Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Hồ sơ Dân oan Tuần 60

LTCGVN (03.06.2014)

Tuần thứ 60 (từ ngày 26/5 đến ngày 30/5/2014), Văn phòng nhận được hồ sơ của Dân oan các Tỉnh, Thành phố: Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh
1) Bà Rịa – Vũng Tàu:
Ông Dương Đức Tá, H. Xuyên Mộc: Ông “tố cáo Lâm trường Xuyên Mộc đã cướp đất của các hộ dân xã Hòa Hội về làm của cá nhân. Các hộ dân được nhà nước di dời đi kinh tế mới và một số hộ dân di dời tự do đến lập nghiệp. Yêu cầu Văn phòng Công lý & Hòa bình Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn giúp đỡ cho các hộ dân chúng tôi. Xin chân thành biết ơn sâu sắc”. Kèm theo hồ sơ có bài thơ với lời lẽ “Mong mặt trời….”:
Ai về Hòa Hội mà coi,
Người dân khốn khổ mảnh đời mong manh.
Trải qua bao cuộc chiến tranh,
nay gặp phải bọn “thực dân tân thời”.
Bọn chúng là ma trơi thú dữ,
bọn chúng là quỉ sứ sa tăng,
hung hăng, ngạo mạn, kiêu căng,
coi thường pháp luật, coi dân như bèo…
Than ôi! Biết đến bao giờ,
Dân nghèo mới có giấc mơ đổi đời!

Hồ sơ Ông gửi có Đơn tố cáo ký tên tập thể (chữ ký gốc) của hơn 60 hộ dân: trình bày rõ nguồn gốc đất của các hộ dân, “tài sản quan trọng đối với người nông dân chúng tôi, Lâm trường Xuyên Mộc đã lấy hết đất của chúng tôi, thử hỏi chúng tôi sống bằng nghề gì? Còn những quan chức Lâm trường, không bỏ một chút công sức lao động, mà nay mỗi ông sở hữu hàng chục, hàng trăm ha đất mà ngày xưa những hộ dân chúng tôi khai hoang ra, còn chúng tôi không còn một tấc đất nào để sản xuất…” Đơn tố cáo liệt kê cụ thể những quan chức, cán bộ Lâm trường, cán bộ xã có tên chiếm đoạt đất của dân: 1) Ông Quang- cựu GĐ Lâm trường được 110 ha; 2) Ông Tiến GĐ Lâm trường (đã về hưu) được 80 ha; 3) Ông Hiền – cán bộ Lâm trường 20 ha; 4) Ông Mười Châu- Cán bộ LT 58 ha; 5) Ông Cơ GĐ LT 30 ha; 6) Ông Thái- CB LT 11 ha; 7) Ông Đình- CB LT 8 ha; 8) Ông Hải (Mai)- CB LT 10 ha; 9) Ông Hải (già)- CBLT 6 ha; 10) Ông Thành – CBLT 70 ha; 11) Ông Thế – chủ tịch xã- đã về hưu 8 ha; 12) Ông Ngàn- chủ tịch xã 10 ha; 13) Ông Đài- Trưởng công an xã 10 ha; 14) Ông Đạt- P. bí thư 9 ha; 15) Ông Hùng – P. ca 2 ha; 16) Ông Dũng- P. Chủ tịch xã 8 ha; 17) Ông Bình- bí thư xã 2 ha; 18) Ông Thuần P. chủ tịch 2 ha ; 19) Ông Hùng – bí thư 2 ha… “Đây là số quan chức, cán bộ đứng tên làm, còn mượn danh người khác đứng tên mà chúng tôi chưa nêu ra… Chúng tôi tha thiết yêu cầu quí cấp chính quyền tối cao sớm vào cuộc để lấy lại công bằng cho xã hội, cho những nông dân lao động nghèo có đất để sản xuất, ổn định cuộc sống, có lợi cho gia đình, có ích cho xã hội…” Hồ sơ có bản chính Thông báo Kết quả giải quyết tố cáo đề ngày 23/5/2014 của UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu do P. Chủ tịch tỉnh Trần Ngọc Thới ký tên, đóng dấu. Đọc Thông báo, chúng tôi ngỡ ngàng về các nhận định, giải quyết “không tình, không lý”, dựa vào pháp lý để bênh vực quan chức, cán bộ… mà không chú ý đến nguyện vọng người dân. Cụ thể: Tỉnh cho rằng, một số hộ đang quản lý, sử dụng đất là do “nhận khoán” chứ không phải “Lâm trường lấy đất của dân”; “Nội dung tố cáo một số cán bộ Lâm trường sử dụng quá nhiều đất là có thật: như hộ Nguyễn Xuân Quang (nguyên GĐ LT) 177,8 ha (Ông Quang 45,6 ha; Vợ Ông Quang 29,7 ha; Bà Loan (con Ông Quang) 19,6 ha; Con trai và dâu Ông Quang 82,9 ha); Hộ Nguyễn Trung Tiến 46,4 ha. Ngoài ra, chị, em Ông Tiến 50, 8 ha; Hộ Sầm Sơn Thùng (P. Phòng kỹ thuật) 36,8 ha; Hộ Võ Kim Thành (nguyên TP tổ chức) 59,7 ha; Hộ Trần Danh Hòa 20 ha; Hộ Lê Văn Cơ (GĐ) 44,5 ha; Hộ Lưu Ngọc Châu P. GĐ- 86 ha; Hộ Nguyễn Ngọc Đình (lái xe) 50, 2 ha; Hộ Nguyễn Quang Hiền (phân trường trưởng) 34,2 ha. Ngoài ra, còn một số cán bộ Lâm trường nhận hợp đồng khoán với diện tích trung bình khoảng 15 ha/ cá nhân…” Thông báo kết luận: “Tuy nhiên, …văn bản pháp luật không qui định hạn mức tối đa giao khoán…”. “Đơn vị giao khoán thực hiện chưa đúng theo trình tự giao khoán….hợp đồng giao khoán với các đối tượng đã về hưu, cán bộ, công chức không làm việc cho bên giao khoán, nhiều người trong cùng một hộ gia đình, không cư trú trên địa bàn…”. “Nội dung tố cáo Lâm trường không sử dụng đất để trồng rừng mà sử dụng trồng cao su là có thật”… “Nội dung tố cáo Lâm trường không sử dụng đất để trồng rừng mà sử dụng đất để trồng cây ăn trái là…đúng”… “Trên cơ sở kết quả kiểm tra , rà soát nội dung tố cáo, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo khắc phục…”. Vấn đề chính ở đây mà các hộ dân thắc mắc, khiếu nại là: Tại sao quan chức, cán bộ…không bỏ công sức khai phá…mà nay lại được “quản lý, sử dụng” (dù là nhận khoán) hàng trăm, hàng chục ha đất, sau đó lại sử dụng đất nhận khoán trồng rừng này đem trồng cao su, trồng cây ăn trái, nhãn, điều, quýt …mà “trước đây đã có biện pháp xử lý…nhưng thiếu kiểm tra, quản lý …dẫn đến các hộ tiếp tục sử dụng đất giao khoán sai mục đích”… Còn người dân, bỏ công sức khai phá trước đây, nay không một tấc đất (dù là nhận khoán để sản xuất)? Câu hỏi này, lập tức đã được tỉnh trả lời cho các hộ dân (237 đơn) cùng ngày 23/5/2014 tại văn bản số 3381/UBND-VP (hồ sơ kèm theo bản chính) rằng: “…đơn khiếu nại không có gì mới …tỉnh kết luận: Các trường hợp xin lại đất, yêu cầu trả lại đất hoặc khiếu nại đất của các hộ dân…là không có cơ sở để giải quyết”. Ngoài ra, phải làm rõ, tại sao Thông báo của Tỉnh nêu rõ các trường hợp “hộ”, nhưng sau lại ghi nhận cá nhân. Ví dụ: (nguyên văn) “Hộ Nguyễn Xuân Quang (nguyên GĐ LT) : 177,8ha (Ông Quang: 45,6 ha; vợ Ông Quang: 29,7 ha; Bà Loan (con Ông Quang): 19,6ha; Ông Lâm, bà Trúc (con trai và dâu Ông Quang đã tách khẩu) : 82,9 ha”. Hộ gia đình trong Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự…hoàn toàn có quyền, nghĩa vụ… khác với cá nhân. Mặc dù Nghị định số 135/2005/NĐ-CP của Chính phủ – mà Thông báo của Tỉnh dẫn ra- “không qui định hạn mức tối đa giao khoán”, nhưng Nghị định này nêu rõ: phải “…theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, pháp luật về thủy sản” (khoản 1 Điều 4), mà Luật Đất đai thì qui định rõ về “hạn mức” tại Điều 70. Còn Điều 3 Nghị Định này nêu rõ “mục tiêu giao khoán là… tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn”. Như vậy có “công bằng, dân chủ, công khai” không khi một cán bộ (về hưu) không còn sức lao động được sử dụng 45,6 ha; vợ ông ta sử dụng 29,7 ha, các con Ông ta sử dụng hơn 100 ha. Còn người dân thì không có tấc đất nào? Làm sao Ông về hưu có thể “sử dụng” nổi 45,6 ha đất, nếu không thuê, mướn lao động? Thế thì trở lại thời “địa chủ, tá điền…” và có lẽ đây là mục tiêu “xóa đói, giảm nghèo” cho nông dân có đất trước đây? Rồi tại sao các hộ “vi phạm… sử dụng sai mục đích…” lại không bị “chấm dứt Hợp đồng, bồi thường…” như Nghị định mà tỉnh lôi ra làm căn cứ? Và cuối cùng, những hộ không phải là “cư trú tại địa bàn…” hộ “vi phạm…” thì xứ lý ra sao? Những hộ dân “tại chỗ”, “có đời sống khó khăn…” có được ưu tiên như khoản 2 Điều 2 Nghị định này qui định không? Các hộ dân xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc nói trên cần tìm kiếm Luật sư để được hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
2) Tây Ninh:
a) Bà Phạm Thị Hồng, H. Tân Châu: Bà tố cáo “công an, viện kiểm sát, tòa án huyện Tân Châu về cái chết của chồng Bà”; ngoài ra, có “kháng nghị giám đốc thẩm”…Hồ sơ Bà gửi xác định: chồng bà , Ông Nguyễn Văn Tẩm – cựu chiến binh, mất sức 65% trong chiến tranh chống Mỹ- bị tạm giam, kết án 2 năm 6 tháng tù do bị kết tội là “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích nhà nước….”. Hành vi cụ thể là “Do bị bác đơn về việc khiếu kiện đòi đất…Ông Tẩm và những người khác đã soạn đơn khiếu nại khẩn cấp… gởi đến các lãnh đạo, cơ quan nhà nước cấp trung ương….”. Chồng Bà kháng cáo, nhưng trong khi chờ Tòa án phúc thẩm xét xử, chồng Bà đã chết trong trại tạm giam.Văn phòng đề nghị Bà liên hệ Luật sư Bà đã nhờ tại phiên Tòa phúc thẩm giúp soạn đơn đề nghị giám đốc thẩm vụ án với những tình tiết như Bà nêu trong “kháng nghị giám đốc thẩm”.
b) Bà Nguyễn Thị Kim Liên, H. Tân Châu: Bà và một số hộ dân có Đơn “kiến nghị và tố cáo UBND tỉnh Tây Ninh, năm 1983 lấy đất dân Việt kiều Kampuchia yêu nước”. Hồ sơ Bà gửi có Thông báo số 404/TB-UBND ngày 24/2/2014 V/v chấm dứt giải quyết khiếu nại của công dân (gửi Bà Trần Thị Đính). Cũng trong hồ sơ có văn bản số 1692 của UBND tỉnh trả lời Đơn khiếu nại của Bà Trần Thị Đính, tại văn bản khẳng định “đã nghiên cứu nội dung đơn…”, nhưng thể hiện rõ, chẳng nghiên cứu gì, vì Bà Đính gửi đơn, UB tỉnh trả lời cho Bà Đính, nhưng toàn bộ văn bản đều “trả lời cho…Ông”. Bà có thể làm đơn khởi kiện gửi Tòa án Tỉnh theo Thông báo hướng dẫn.
3) Đồng Nai:
Bà Lê Đoàn Ngọc Nữ, Xuân Lộc: Bà “gửi hồ sơ Dân Oan Chú Trần Nguyên Huynh, sinh năm 1942, bị XN NN&DV Sông Ray chiếm đất ngày 28/5/1997 cho đến nay. Dù đã gửi nhiều đơn… nhưng không được giải quyết. Vào ngày 25/2/2013, HĐND tỉnh, chánh thanh tra tỉnh có xuống UBND xã tiếp nhận hồ sơ nhưng cũng không phúc đáp gì. Đại diện cho những người Dân Oan, tôi kính mong Văn phòng Công lý& Hòa bình giúp đỡ”. Kèm theo hồ sơ có một xấp phô tô các bài báo như: Sông Ray phải chăng là vùng trời vô chính phủ…Hồ sơ Ông gửi thiếu nhiều tài liệu để xác định vụ việc. Tuy vậy, theo Văn phòng, Ông có thể trực tiếp đến Thanh Tra tỉnh – địa chỉ số 395, đường 30/4, phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai- để hỏi kết quả buổi làm việc “tiếp công dân, tiếp nhận tài liệu và sẽ nghiên cứu…” vào hơn một năm trước đây (25/2/2013) do trực tiếp Ông chánh thanh tra Nguyễn Quốc Cường chủ trì, nhận tài liệu, hồ sơ. Ông cũng có thể liên hệ điện thoại với Ông Nguyễn Quốc Cường số 0613.825.657 hoặc 0918 142 140. – Email:cuongnq@dongnai.gov.vn.
Văn phòng Công lý & Hòa bình
Dòng Chúa Cứu Thế- Sài Gòn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét