lưu ý trong bài Tin Mừng hôm nay, chính là Chúa Thánh Thần ban cho các tông đồ đặc ân tha tội, là sợi dây tuơng quan với các tội nhân : Chúa Giê-su phán : các con hãy lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Các con tha tội cho ai thì người ấy được tha. Đoạn Tin Mừng này là một cách ủy thác cho Giáo Hội một sứ mạng phi thường, kỳ diệu và đặc thù qua mọi thời đại, là giao hòa lại với Thiên Chúa những người đã xa cách Ngài. Cũng thế, sứ mạng của Gíáo Hội nâng đỡ cho những ai bị sa ngã, chữa trị những trái tim bị thương tổn, mang lại sự sống đến với những kẻ đang hướng về sự chết. Những việc làm này, Gíáo Hội chỉ có thể hoàn thành sứ mạng mình trong ân sủng cùng sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Do đó, để sức mạnh của Chúa Thánh Thần và sự êm ả của Ngài thông ban, cũng như để Ngài thực hiện các việc làm cho ta, cho Giáo Hội và cho khắp cả thế giới này, thì chúng ta nên cảm tạ Thiên Chúa Cha của chúng ta, nhờ Chúa Giê-su Chúa chúng ta. Thực điều này thật là chính đáng và công bình, điều này cũng cần thiết cho chính đời sống chúng ta. Hơn nữa, điều này cũng là nhiệm vụ hệ trọng của chúng ta khi cứ mỗi lần chúng ta quy tụ bên nhau để cử hành Thành Lễ tạ ơn Thiên Chúa dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần. Amen!

Lm. Phêrô Lê Quang Dũng



0 nhận xét:

Đăng nhận xét