LTCGVN (26.03.2013) – USA- Lời mở đầu: Vương Cung Thánh Đường ở Pháp (Notre Dame Cathedral-Paris) khởi công xây cất 1163, hoàn thành 1345. Có hai tháp chuông gồm 10 quả chuông.Vào thời kỳ Cách Mạng (French Revolution-1789) những quả chuông này bị mang xuống nấu chẩy đúc thành súng đại bác, trừ chuông lớn nhất, Emmanuel. Đến thế kỷ 19, người ta treo lại 4 quả chuông khác, nay đã cũ, bể và tiếng chuông không trung thực nữa. Để kỷ niệm 850 năm sinh nhật ngôi thánh đường, nhà thờ đã hạ 4 quả chuông cũ xuống và thay vào đó một bộ 9 quả chuông mới cho đủ số 10 quả chuông có từ thời Trung Cổ. (8 chuông đúc ở Normandy, 1 đúc ở Hòa Lan) Ngày Thứ Bẩy, mồng 2 tháng 2 vừa qua 9 quả chuông đã được chở đến đặt giữa lòng Vương Cung Thánh Đường và sẽ cùng Emmanuel đánh hồi chuông thứ nhất vào Chủ Nhật Lễ Lá 23 tháng 3 và tuần lễ Phục Sinh tiếp theo. Kinh phí của 9 quả chuông mới này là 2 triệu Euros, do quyên góp.
Mấy hôm nay anh không thể nào ngủ được, nhiều chuyện xẩy ra dồn dập
quá trong một thời gian ngắn. Chuyện vui, chuyện buồn đan chéo vào nhau làm cho hồn anh chao đảo. Đêm đêm anh đi xuống lòng giáo đường nhìn các em đứng sắp hàng, nghiêm trang và sốt sắng anh rất xúc động. Các em mặc những chiếc áo vàng lấp lánh, thánh thiện và tinh khiết. Tên của các em được khắc ngay trên những vầng trán rộng. Anh đã hân hoan trong ngày Thứ Bẩy vừa qua, khi thấy các em đã được chúc phúc bởi Đức Hồng Y André Vinght Trois Ngài đã dừng lại trước mỗi em, gọi tên từng em một, gõ vào ba tiếng, rồi ban phép lành, chúc phúc cho các em.
Trên lưng mỗi em có in hàng chữ vô cùng ấm áp: “Via viatores quaerit.” (Ta là con đường luôn luôn tìm kiếm viễn khách” Chính những hàng chữ thân thiện này và sự mầu nhiệm của tình thương Thiên Chúa, hàng năm đã có trên 20 triệu người trên thế giới, đủ các sắc dân, các thành phần tôn giáo khác nhau bước qua ngưỡng cửa, vào chiêm ngắm Vương Cung Thánh Đường.
Các em đã mang thanh âm của mình vọng đi khắp thế giới.
Kể từ thế kỷ 17, anh được cư trú và làm nhiệm vụ ở ngôi giáo đường này. Ngôi Vương Cung Thánh Đường này được khởi công xây cất từ năm 1163 đến 1345 mới hoàn thành. Với bao thăng trầm thay đổi của nước Pháp. Trong thời điểm cách mạng năm 1789 (French revolution) hầu hết các em đã phải hy sinh thân mình, bị nấu chẩy tan ra rồi đem đúc lại thành những khẩu đại bác. Tiếng vang vọng của các em không còn thánh thót, thánh thiện nữa, họ đã biến những âm vang đó thành tiếng động giết người. Anh đau đớn khi thấy mình bất lực trước những thay đổi tàn bạo đó. Cho đến năm 1856 có 4 em mới, được mang lại.
Cũng chính trên tháp chuông phía Nam này, một cuốn phim phỏng theo tiểu thuyết của văn hào Victor Hugo được dựng thành và éo le thay con người lưng gù xấu xí, kẻ kéo chuông cô đơn Quasimodo đó lại là một người điếc.
Anh biết các em đã được tăng thêm nhân số để phục vụ Thiên Chúa. Các em đã chết đi và sống lại. Các em được đúc từ Normandy hay ở Hòa Lan cũng thế. Khi người ta tái tạo lại các em và cho thêm hàng tấn đồng và thiếc, nấu chẩy ra ở 1000 độ, rồi từ từ đổ xuống cái khuôn làm bằng đất sét, phân ngựa và lông dê trong những lò đúc cổ truyền. Một người thợ đúc lâu năm nhất của nước Pháp, ông Paul Bergamo mô tả giây phút đổ chất lỏng nung chảy vào khuôn như sau:“Đó là thời khắc thiêng liêng của bàn tay, khối óc và lòng thành”
Các em đã thấy mình quý giá và danh dự trong địa vị của mình chưa!
Trên tháp chuông phía Nam, Emmanuel đã ở đây từ một ngày xa lắm (1681), anh thấy như chính anh được Thượng Đế chọn để canh giữ giáo đường này. Anh luôn luôn gióng lên trước tất cả những chuông khác ít nhất là 5 giây. Mary rồi sẽ được lên tháp phương Nam này cùng với anh.
Tám quả chuông em còn lại sẽ được lên ở cùng nhau trên tháp phía Bắc.
Cách đây mấy hôm, có 8 người phụ nữ của nhóm “Femen Activists” (1), lợi dụng mọi người đang để hết tâm trí vào chiêm ngắm các em, họ đã âm mưu khoác áo dạ kín đáo, tràn vào đây. Khi họ vào được bên trong, họ đã đánh vào vai các em để gây tiếng động, họ cởi áo khoác ra phô những bộ ngực trần đã viết sẵn những khẩu hiệu chống đối và cố tình hạ nhục Đức Giáo Hoàng.
Chính trong nơi thánh thiện này họ nghĩ là họ có thể xúc phạm đến Hội Thánh, nhưng thật ra họ chẳng để lại một ảnh hưởng xấu nào đến Hội Thánh cả. Anh biết là các em rất buồn, nhưng anh muốn nhắc cho: Gabriel, Steven, Marcel, Jean Marie, Dennis, Ann Genevieve, Benoit Joshepe, Maurice và cả Mary nữa (2) biết rằng lòng tin của tín đồ Công Giáo La Mã giống như cây xồi vậy. Gió bão, có làm gẫy cành, rụng hết lá, nhưng cái rễ cổ thụ kia đã ăn xâu trong lòng đất, giữ vững cho cây không bao giờ đổ được. Giống như thân cây xồi đã cung cấp bao nhiêu bàn, ghế, tủ, giường đẹp đẽ, những tác phẩm mộc điêu khắc quý giá, Hội Thánh vẫn tiếp tục trao xuống cho tín đồ niềm tin vững vàng và ân sủng của Thiên Chúa luôn luôn nuôi sống những linh hồn yếu đuối.
Anh cũng biết tin Đức Giáo Hoàng từ nhiệm làm cả thế giới hoang mang và lo lắng. Họ hoang mang vì: “Sau 600 năm không còn tiền lệ Giáo Hoàng từ nhiệm, nhưng Đức BENEDICT XVI đã từ nhiệm không phải là vì tiền lệ, nhưng là từ suy tư tự do với tất cả những đắn đo. Đây là quyết định của một trí thức can đảm, đã gạt ra ngoài những ảnh hưởng xã hội vây quanh, gạt ra một bên những ràng buộc tập tục, mà chỉ hành động hoàn toàn theo suy tư ĐỘC LẬP của đầu óc mình. Ngài đã lấy lý trí và lương tâm mình để thắng ngoại cảnh ràng buộc. Người ta gọi đây là sự CAN ĐẢM của một TRÍ THỨC. (Trích bài của GSTS-Nguyễn Phúc Liên).
Mary, vào Chủ Nhật Lễ Lá, em phải chuẩn bị tinh thần và thân thể mình cho thật hoàn hảo để cùng các em khác tham dự một lễ hội vô cùng trọng đại. Các em sẽ cùng anh dùng thanh âm thánh thiện của mình để thức tỉnh nhân loại và dâng lời chúc tụng ngợi khen lên Thiên Chúa.
Mary, anh muốn nhắc lại cho em nhớ: Trong 9 Đại Hồng Chung vừa mang tới giáo đường, em là Hồng Chung mẹ, tên em là Cung Trầm Thánh Mẫu (bourdon Mary) âm thanh của em là Sol thăng, em được đúc bằng đồng đen và thiếc, đường kính của em là 2 thước, em nặng 6 tấn; Gabriel mang âm thanh La thăng, có đường kính 1.83 thước, nặng 4.16 tấn; Bénoit Joshepe mang âm thanh Fa thăng, đường kính 1.21thước, nặng 1.3 tấn. Anh thì già nhất và nặng nhất, 13 tấn.
Tất cả các em sẽ cùng anh khôi phục lại sự hài hòa của 10 tiếng chuông nguyên thủy trong thời Trung Cổ được vang lên từ thế kỷ 17, sẽ lại vang lên trong Chủ Nhật Lễ Lá tới đây. Tiếng chuông của dàn Đại Hồng Chung sẽ reo vang như những tiếng hoan hô chúc tụng, tiếng lá khua chạm vào nhau ngày xưa khi dân chúng đón Chúa vào thành Jerusalem và rồi các em sẽ cùng nhau vang vọng tiếng ngân của mình vào lồng ngực các tín đồ trong mùa Phục Sinh.
Các em có biết không? Nhà thờ Phát Diệm của nước Việt Nam nhỏ bé xa xăm kia, cũng có một người bạn của các em ở đó, trên lưng bạn em cũng đã khắc in những dòng chữ:“Laudo Deum verum, voco plebem, congrego clerum, defuntos ploro, pestem fugo, festa decoro.”(Tôi ca tụng Chúa thật/Tôi kêu gọi dân chúng/ Tôi triệu tập giáo sĩ/Tôi khóc người qua đời/Tôi đẩy lui bệnh dịch/Tôi điểm tô ngày lễ.) và bạn các em cũng gửi âm thanh của anh ta vang xa đến những làng mạc cách xa cả 10 cây số.
Như vậy mỗi quả chuông là một khí cụ của Thiên Chúa, mang trách nhiệm của quả chuông nhà thờ, là mang trách nhiệm của khí cụ bình an, khí cụ rao giảng và kêu gọi tập họp giáo dân.
Hãy hân hoan , hát mừng ngợi khen Thiên Chúa trên từng giọt chuông ngân, thả xuống giữa nhân gian. Những giọt chuông đã được tạo thành từ niềm tin vững mạnh của những người tín hữu Kitô Giáo.
Trần Mộng Tú
Tháng 2/2013
0 nhận xét:
Đăng nhận xét