Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh




Từ khi ĐGH Biển Đức XVI loan báo tin từ nhiệm, dư luận khắp nơi đồn thổi xôn xao. Nhiều bài bình luận phân tích mổ xẻ đã được đăng tải và phát tán trên báo chí và kênh mạng. Nhiều người công giáo đã tỏ ra hoang mang lo lắng khi đọc qua những bài xem ra không thuận chiều với những ước mong và suy nghĩ của mình về hiện tình Hội Thánh. Vì thế, thiết tưởng đây là lúc phải vượt lên trên những lo toan mưu tính theo quan điểm của người trần gian mà vững tin vào sụ hiện diện và điều khiển của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh.

Hội thánh được thành lập vào ngày lễ Ngũ Tuần, ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống. Từ đây với một nhóm người nhỏ bé, dần dần Hội thánh trở nên lớn mạnh và lan rộng khắp nơi. Có thể nói hồn sống và động lực của Hội Tthánh là Chúa Thánh Thần, đúng như lời Chúa Giê-su đã hứa với các Tông đồ: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.”(Ga 16,13) Chính vì tin tưởng vào lời hứa ấy mà trải qua bao thăng trầm và biến động suốt mấy ngàn năm lịch sử, Hội Thánh vẫn không tỏ ra nao núng. Nếu không có Chúa Thánh Thần và không được Người bảo trợ, Hội Thánh đã biến mất từ lâu rồi. Về điểm này, một tác giả đã viết: “Không có Thánh Thần thì Thiên Chúa vẫn còn ở xa, Chúa Ki-tô vẫn thuộc về dĩ vãng, Tin Mừng là những hàng chữ chết, Hội thánh là một tổ chức đơn thuần, truyền giáo là tuyên truyền, hành động Ki-tô giáo là một thứ luân lý nô lệ.”

Nhưng may thay đã có Chúa Thánh Thần và Người vẫn đang hoạt động từ xưa cho đến nay. Thiết tưởng chúng ta nên đọc lại một vài đoạn về Người trong sách Công vụ Tông đồ để thấy được d?a v? và ảnh hưởng của Người trong Hội Tthánh. Sở dĩ nói đến Công vụ Tông đồ vì đó là một cuốn sách trong các sách Tân Ước nói về Chúa Thánh Thần nhiều hơn cả. 

Trong mấy câu trích dẫn trên đây, phần trước là lời ngôn sứ loan báo từ ngàn xưa (Ge 3,1-3), phần sau là điều đã được thực hiện thời các Tông đồ (Cv 2). Quả vậy, ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống cũng là ngày ứng nghiệm lời loan báo của các ngôn sứ, đặc biệt là ngôn sứ Gio-en (3,1-2). Ơn Chúa Thánh Thần được ban cho mọi người, dù có lúc thánh Phê-rô và các thánh Tông đồ khác chiếm một vị trí riêng và đóng một vai trò nổi bật. Khi giải thích cho dn chúng sự việc đang xảy ra trước mắt họ, thánh Phê-rô loan báo Chúa đã sống lại và cho biết thành quả của cuộc thọ hình là vi?c tuôn đổ Thần Khí. Các Tông đồ đã được tràn đầy Thần Khí: “Họ cầu nguyện xong thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa.” (Cv 4,31)

Thần Khí được tuôn đổ xuống trên các Tông đồ ngày lễ Ngũ Tuần. Từ ngày ấy về sau, Thần Khí vẫn không rời khỏi các ông, nhưng mức độ cao thấp, mạnh yếu thì có thay đổi lên xuống tùy lúc tùy thời. Điều ấy giải thích được tại sao có phong trào Thánh Linh hiện nay. Tất cả những người đã chịu phép Rửa và phép Thêm sức đều đã nhận được ơn Chúa Thánh Thần, nhưng ơn ấy có thể hoạt động bất cứ lúc nào ở những mức độ khác nhau, theo như gió muốn thổi đâu thì thổi (Ga 3,8) nghĩa là theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.


2. Công vụ 5,3

3 "Ông Phê-rô mới nói: “Anh Kha-na-ni-a, sao anh lại để Xa-tan xâm chiếm lòng anh, khiến anh lừa dối Thánh Thần mà giữ một phần giá thửa đất.”

Trên đây là một câu nói về trường hợp ông Kha-na-ni-a bán đất đem nộp tiền cho các Tông đồ. Nhưng ông không nộp hết, còn giữ lại một phần. Hành động này bị coi như một lời nói dối. Nói dối người đại diện Hội Thánh cũng là nói dối Chúa Thánh Thần. Hội Thánh và Chúa Thánh Thần đồng hóa với nhau. Sự đồng hóa này cho thấy mối dây ràng buộc Hội Thánh với Chúa Thánh Thần chặt chẽ như thế nào, khiến thánh I-rê-nê phải viết: “Ở đâu có Hội thánh, ở đấy có Thần Khí của Thiên Chúa. Ở đâu có Thần Khí của Thiên Chúa, ở đấy có Hội Thánh và tất cả nguồn ân sủng của Người. Và Thần Khí chính là chân lý, là sự thật.” Nói dối ai là nói dối một người nào đó, ở đây nói dối Chúa Thánh Thần cũng là nói dối một người. Người đó là một Ngôi Vị, Ngôi Ba trong Ba Ngôi Thiên Chúa.

3. Công vụ 5,32 và 15,28

32 “Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng giữ Lời Người.”

28 “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này.”


Thánh Thần được trưng dẫn như người làm chứng và quyết định cùng với các Tông đồ. Như thế có nghĩa là Chúa Thánh Thần đóng một vai trò trọng yếu trong việc điều khiển Hội Thánh và các Tông đồ là những người làm việc dưới quyền điều động và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Vai trò và ảnh hưởng của Người thật lớn lao.

4. Cv 8,29.39; 10,19; 13,2-4

29 “Thần Khí nói với ông Phi-líp-phê: “Tiến lên, đuổi kịp xe đó.” 39 Khi hai ông lên khỏi nước, Thần Khí Chúa đem ông Phi-líp-phê đi mất, và viên thái giám không còn thấy ông nữa. Nhưng ông tiếp tục cuộc hành trình, lòng đầy hoan hỉ.”

19 “Ông Phê-rô vẫn còn phân vân về thị kiến thì Thần Khí bảo ông: “Kìa có ba người đang tìm ngươi.”

2 “Một hôm, đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay thì Thánh Thần phán bảo: “Hãy dành riêng Ba-na-ba và Sao-lô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm. 3 Bấy giờ họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt tay trên hai ông và tiễn đi. Vậy, được Thánh Thần sai đi, hai ông xuống Xê-lêu-ki-a, rồi từ đó đáp tàu đi đảo Sýp.”


Đọc những dòng trên đây, chúng ta thấy gì ?

Trước hết là thấy Thánh Thần sai đi. Người sai ông Phi-líp-phê đi gặp viên thái giám để làm phép Rửa cho ông ấy. Thứ đến là Người sai ông Phê-rô tới gặp đại đội trưởng Co-nê-li-ô, giảng dạy rồi làm phép Rửa cho ông này và cả gia đình ông. Cuối cùng, Người chọn riêng ông Phao-lô sai đi giảng dạy các người ngoại giáo.

Như vậy đã rõ là ở đây Chúa Thánh Thần đóng vai trò kêu gọi và sai phái. Người kêu gọi và sai đi làm việc tông đồ. Đó là nhiệm vụ của Hội Thánh trong buổi sơ khai và mãi mãi sau này. Nếu không có Chúa Thánh Thần khơi động và thúc đẩy, chắc chắn công việc không thể tiến triển như chúng ta thấy. Vì thế phải nói là Chúa Thánh Thần đóng một vai trò rất quan trọng trong mọi sinh ho?t của Hội Thánh, nhất là trong công cuộc truyền giáo lúc ban đầu.

5. Công vụ 9,31

3 “Hồi ấy trong khắp miền Giu-dê, Ga-li-lê và Sa-ma-ri, Hội thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông nhờ Thánh Thần nâng đỡ.”

Đây là một thời kỳ rất tốt đẹp: Hội thánh được bình an và xây dựng vững chắc. Không còn hồ nghi gì nữa: cảnh tưởng đó là một ơn huệ lớn lao của Chúa Thánh Thần. Phải có bàn tay của Chúa Thánh Thần, Hội thánh mới được như vậy.

Còn nếu không được như thế thì sao ? Đó cũng là do ý của Chúa Thánh Thần. Người muốn như thế để thanh luyện và làm cho Hội Thánh ý thức rằng mình không có thành trì nào vững chắc ở trần gian. Có điều, dù vậy, Hội Thánh vẫn không bị tan vỡ vì luôn luôn có Chúa Thánh Thần giữ gìn che chở. Người ta bảo rằng ít có khi nào Hội Thánh được bằng yên năm mươi năm liền: được bằng yên ở chỗ này thì gặp rắc rối ở chỗ kia. Âu đó cũng là số phận thông thường của Hội Thánh, và có như vậy Hội Thánh mới tin vào sự nâng đỡ và sức hoạt động của Chúa Thánh Thần mà kiên trì tiến bước. Thông thường người ta dễ ru ngủ mình bằng những thành công và do đấy có thể bị sa lầy lúc nào chẳng hay. Có lẽ vì muốn cho Hội Thánh phải luôn luôn cảnh giác mà Chúa Thánh Thần để cho Hội Thánh sống trong tình trạng bấp bênh và cho hu?ng an ninh tạm thời trong từng gian đoạn, để Hội Thánh nhớ rằng mình vẫn phải cậy dựa vào Chúa Thánh Thần. Vả lại, Chúa Giê-su cũng đã nói: “Giả như anh em thuộc về thế gian thì thế gian yêu thương cái gì thuộc về nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em ra khỏi thế gian,nên thế gian ghét anh em.” (Ga 15,19)

Nếu từ trước đến nay, phần đông chúng ta quen nghĩ rằng Thánh Thần xa xôi và trừu tượng, thì bây giờ qua mấy đoạn văn tiêu biểu trích dẫn trong sách Công vụ Tông đồ, chúng ta nên thay đổi lối nhìn và cách nghĩ về Người. Người ở trong chúng ta và giữa lòng Hội Thánh. Người đã chỉ huy, điều khiển sinh hoạt của Hội Thánh lúc ban đầu và luôn canh chừng Hội Thánh trong suốt dòng lịch sử. Gần đây, qua Công đồng Va-ti-ca-nô II, Người vẫn chứng tỏ sự hiện diện và gần gũi của Người bên cạnh Hội Thánh. Nếu hiện nay, có những người thích cầu nguyện chung hay riêng một cách sâu sắc, thích trở về với sự chiêm niệm như xưa và nhấn mạnh đến việc ngợi khen Chúa, ước ao hiến mình trọn vẹn cho Chúa Ki-tô, luôn sẵn sàng đáp lại tiếng gọi của Thánh Thần, siêng năng đọc Kinh Thánh nhiều hơn, tận tâm giúp đỡ anh em và sẵn sàng phục vụ Hội Thánh thì chúng ta có thể coi đó là hoạt động kín đáo và mầu nhiệm của Thánh Thần, hồn sống của Hội thánh.

Cuối cùng, nếu cố gắng mang Thánh Thần ở trong mình, chúng ta sẽ giống như những đồ vật sạch trong, khi được ánh mặt trời chiếu vào, sẽ trở nên rực rỡ và và phát ra một thứ ánh sáng mới. Những ai mang Thần Khí, được Thần Khí soi dẫn thì cũng thành những con người thiêng liêng chiếu giãi ân sủng lên những người khác như vậy.

L.m. An-rê Đỗ xuân Quế o.p.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét