Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

“Thích làm chính trị” hay đi theo giáo huấn của Giáo hội?


LTCGVN (17.12.2012) 
Toronto, Canada - Khi nói đến vấn đề nhân quyền tại Việt Nam hiện nay, là người có đầu óc quân bình và có nhận xét công tâm, thì không ai có thể bảo rằng nhà cầm quyền Việt Nam đã tôn trọng và đảm bảo cách đầy đủ các quyền căn bản cho sự phát triển văn minh của người dân Việt Nam.
Ông Phil RobertsonPhó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã từng nhận xét về cách hành xử của giới cầm quyền Việt Nam rằng: “Việt Nam đã lão luyện trong ngón nghề sách nhiễu, bắt bớ và truy tố những nhà vận động có đủ can đảm nói lên suy nghĩ của mình, với các tội danh mơ hồ về an ninh quốc gia được gắn với các mức án phạt nặng nề.”[i]
Nhân quyền tại Việt Nam ngày càng trở nên tệ hại, nhưng hễ ai nhắc đến chuyện đấu tranh cho các quyền sống căn bản của con người, thì ngay lập tức họ liền bị chụp cho cái mũ là phản động. Không chỉ những người ngoài xã hội khi đấu tranh cho quyền sống của mình bị mang tiếng như thế, mà ngay cả các chức sắc tôn giáo cũng vậy, cụ thể là Công giáo, khi họ được thúc bách bởi Tin mừng để lên tiếng bảo vệ quyền sống của những người thấp cổ bé miệng, những người bị áp bức, thì họ cũng dễ bị mang tiếng là “thích làm chính trị.”

Bài viết này không nhằm trình bày tình trạng thê thảm về nhân quyền tại Việt Nam. Nhưng xét thấy với tình hình xã hội Việt Nam hiện nay, các quyền căn bản của con người trong đó có quyền tự do tôn giáo bị hạn chế tới mức tối đa, và xét thấy có sự bất công và thiếu bác ái nào đấy trong việc chụp chiếc mũ “thích làm chính trị” cho những người thực tâm sống theo giáo huấn của Giáo hội và đòi buộc của Tin mừng, vì vậy bài viết sẽ đề cấp đến Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo của Công Đồng Vaitcan II. Với tâm tình đọc, khám phá và đào sâu giáo huấn của Công Đông, bài viết sẽ trình bày tiến trình hình thành Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo và những điểm nổi bật của tuyên ngôn, cũng như đường hướng mà thẩm quyền Giáo hội triển khai và áp dụng những chỉ dụ của Công Đồng về quyền tự do tôn giáo.

Tiến trình lịch sử xác định quyền tự do tôn giáo
Trước hết, có thể nói, Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo là một văn kiện quan trọng trong lịch sử Giáo hội; tuyên ngôn này đã khai mở một kỷ nguyên mới cho mối liên hệ giữa Giáo hội và thế giới hiện đại. Dĩ nhiên, không phải chỉ trong một chốc một lát mà Giáo hội, ngang qua Công Đồng Vatican II, đã vội vã công bố và cổ võ quyền tự do tôn giáo của con người. Thực tế, Giáo hội đã phải căn cứ vào mạc khải và trải qua quá trình suy tư lâu dài trước những trào lưu tự do trong thế giới để rồi Giáo hội mới đi đến chỗ bảo vệ quyền bất khả xâm phạm này của con người.
Nhìn lại một thế kỷ trước khi Tuyên ngôn Tự do Tôn giáo ra đời, ta thấy Giáo hội đã có những cân nhắc cần thiết trước những trào lưu tự do trong thế giới. Giáo hội trước hết có những phân định rạch ròi giữa ý niệm tự do tôn giáo một cách chung chung và ý niệm tự do gắn liền với chân lý đức tin. Nói cách khác, Giáo hội không cổ võ cho một thứ tự do chung chung, nhưng bênh vực sự tự do gắn liền với chân lý đức tin. Chẳng hạn, Đức Gregoriô XVI và Đức Piô IX nhắc đến lý tưởng về một “Giáo hội Công giáo trong một nhà nước Công giáo” để cổ võ cho một sự tự do đích thực biểu tỏ đức tin chân thật, chứ không phải thứ tự do bày tỏ “chân lý” sai lầm. Cũng theo chiều hướng này, Đức Leô XIII không ngần ngại lên án trào lưu tự do của thế kỷ XIX khi trào lưu này tuyệt đối hóa quyền tự do, cố súy mọi thứ tự do, kể cả thứ tự do truyền bá những học thuyết sai lầm.[ii] Dĩ nhiên, trong giai đoạn này, thẩm quyền Giáo hội còn nặng về ý tưởng “bất khoan nhượng” tôn giáo.
Bước sáng thế kỷ XX, khi phải đối diện với những chủ nghĩa độc tài, Giáo hội càng được thúc bách phải bảo về quyền tự do bày tỏ đức tin chân thật. Cụ thể, Đức Piô XI nhắc đến “tự do lương tâm” của người Công Giáo trước những chính sách của các nhà nước quân phiệt đi ngược lại các giá trị Tin mừng. Đặc biệt, trước những hạn chế khắt khe của các nhà nước cộng sản đối với quyền tự do biểu tỏ đức tin Công giáo, và trước những chính sách thù địch của các nhà nước cộng sản đối với Giáo hội Công giáo, Đức Piô XII không ngần ngại nhắc đến “quyền thờ phượng Thiên Chúa trong đời sống cá nhân và công khai” để lên án những nhà nước độc tài tự cho mình có quyền lực vô hạn trên người dân.[iii] 
Đặc biệt, trong thông điệp Pacem in Terris  (Hòa bình trên Trái đất) năm 1963, Đức Gioan XXIII đã nhấn mạnh đến nhân phẩm, quyền lợi và nghĩa vụ của con người, trong đó bao gồm “quyền được tôn thờ Thiên Chúa theo mệnh lệnh của lương tâm, và được tuyên xưng tôn giáo của mình trong đời sống cá nhân, cũng như trong đời sống công cộng.”[iv] Thông điệp này là nền tảng cho Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo của Công đồng Vatican II.

Quá trình soạn thảo Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo
Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo là một trong những văn kiện quan trọng mà các nghị phụ Công Đồng Vatican II đã dành nhiều thời gian để cân nhắc, bàn thảo. Thực tế, có tới sáu lược đồ được thảo luận để rồi mới có sự hình thành và hoàn chỉnh văn kiện này.
Lược đồ đầu tiên của tuyên ngôn là một phần nằm trong lược đồ về Sắc lệnh Hiệp nhất. Cụ thể, lược đồ này là chương 5 của lược đồ về Sắc lệnh Hiệp nhất. Ngay ở những phiên họp đầu của Công Đồng, các nghị phụ đã đưa ra nghị trình về vấn đề tự do tôn giáo và các nghị phụ đã dành ba ngày (từ 19 đến 21 tháng 11 năm 1963) để họp bàn về vấn đề tương quan giữa Giáo hội và nhà nước.
Xét thấy lược đồ thứ nhất chưa đả động nhiều đến vấn đề tự do tôn giáo, nên lược đồ thứ hai của tuyên ngôn được soạn thảo. Lược đồ thứ hai này vẫn nằm trong lược đồ về Sắc lệnh Hiệp nhất. Sau những ngày nhóm họp từ 25 đến 28 tháng 9 năm 1964, các nghị phụ đi đến tuyên bố quan trọng liên quan đến tự do tôn giáo: “Phẩm giá cao trọng của con người phát xuất từ chính ơn Thiên Chúa kêu gọi họ”. Rõ ràng tuyên bố này đặt nền cho quyền tự do tôn giáo bất khá xâm phạm của mỗi người.
Lược đồ thứ ba được các nghị phụ bàn luận trong các phiên họp ngày 17 và 19 tháng 11 năm 1964. Lược đồ này nêu vấn đề tự do tôn giáo một cách rõ ràng và cụ thể hơn. Các nghị phụ xác định rằng tự do tôn giáo là một quyền căn bản của con người; quyền này không thể bị đè nén xét trên phương diện đời sống cá nhân cũng như tập thể; vì thế, chính quyền dân sự phải có nhiệm vụ bảo vệ quyền căn bản này.
Lược đồ thứ tư của tuyên ngôn lại được đặt lên bàn nghị sự của các nghị phụ trong các ngày từ 15 đến 17 và 20 tháng 9 năm 1965. Ở lược đồ này, các nghị phụ thêm rằng việc giáo dục là cần thiết để mọi người ý thức về quyền tự do tôn giáo của mình và thể hiện quyền ấy trong các lĩnh vực của đời sống của họ.
Lược đồ thứ năm được soạn thảo và được đặt lên bàn nghị sự từ ngày 26 đến 27 tháng 10 năm 1965. Lược đồ này nhấn mạnh đến nghĩa vụ của chính quyền dân sự phải bảo đảm quyền tự do tôn giáo của mỗi công dân.
Cuối cùng, lược đồ thứ sáu được bàn thảo với 99 điểm cần thay đổi so với các lược đồ trước và được Công Đồng thông qua với tuyệt đại đa số phiếu thuận của các nghị phụ (2308/2378) và chính thức trở thành Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo của Công Đồng Chung Vatican II.    

Sự căng thẳng giữa các nghị phụ
Trong khi bàn thảo về vấn đề tự do tôn giáo, có sự căng thẳng đáng kể giữa các nghị phụ của Công Đồng. Sự căng thẳng xuất phát từ sự khác biệt về quan điểm và cách tiếp cận vấn đề về tự do tôn giáo. Cụ thể, các nghị phụ đến từ các nước như Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và một số nước châu Mỹ La tinh có khuynh hướng bảo thủ hơn so với các nghị phụ đến từ các giáo hội đang bị bách hại bởi chủ thuyết Mac-xít. Nhóm các nghị phụ “bảo thủ” cho rằng không phải mọi người đều có quyền đầy đủ để bày tỏ niềm tin tôn giáo của mình, mà chỉ đối với những người đi theo một niềm tin chân thật, như người Công giáo chẳng hạn, thì quyền tự do tôn giáo mới được bảo đảm một cách tuyệt đối (vẫn đi theo ý tưởng “bất khoan nhượng” tôn giáo); trong khi đó, các nghị phụ có khuynh hướng cởi mở thì nhìn vần đề tự do tôn giáo theo một góc cạnh khác. Các ngài không đặt vấn đề “ưu tiên” cho một nhóm hay một tổ chức tôn giáo cụ thể; trái lại, quyền tự do tôn giáo, đối với các ngài, đó là quyền gằn liền với lương tâm và trách nhiệm của mọi cá nhân và tổ chức. Nói cách khác, các nghị phụ theo khuynh hướng cởi mở xác quyết rằng mọi người, mọi tổ chức có trách nhiệm đảm bảo quyền tự do tiếp cận chân lý của mỗi người; quyền này không thể bị áp chế dưới bất cứ hình thức nào. Cuối cùng, văn kiện chính thức của Công Đồng về tự do tôn giáo phản ánh quan điểm của các nghị phụ đến từ các giáo hội đau khổ, đang bị bách hại. 

Nội dung của Tuyên ngôn
Văn kiện chính thức của Công Đồng về tự do tôn giáo bao gồm phần mở đầu nói về nhân phẩm gắn với những đòi buộc của lương tâm; chương I (từ mệnh đề 2 đến mệnh đề 8) nêu những nguyên tắc tổng quát về tự do tôn giáo; và chương II (từ mệnh đề 9 đến mệnh đề 15) trình bày vấn đề tự do tôn giáo dưới ánh sáng mạc khải. Chi tiết hơn, ở chương I, mệnh đề 2 nêu lên khái niệm tự do tôn giáo là gì; mệnh đề 3 nhắc đến vai trò của luật tự nhiên và luật Thiên Chúa trong mối liên hệ với sự tự do về tôn giáo; mệnh đề 4 nêu ra các quyền căn bản của các cộng đoàn tôn giáo; mệnh đề 5 gợi nhắc vai trò của gia đình trong việc thực hành quyền tự do tôn giáo; mệnh đề 6 đặt vấn đề về trách nhiệm của quyền bính dân sự trong việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo của mỗi người; mệnh đề 7 nêu mối liên hệ giữa tự do tôn giáo với thiện ích chung của xã hội; mệnh đề 8 đặt vấn đề trách nhiệm huấn luyện con người thực thi quyền tự do tôn giáo.
Sang chương 2 của văn kiện, ở mệnh đề 9, các nghị phụ trình bày giáo lý về tự do tôn giáo bắt nguồn từ mạc khải; mênh đề 10: Sự tự do của hành vi đức tin; mệnh đề 11: Giáo huấn và hành động của Chúa Kitô và các tồng đồ về tư do tôn giáo; mệnh đề 12: Đường hướng của Giáo Hội trong việc theo sát Chúa Kitô và các tông đồ bảo vệ quyền tự do tôn giáo; mệnh đề 13: Sự tự do của Giáo hội; mệnh đề 14: Sứ mệnh của Giáo hội trong việc loan truyền chân lý đức tin; mệnh đề 15: Vai trò của xã hội trong việc cổ võ quyền tự do tôn giáo. 

Những điểm nổi bật của văn kiện
Ở trên, bài viết đã nêu tóm tắt nội dung chính của Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo của Công Đông Vatican II; dưới đây là những điểm nổi bật của tuyên ngôn.

Không còn công thức “anathema sit!”
Trước hết, có thể nói, văn kiện này phản ánh một sự “đột phá” trong giáo huấn của Giáo hội kể từ thời Trung cổ. Giáo huấn của các công đồng trước đây thường chất chứa những mệnh đề có tính cách kết án với lời kết: “anathema sit!” Trong khi đó, ở văn kiện này (cũng như các văn kiện khác), ngay cả khi nhắc đến các hình thức cưỡng bách của cá nhân hay tổ chức xã hội đối với quyền tự do tôn giáo, Công Đông Vatican II không còn sử dụng công thức “anathema sit!”
Hơn nữa, khi nhắc đến sự tự do của con người trong việc tìm kiếm chân lý đức tin, Công Đồng cũng không ngần ngại nhìn nhận những bất cấp và thiếu sót, thậm chí là sai lầm của Giáo hội trong qua khứ. Các nghị phụ của Công Đồng thẳng thắn và thành thật nhận thấy rằng Giáo hội “trải qua những cuộc thăng trầm của lịch sử nhân loại lữ thứ, đôi khi cũng có những phương cách hành động ít thích hợp, hay hơn nữa trái với tinh thần Phúc Âm….”[v] Vì vậy, khi loan truyền chân lý đức tin, Giáo hội “phải làm việc không quản khó nhọc: ‘để lời Chúa được lan rộng và sáng tỏ’ (2Th 3,1)’”[vi] và dạy con cái mình  “phải khôn ngoan tiếp xúc với những người ngoài Kitô giáo, ‘trong Chúa Thánh Thần, trong đức ái không giả dối, trong lời chân thật’ (2Cor 6,6-7)”[vii], chứ không phải là dùng những hình thức cưỡng bách tòng giáo như đã từng xảy ra trong quá khứ.
Tóm lại, khi Công Đồng đưa ra tuyên ngôn, cổ võ và bảo vệ quyền tự do tôn giáo, thì trước hết Công Đồng không ngần ngại nhìn nhận những thiếu sót của Giáo Hội trong quá khứ khi bảo vệ và thực thi quyền này. 

Nhắm đến sự phát triển con người toàn diện     
Nét nổi bất thứ nữa trong văn kiện này là Công Đồng nhấn mạnh quyền tự do tôn giáo trong sự phát triển con người toàn diện với nhân phẩm của họ. Nói các khác, khi xác định và bảo vệ quyền tự do tôn giáo, các nghị phụ của Công Đồng nhắm đến sự tôn trọng phẩm giá con người trong xã hội hiện đại, chứ không nhằm “quảng bá” riêng biệt chân lý đức tin.  Các nghị phụ nhấn mạnh: “Những điều Thánh Công Ðồng Vatican nay tuyên bố về tự do tôn giáo của con người, được xây dựng trên nhân phẩm, mà nhờ kinh nghiệm của bao thế hệ, lý trí con người ngày càng thấy rõ những đòi hỏi của nhân phẩm ấy.”[viii] Và “hơn nữa, Thánh Công Ðồng còn tuyên bố rằng tự do tôn giáo thực sự được xây dựng trên phẩm giá con người, một phẩm giá đúng như lời Thiên Chúa mạc khải và chính lý trí cho biết được. Quyền tự do tôn giáo của con người trong cơ cấu pháp lý của xã hội phải được chấp nhận là một quyền lợi dân sự.”[ix] Chính vì Công Đồng nhắm đến sự phát triển con người toàn diện khi bảo vệ quyền tự do tôn giáo, nên ngay tựa đề của tuyên ngôn đã là “Dignitatis Humanae” (Về Phẩm giá Con người).

Tự do tôn giáo: Chân lý Chúa Kitô ủy thác
Điểm mấu chốt quan trọng hơn hết trong Tuyên ngôn Tự do Tôn giáo của Công Đồng Vatican II đó là xác tín quyền tự do tôn giáo bắt nguồn từ chân lý mạc khải. Nói cách khác, sở dĩ Giáo Hội phải truyền dạy và bênh vực quyền tự do tôn giáo vì đây là một chân lý Chúa Kitô đã ủy thác cho Giáo Hội gìn giữ. Các nghị phụ của Công Đồng quả quyết: “Giáo lý về tự do tôn giáo bắt nguồn từ Mạc Khải của Thiên Chúa, nên người Kitô hữu phải thành kính tuân theo... Mạc Khải còn chứng tỏ rằng Chúa Kitô đã tôn trọng quyền tự do của con người trong khi họ thi hành bổn phận tin vào lời Chúa và dạy cho chúng ta biết tinh thần mà những đồ đệ của một vị Thầy như thế phải nhận biết và tuân theo trong mọi lãnh vực. Tất cả những điều trên làm sáng tỏ những nguyên tắc chung là những nguyên tắc đặt nền tảng cho học thuyết về tự do tôn giáo của bản Tuyên Ngôn này”. Tắt một lời, Giáo hội không “hùa” theo những trào lưu tự do trong thế giới để bênh vực một cách vô căn cứ quyền tự do tôn giáo của con người.

Thẩm quyền Giáo hội áp dụng và khai triển tuyên ngôn về tự do tôn giáo
Sau khi Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo được công bố, thẩm quyền cao nhất của Giáo hội không ngừng quy chiếu về văn kiện mỗi khi nhắc đến vấn đề tự do tôn giáo, đồng thời cũng không ngừng triển khai và áp dụng những chỉ dụ của Công Đồng về quyền tự do tôn giáo của con người.

Đường hướng của Đức Phaolô VI
Đức Phaolô VI thường nhấn mạnh đến chiều kích mạc khải của quyền tự do tôn giáo hơn là tính cách pháp lý của quyền này. Trong những dịp gặp gỡ cộng đồng dân Chúa, ngài không ngừng nhắn nhủ rằng: “Sự tự do đích thực nơi con người là dấu chỉ vĩ đại nhất về Thiên Chúa… Cố tình tước đoạt tương quan tự do đích thực của con người với Thiên Chúa, thì cũng đồng nghĩa với việc gạt bỏ lý chí xác đáng của con người về sự tự do.”[x] Đặc biệt, Đức Phaolô VI cũng không ngừng cảnh tỉnh cộng đồng nhân loại về mối nguy hại của chủ nghĩa duy thế tục đối với sự tự do đích thực của con người trong việc tiếp cận chân lý của Tin mừng.[xi]

Đường hướng của Đức Gioan Phaolô II
Đức Gioan Phaolô có lẽ là người nổi bất hơn cả và được xem như “chiến sĩ” kiên cường đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo của con người. Ngài không chỉ là một trong những nghị phụ của Công Đồng có những đóng góp quan trọng trong việc hình thành nên Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo, mà với cương vị Giáo hoàng, ngài còn là người miệt mài thực thi những huấn thị của Công Đồng về quyền tự do tôn giáo của con người. Tại Công Đồng, với tư cách là nghị phụ, ngài nhấn mạnh rằng tuyên ngôn về tự do tôn giáo cần được công bố cách nào đó sao cho những người Mac-xít không thể nhân danh “trật tự công cộng” để áp chế quyền căn bản này của con người.[xii]
Khi lên ngôi Giáo hoàng, ngài công khai bày tỏ lập trường của mình trong việc áp dụng triệt để các huấn thị của Công Đồng Vatican II. Trong bài diễn văn mở đầu khi được bầu làm giáo hoàng, ngài nhấn mạnh: “Chúng ta có nhiệm vụ ưu tiên là phải tìm cách thực hành một cách hết sức chuyên cần các sắc lệnh và các chuẩn mực hướng dẫn của Công Đồng. Chúng ta sẽ phải làm việc này một cách vừa khôn ngoan vừa mạnh dạn. Đặc biệt, chúng ta sẽ cố gắng làm sao cho nảy nở một não trạng thích hợp. Cụ thể là phải có một tầm nhìn giống với Công Đồng để khi thực hành các điều ấy đúng như Công Đồng yêu cầu và nếu như có điều gì còn ẩn khuất hay còn ‘mặc nhiên’ thì phải làm sao cho chúng trở nên minh nhiên dựa vào những kinh nghiệm đã được thi hành kể từ đó và dựa theo những đòi hỏi của hoàn cảnh. Tắt một lời, cần làm cho các hạt giống phong phú mà các nghị phụ đã gieo vào đất tốt sau khi đã được Lời Chúa nuôi dưỡng (cf. Mt 13,8.23) – tức là các giáo huấn và suy tư mục vụ quan trọng – được trở nên chín muồi phù hợp với mọi diễn biến và cuộc sống.”[xiii]   
Đức Gioan Phaolô II xác tín rằng tự do tôn giáo là nền tảng của mọi thứ tự do khác. Trong sứ điệp nhân ngày hòa bình thế giới năm 1988, ngài khẳng định rằng: “Trước hết, tự do tôn giáo, một yêu cầu thiết yếu của phẩm giá mỗi người, là nền tảng cấu thành các quyền căn bản của con người, và vì lý do này, tự do tôn giáo là một yếu tố không thể thay thế trong lợi ích của cá nhân và của toàn xã hội, cũng như sự thành toàn của mỗi cá nhân.”[xiv]
Tóm lại, tất cả những tuyên bố và hành động của Đức Gioan Phaolô II liên quan đến các quyền căn bản của con người, nhất là quyền tự do tôn giáo trên khắp thế giới, lúc này hay lúc khác, đều thể hiện lập trường cương quyết của ngài trong việc áp dụng cách triệt để Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo của Công Đồng Vatican II: Dignitatis Humanae.

Đường hướng của Đức Benedictô XVI
Với Đức Benedictô XVI, lập trường của ngài là tiếp tục triển khai và phát huy những gì vị tiền nhiệm của mình đã dầy công xây dựng. Nếu Đức Gioan Phaolô nhấn mạnh quyền tự do tôn giáo là nền tảng để đảm bảo mọi quyền căn bản khác của con người, thì Đức Benedicto XVI nhấn mạnh quyền tự do tôn giáo như là sự phát triển con người toàn diện với phẩm giá của họ được tôn trọng.
Trong tư cách là chuyên viên của Công Đồng Vatican II, ngài là người có đóng góp quan trọng nhất trong việc soạn thảo Hiến chế Vui mừng và Hy vọng (Gaudium et Spes). Hiến chế này đặc biệt nhấn mạnh đến phẩm giá con người trong tư cách họ là hình ảnh của Thiên Chúa.[xv] Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo cụ thể hóa sự nhấn mạnh này của Hiến chế bằng cách xác định rằng phẩm giá của con người sẽ không được tôn trọng đầy đủ và con người sẽ không thể phát triển một cách toàn toàn diện, một khi quyền tự do tôn giáo của họ bị coi nhẹ hoặc bị áp chế.
Với cương vị Giáo hoàng, Đức Benedictô XVI tiếp tục giữ vững lập trường của mình được phản ánh trong Hiến chếGaudium et Spes. Ngay ở thông điệp đầu tiên “Thiên Chúa là Tình Yêu” (Deus Caritas Est) của ngài, thay vì trực tiếp nhấn đến quyền tự do tôn giáo là gì, ngài đề cập đến tương quan giữa Giáo hội và nhà nước trong việc bảo đảm các quyền tự do của con người trong đó có quyền tự do tôn giáo. Ngài khẳng định rằng: “Nhà nước không được áp đặt tôn giáo, nhưng phải bảo đảm sự tự do, cũng như sự hoà bình giữa các tín đồ của những tôn giáo khác nhau; về phần mình, Hội Thánh như một biểu lộ xã hội của niềm tin Kitô giáo có sự độc lập của mình và dựa trên nền tảng đức tin, sống hình thức cộng đoàn của mình mà Nhà nước phải tôn trọng.”[xvi] Trong các bài nhận định của ngài về hiện tình thế giới, ngài không ngừng lên án các tổ chức, các chính thể có hành động đàn áp người Công giáo, tước đoạt quyền tự do tôn giáo của con người. Ngài nhắc đi nhắc lại rằng: “Giáo hội Công giáo không yêu cầu được ban phát các ơn huệ, nhưng đòi buộc nguyên tắc về tự do tôn giáo phải được thực hiện đầy đủ.”[xvii]

Thay lời kết: Một tâm hồn luôn trung thành với giáo huấn của Giáo hội
Trong những tuần qua, những người khát khao công lý và sự thật không khỏi bùi ngùi trước sự ra đi của cha Chân Tín, một con người suốt đời miệt mài đấu tranh cho các quyền sống căn bản của con người, nhất là quyền tự do tôn giáo. Nói về cuộc đời của cha Chân Tín, cha Matthêu Vũ Khởi Phụng nhận xét rằng: “Nhìn vào cuộc đời của cha Chân Tín ta thấy lần lượt người ta hết chê rồi lại khen, hết khen rồi lại chê. Người hôm trước chê, rồi hôm sau lại khen; người hôm trước khen, hôm sau lại chê; có lúc thì đề cao, có lúc thì phê bình ngài nặng lời chuyện này chuyện khác. Đó là con người có thể dùng một hình ảnh là đi giữa những hòn tên mũi đạn của dư luận."[xviii]Có một điều trong cuộc đời của cha Chân Tín có lẽ khiến nhiều người không sao hiểu được đó là tại sao ở chế độ nào cũng vậy, dù là công hòa hay cộng sản, ngài đều bị sách nhiễu, bị kết án và thậm chí là bị tù tội. Mãi cho tới khi ngài nằm xuống rồi, nhiều người mới hiểu rằng vì được thúc bách bởi Tin mừng và được hướng dẫn bởi chính giáo huấn của Giáo hội, cụ thể là giáo huấn của Công Đồng Vatican II, mà ngài đã miệt mài đấu tranh bảo vệ quyền sống của con người cho tới mức độ chịu bắt bớ, chịu tù tội.
Nói như cha Vũ Khởi Phụng, cha Chân Tín chẳng phải là một nhà chính trị, cũng chẳng phải là người có lập trường về mặt thể chế, chính trị nào đó cho bằng là con người luôn ôm ấp trong mình Tám Mối Phúc: Ở đâu có những người nghèo khó thì ở đó ngài động lòng; ở đâu có những con người thấp cổ bé miệng mà bị đàn áp, thì ở đó ngài động lòng; ở đâu có những con người khát khao công lý, ở đâu có những con người cần đến lòng thương xót của người khác, ở đâu có những con người cần hòa bình giữa người với người, ở đâu có những con người bị áp bức về sự công bình, thì ở đấy ngài lên tiếng, bất chấp mọi hiểm nguy.[xix] Tắt một lời, những con người như cha Chân Tín chẳng phải là những người “thích làm chính trị” cho bằng là những người được thúc bách bởi Tìn mừng và luôn trung thành với giáo huấn của Giáo hội Chúa Kitô. 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng
Nguồn: VRNs 




[ii] John Courtney Murray, The Problem of Religious Freedom (Westminster, MD: Newman Press, 1965), 52-63.
[iii] Pius XII, “Allocution to the Congress of Italian Catholic Jurists” (December 6,1953), Acta ApostoUcae Sedis, vol. 45 (1953), 799.
[iv] John XXIII, “Pacem in Terris,” Acta ApostoUcae Sedis, vol. 55 (1963), 260.
[v]  Vatican II, Dignitatis Humanae (DH), 12.
[vi] Ibid.
[vii] Ibid.
[viii] Ibid., 9.
[ix] Ibid., 2.
[x] Pope Paul VI, Words Spoken during an Audience, August 18, 1971.
[xi] Pope Paul VI, Inaugural Discourse Opening the 1968 Eucharistic Congress in Bogotá.
[xii] Bryan Hehir, “Dignitatis Humanae in the Ponticate of John Paul II,” in Religious Liberty: Paul VI and Dignitatis Humanae, ed. John T. Ford (Washington, DC: Catholic University of America Press, 1995) 169 - 183.
[xiii] Pope John Paul II, “First Radiomessage ‘Urbi et Orbi,’”http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/speeches/1978/documents/hf_jp-ii_spe_19781017_primo-radiomessaggio_en.html (accessed December 14, 2012).
[xiv] Pope John Paul II, World Day of Peace Message, 1988.
[xv] Vatican II, Gaudium et Spes, 12, 19 &24.
[xvi] Pope Benedict XVI, Deus Caritas Est, 28 a.
[xvii] Pope Benedict XVI, “Address to the Members of the Diplomatic Corps,”http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2009/january/documents/hf_ben_xvi_spe_20090108_diplomatic-corps_en.html (accessed December 14, 2012).
[xviii] Lm. Matthêu Vũ Khởi Phụng, “Cha Stêphanô Chân Tín – Người Đi Giữa Những Hòn Tên Mũi Đạn của Dư Luận,” http://www.chuacuuthe.com/?p=42450 (accessed December 14, 2012).
[xix] Ibid.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét