Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

Tiếng Việt nên gọi cuộc họp bầu giáo hoàng bằng từ gì?




Trong bối cảnh Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI thoái vị mà ngay sau đó sẽ có một cuộc họp kín giữa các hồng y cử tri để bầu chọn ra vị giáo hoàng mới, truyền thông tiếng Việt đang tập trung chú ý đưa tin về sự kiện này. Nhưng vấn đề đặt là: cuộc họp kín bầu giáo hoàng nên dịch sang tiếng Việt bằng từ ngữ gì là sáng nghĩa và văn chương nhất? Mỗi nơi dùng một kiểu, không thống nhất sẽ làm mất đi ý nghĩa thực sự của nó.

Các ngôn ngữ cổ ở Tây Phương thường hay mang nghĩa đen gắn liền với hình ảnh của sự vật. Thực vậy, cuộc họp kín bầu chọn giáo hoàng diễn ra trong một không gian bí mật của Nhà nguyện Sistina, mọi cánh cửa đều khóa kín, tách biệt với bên ngoài nên tiếng Latinh để chỉ cuộc họp kín này là cum clave, nghĩa là "với chìa khóa", về sau nó biến thể thành chữ conclave. Vai trò của tiếng Latinh quan trọng ở Âu Châu đến nỗi nó làm mẫu chuẩn cho nhiều ngôn ngữ khác. Chữ conclave cũng vậy, nó được các ngôn ngữ Âu Châu tiếp nhận làm mẫu chuẩn để rồi biến thể thành chữ của riêng mình. Chẳng hạn, conclave trong tiếng Anh, Ý, Bồ và Pháp được giữ nguyên, tiếng Tây Ban Nha là cónclave, Đan Mạch là konklave, Hòa Lan là conclaaf...v.v..

Tuy nhiên, khi Tin Mừng được truyền giảng sang các quốc gia Á Đông (như Trung Hoa và Việt Nam), những thể thức trong giáo hội nếu không được diễn giải sẽ trở nên lạ lẫm và khó hiểu. Cụ thể, chữ conclave người Trung Hoa bây giờ gọi là 教宗选举 (Giáo Tông Tuyển Cử), cụm từ ngữ này khá rõ nghĩa để chỉ một cuộc bầu chọn ra vị giáo tông (giáo hoàng). Nhưng đối với tiếng Việt, nếu dịch chữ conclave một cách dễ hiểu nhất phải là: "Cuộc họp bí mật của các hồng y để bầu chọn giáo hoàng". Nhưng nếu vậy thì sẽ quá dài và không mang tính văn chương. Vì thế hiện nay có rất nhiều cách dịch khác nhau. Hai cách đã được dùng từ khá lâu đó là "Cơ Mật Viện" và "Mật Nghị Hồng Y".

Đối với chữ "Cơ Mật Viện" (hoặc đơn giản là Mật Viện), đây là từ mà người Công giáo chúng ta tạm mượn từ một thể thức có thời Nhà Nguyễn. Thời đó, Cơ Mật Viện (hoặc Viện Cơ Mật) là cơ quan triều đình lập ra để vua quan bàn thảo nội bộ về những vấn đề quốc gia đại sự. Tuy rằng chúng ta dùng chữ "Cơ Mật Viện" thì sát với bối cảnh mang yếu tố "bí mật" nhưng nó mang chiều hướng hành chính thế tục, thiếu đi bổ ngữ đặc tả đây là một cuộc họp bầu chọn giáo hoàng. 

Cụm từ "Mật Nghị Hồng Y" lại là một cách diễn giải khác đáng chú ý. Cụm từ này lột tả được trạng thái "bàn thảo" (Nghị) "bí mật" (Mật) của các Hồng Y, nhưng cũng thiếu đi bổ ngữ đặc tả mục đích là bầu chọn giáo hoàng. Song, các cuộc triệu tập hồng y thông thường thì mang tính mở, ít khi bí mật (chúng ta đã có cụm từ "Công Nghị Hồng Y" để chỉ những cuộc triệu tập thông thường này). Vì vậy, nếu dùng chữ Mật (bí mật) thay cho chữ Công (công khai) để trở thành cụm từ "Mật Nghị Hồng Y" thì chúng ta đã có thể suy dẫn đến mục đích bầu chọn giáo hoàng theo đúng thể thức của nó. 

Rồi gần đây, chúng ta lại thấy xuất hiện cụm từ hơi lạ tai là "Mật Tuyển Viện". Nhưng Mật Tuyển Viện cũng là một kiểu biến thể tương tự của Cơ Mật Viện, nó không minh định được mục đích của sự việc. Chữ "Mật Tuyển Viện" làm thiếu nghĩa của thể thức, vì nó mới chỉ có "tuyển" nghĩa là lựa chọn ra, nhưng thiếu chữ "cử" là nâng lên để tôn kính. Nhìn chung, không nên dùng cụm từ "Mật Tuyển Viện" này vì nó mang cái cơ chế thể thức (đúng là "mật") nhưng không mang cái mục đích của thể thức (là bầu chọn giáo hoàng). 

Tóm lại, như đã phân tích những khác biệt ở trên, trong bối cảnh mà Giáo Hội Việt Nam chưa có những chuyên gia ngôn ngữ học để đưa ra từ ngữ sáng nghĩa và văn chương nhất của conclave thì tôi nghĩ chữ gần nghĩa và nên sử dụng là "Mật Nghị Hồng Y".

(bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)

Khải Hoàn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét