Sài Gòn – Hôm kia ngày 1/3, ngày đầu tiên Toà Thánh Vatican trống toà, nếu dịch rõ từng chữ Sede vacante thì sẽ rõ ràng hơn, “ngai toà bị bỏ trống”.
Tình huống ấy và việc Đức Thánh Cha từ biệt vào lúc chiều hôm qua, đã làm nhiều tâm hồn thổn thức, nghẹn ngào. Vẫn biết việc Đức Thánh Cha từ nhiệm không phải là điều quá bất thường, nhưng con cái Hội Thánh không thể cầm lòng khi nhìn thấy người Cha chung lặng lẽ giã từ ngai toà để đi vào đời sống chiêm niệm.
Tôi đã muốn viết lên cảm xúc của mình ngay trong giờ cuối cùng của Đức Thánh Cha trên ngai toà Thánh Phêrô, nhưng quả thật, như một linh mục trẻ từ Đà nẵng nhắn tin, tôi thấy “nghèn nghẹn”. Và bây giờ, chúng ta cùng nhìn sự kiện này dưới ánh sáng Học Thuyết Xã Hội Công giáo để suy tư chúng ta phù hợp với giáo huấn của Hội Thánh.
Trước hết, cần phải minh định rằng Học Thuyết Xã Hội Công Giáo không có khoản mục nào bàn đến việc thoái vị của Đức Thánh Cha. Nhưng đồng thời, Học Thuyết ấy lại nêu ra những chuẩn mực cho mọi hành vi của con người xét như thụ tạo trong tương quan xã hội.
Trong tương quan thuần về mặt xã hội ấy, con người được Chúa ban cho khả năng biết ngạc nhiên trước mọi biến động xã hội. Và đối với những con người sống đức Tin và sống theo giáo huấn của Hội Thánh, thì sự ngạc nhiên không dẫn đến hoang mang và cũng không làm cho họ bị lung lay bởi những loại thông tin vô bổ.
Từ ngày Đức Thánh Cha tuyên bố thoái vị đến nay, nhiều người trong chúng ta nhận được vô số thông tin đủ loại, từ những lời đồn đoán vô căn cứ đến những lời tiên tri đưa ra sau sự kiện (!). Những thông tin ấy đến qua email, các mạng xã hội, các websites, tin nhắn điện thoại và khi tán gẫu nữa.
Nếu bình tâm suy tư sự kiện dưới ánh sáng của Học Thuyết Xã Hội Công giáo, người ta sẽ thấy việc Đức Giáo Hoàng thoái vị không có gì phải làm ồn ào. Hơn thế nữa, đó là dấu chỉ cho thấy rằng Giáo Hội là công trình của Thiên Chúa trong kế hoạch cứu rỗi nhân loại.
Tôi lặng lẽ mở lại từng chương của bản Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội Công Giáo. Ngay đầu chương Một, Giáo Hội đã trình bày một nguyên tắc cực kỳ ý nghĩa: “Trong mọi truyền thống văn hoá, bất cứ kinh nghiệm tôn giáo chân chính nào cũng đều dẫn người ta tới chỗ linh cảm một huyền nhiệm nào đó, và huyền nhiệm này thường giúp chúng ta nhận ra một vài nét trong dung mạo Thiên Chúa” (số 20)
Tin Đức Thánh Cha thoái vị không phải là kinh nghiệm tôn giáo về Siêu Việt, nhưng là một kinh nghiệm có liên quan đến đời sống của Hội Thánh. Và xét về mặt Giáo luật, việc Đức Thánh Cha thoái vị là bình thường (x. Bộ Giáo Luật 1983, quyển II, điều 332, triệt 2). Nhưng sự kiện ấy cũng có thể làm cho chúng ta linh cảm được một huyền nhiệm, để chúng ta nhận ra được chương trình của Thiên Chúa và “vài nét trong dung mạo” của chính Ngài.
Trong cái nhìn ấy, chúng ta thấy ít nhất có ba điểm chính chúng ta học được từ Đức Thánh Cha nhìn từ giáo huấn của Hội Thánh:
Trước hết, đó là bài học về nguyên tắc liên đới và bổ trợ trong HTXHCG. Ai không thấy cảm động trước những lời đầy yêu thương của Đức Thánh Cha khi ngài đến biệt điện Castel Gandolfo:
“Bằng con tim và tình yêu, với lời cầu nguyện và suy nghĩ, bằng tất cả sức lực, ta hằng muốn làm việc vì lợi ích chung, vì phúc lợi của Hội thánh và nhân loại. Để làm được việc này, ta luôn cảm nhận chân tình của các con đỡ nâng. Nào ta cùng tiến bước, đồng hành với Thiên Chúa phục vụ Hội thánh và thế giới. Vào lúc này, với tất cả chân tình, ta ban phép lành cho các con nhân danh Thiên Chúa toàn năng, là Cha, và Con và Chúa Thánh Thần. Cha cám ơn các con. Cha chúc các con ngủ ngon.”
Lời của người Cha chung khiến chúng ta cảm động muốn khóc lên được. Xét về mặt giáo huấn Công giáo, thì những lời nói đầy lòng hiền phụ ấy lại phản chiếu tuyệt vời một thái độ sống hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của HTXHCG. Không ở đâu chúng ta tìm thấy những người có trách nhiệm sống đúng với nguyên tắc và lề luật như trong Hội Thánh Chúa Kitô.
Về nguyên tắc bổ trợ, Giáo Hội dạy: “Giáo Hội từng nhấn mạnh tới nhu cầu cần bảo vệ và phát huy các biểu hiện nguyên thuỷ của đời sống xã hội trong Thông điệp Quadragesimo Anno, theo đó Giáo Hội cũng chỉ ra bổ trợ chính là một nguyên tắc quan trọng nhất của “triết học xã hội”. (số 186).
Và chắc chắc không có định chế trần gian nào coi trọng liên đới bằng Giáo Hội.
Chúng ta có lẽ ít chú ý rằng “liên đới là một nhân đức luân lý” như Hội Thánh quả quyết (HTXHCG, số 193), chứ không chỉ là thái độ sống. Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết: “Liên đới là có một quyết tâm vừa chắc chắn vừa kiên định muốn dấn thân lo cho công ích, tức là lo cho ích lợi của mọi người và mỗi người, vì tất cả chúng ta thật sự đều phải chịu trách nhiệm về tất cả mọi người”. (Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis).
“Trên hết, phải nhìn sự liên đới trong giá trị của nó như một đức tính luân lý, nhằm xác định trật tự của các định chế. Dựa trên nguyên tắc này, “các cơ cấu tội lỗi” từng chi phối các quan hệ giữa các cá nhân và các dân tộc cần phải được khắc phục.” (HTXHCG số 193)
Như thế, nhìn xa hơn vào trong thế giới này, chúng ta thấy được rằng việc thoái vị của Đức Thánh Cha còn là ánh sáng soi cho con người, nhất là soi thẳng vào “các cơ cấu tội lỗi”, để thế giới sớm thực sự trở nên nơi bình an cho các dân tộc.
Thứ hai là tinh thần trách nhiệm. HTXHCG dạy: “Chính vì ơn cứu độ do Đức Kitô mang lại vừa phổ quát vừa toàn diện, nên mối quan hệ mà mỗi người chúng ta được mời gọi liên kết với Chúa không thể tách rời khỏi trách nhiệm chúng ta phải thi hành đối với anh em mình trong những hoàn cảnh cụ thể của lịch sử”.
Ngày 11/2 vừa qua, trong tuyên bố thoái vị của mình, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói: “Sau nhiều lần tự vấn lương tâm trước mặt Chúa, tôi đã đi đến sự xác tín rằng năng lực của tôi, do tuổi cao, không còn phù hợp để cáng đáng đầy đủ sứ vụ Giáo Hoàng.”
Nếu đọc từng chữ theo nghĩa đen và với cái nhìn trần thế, người ta hiểu đơn giản: Đức Thánh Cha đã cáo tuổi, không còn đủ sức khoẻ trước sứ vụ nặng nề. Hiểu như thế là đúng, hoàn toàn đúng với văn bản. Nhưng khi đọc đoạn sau, người ta nhận thấy rõ ràng tinh thần trách nhiệm và tinh thần siêu nhiên của Đấng lãnh đạo mang tầm vóc thế giới:
“Tuy nhiên, trước một thế giới với quá nhiều những thay đổi nhanh chóng và đang rúng động bởi những vấn nạn liên quan sâu sắc đến đời sống đức tin; để có thể lèo lái con thuyền của Thánh Phêrô và rao giảng Tin Mừng, cả năng lực của trí óc lẫn thể xác đều là cần thiết. Năng lực của tôi trong vài tháng qua, đã xấu đi đến mức mà tôi phải thừa nhận sự bất lực của tôi không thể đáp ứng đầy đủ sứ vụ được giao phó cho mình”.
Trong bản tóm lược HTXHCG, từ “trách nhiệm” được nhắc lại hàng trăm lần. Khi đề cao con người có nhân vị và phẩm giá, thì Hội Thánh cũng kèm theo đó là trách nhiệm: “Con người là một ngôi vị, tức là một chủ thể tích cực và có trách nhiệm về quá trình tăng trưởng của chính mình, cùng với cộng đồng mà mình là thành viên”. (số 133)
Sống có trách nhiệm chính là sống theo Thánh Ý Thiên Chúa, Đấng đã muốn con người tuỳ vị thế và khả năng của mình mà cộng tác vào công trình sáng tạo độc đáo của Ngài. Có trách nhiệm không chỉ là chu toàn mọi bổn phận, mà còn là biết giới hạn của mình để mời gọi anh chị em mình cộng tác, hầu làm cho công ích có cơ may phát triển.
Khi Đức Thánh Cha viết “tôi không thể đáp ứng đầy đủ sứ vụ được giao phó cho mình”, chúng ta hiểu rằng ngài tự đòi hỏi chính mình một sức làm việc nhiều hơn so với bây giờ. Nếu đọc lại tác phẩm Muối Cho Đời của ngài khi ngài còn làm Hồng y, chúng ta bắt gặp ý tưởng này: con người, có khi trong Giáo Hội, “không muốn nhả ra cái tài sản hay địa vị đã đạt được” (chương II). Đức Thánh Cha của chúng ta đã vượt lên trên cái thường tình ấy, và chính điều này diễn tả tinh thần trách nhiệm cao cả của ngài.
Tinh thần trách nhiệm ấy nơi vị Cha hiền của chúng ta được thể hiện nhờ tình yêu sâu xa ngài dành cho Giáo Hội. Trong lời từ biệt, ngài nói: “Yêu Giáo Hội cũng có nghĩa là có can đảm để làm những lựa chọn khó khăn, và luôn luôn đặt lợi ích của Giáo Hội lên trên ý riêng của chính mình”.
Dĩ nhiên trong Giáo Hội có những vị cao niên nhưng vẫn còn sức làm việc và các ngài có thể chu toàn trách nhiệm mà Thiên Chúa và Giáo Hội trao phó, thì chính trong cách thức đảm nhận sứ vụ, các ngài nêu cao tấm gương trách nhiệm theo cách riêng của mình. Các ngài có điểm chung là “luôn luôn đặt lợi ích của Giáo Hội lên trên ý riêng của chính mình”.
Có lẽ không gì thích hợp để kết thúc bài viết này bằng việc nhắc đến hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh là công trình của chính Ngài. Cha Anrê Đỗ Xuân Quế viết trên Vietcatholic: “Hội thánh được bình an và xây dựng vững chắc. Không còn hồ nghi gì nữa: cảnh tưởng đó là một ơn huệ lớn lao của Chúa Thánh Thần. Phải có bàn tay của Chúa Thánh Thần, Hội thánh mới được như vậy. Còn nếu không được như thế thì sao? Đó cũng là do ý của Chúa Thánh Thần. Người muốn như thế để thanh luyện và làm cho Hội Thánh ý thức rằng mình không có thành trì nào vững chắc ở trần gian. Có điều, dù vậy, Hội Thánh vẫn không bị tan vỡ vì luôn luôn có Chúa Thánh Thần giữ gìn che chở”.
Tin tưởng vào Chúa Thánh Thần, nguồn Tìn Yêu và Bình An, chúng ta đón chờ tương lai vinh quang của Hội Thánh. Cùng với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, “Chúng ta hãy khẩn nài sự bầu cử hiền mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, để Mẹ đồng hành với từng người trong chúng ta và toàn thể cộng đoàn giáo hội; Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ với lòng tin tưởng sâu xa”.
Gioan Lê Quang Vinh, VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét