Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Nói cho con người (Vấn đề Đức Tổng giám mục phó Nguyễn Văn Thuận): Lm. Chân Tín (23)


LTCGVN (27.12.2012)
Sàigòn 


 


Vấn đề 
Tổng giám mục Phó Nguyễn Văn Thuận
như đã đăng trên nguyệt san Đứng Dậy 
số 72 (15/9/1975)?


Báo Sài Gòn Giải Phóng ra ngày 24/9/1993 có đăng bài Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Thành phố Nguyễn Văn Hanh trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Giải Phóng về Đức cha Nguyễn Văn Thuận.
Trong khi trả lời, ông Nguyễn Văn Hanh có trích một lời phát biểu của linh mục Thanh Lãng như sau:
Một vị Tổng giám mục chủ tịch hàng Giáo phẩm ở Sài Gòn mà có những thành tích như vậy, quả thật không có lợi cho thanh danh Hội thánh, không hay ho gì cho danh Chúa, không ích gì cho việc hòa giải, cho sự hợp tác.
Lời này đã được ông Hanh trích từ tạp chí Đứng Dậy số 72, ra ngày 15/9/1975, bài ‘Tạm tổng kết vụ giám mục Nguyễn Văn Thuận’ của Nguyễn Nghị.

Đã là ‘tổng kết’, tác giả bài báo đưa ra những ý kiến khác nhau, ý kiến chống đối cùng ý kiến ủng hộ việc Tòa thánh đề cử Đức cha Nguyễn Văn Thuận làm giám mục phó địa phận Sài Gòn với quyền kế vị. Ý kiến của cha Thanh Lãng là ý kiến chống đối.
Để có cái nhìn đầy đủ về vấn đề phức tạp kia như đã được đăng trên Đứng Dậy, chúng tôi xin trích phần ủng hộ của bài báo đó, để độc giả Sài Gòn Giải Phóng rõ.
Đứng Dậy viết:
Vào chiều ngày thứ sáu 27/6/1975, tại trụ sở Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn – Gia Định, linh mục Trần Du biện hộ cho giám mục Nguyễn Văn Thuận, đã trả lời trước đại diện Ủy ban Quân quản: “Quyết định bắt Đức giám mục Nguyễn Văn Thuận rời Sài Gòn không thể thi hành được. Hai triệu dân công giáo không chấp nhận. Đức giám mục Nguyễn Văn Thuận không có quyền từ chức. Vậy thì chính quyền có thể giết ngài, có thể giết cả tôi, có thể bỏ tù ngài hay bỏ tù tôi, nhưng không thể tự ý trục xuất Đức giám mục Nguyễn Văn Thuận ra khỏi Sài Gòn”.
Một đoạn khác:
Các xứ đạo Nghĩa Hòa, Nam Thái, Thái Hòa, Tân Việt, Phú Nhuận, Bùi Phát, Phát Diệm, Tân Hòa, Gia Định, Hòa Hưng hay các nhóm ‘Công giáo bảo trì Đức Tin’, ‘Khối tín hữu hiện diện’, với những tuyên ngôn bày tỏ nỗi ‘hân hoan chào mừng Đức tân Tổng giám mục Phó Nguyễn Văn Thuận do Đức Giáo hoàng Phaolô IV bổ nhiệm’, của Hội đồng linh mục, tu sĩ và giáo dân thuộc các địa phận Sài Gòn, Nha Trang, Phú Cường.
Đứng Dậy cũng đăng lời nhận xét của những người ủng hộ quyết định của Tòa thánh:
“Theo họ thì những người xin xét lại hoặc phản đối việc bổ nhiệm Đức giám mục Thuận về Sài Gòn chỉ là những kẻ ‘thời cơ chủ nghĩa’, trong căn bản… Họ là những kẻ xấu, không được đặt vào chức lớn cho nên bất mãn, chuyên môn phá rối, phá đạo,… muốn sống không có kỷ luật nên sợ sự bổ nhiệm của Đức giám mục Nguyễn Văn Thuận. Thậm chí, họ là hiện thân của con rắn dưới gót chân Đức Mẹ. Họ là sói dữ mang lốt con chiên.”
Bài báo Đứng Dậy còn viết thêm:
Đi xa hơn nữa, những người ủng hộ thấy việc chống đối sự bổ nhiệm Đức giám mục Nguyễn Văn Thuận về Sài Gòn là một lối phá đạo tinh vi… Ai chống lại Giáo quyền là chối bỏ đức tin. Ai cổ vũ và yểm trợ việc chống giáo quyền, việc đòi dân bầu lấy giám mục, linh mục cho địa phương ấy là chối đạo Công giáo. Ấy là họ tổ chức một thứ giáo hội địa phương, họ tự điều hành, không thuộc quyền giáo hoàng nữa. Như thế là một thứ thoát ly khỏi quyền từ chính chỉ huy.
Đứng Dậy cũng trích đăng lời Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình viết cho tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản về việc trục xuất Đức cha Thuận:
Các tin trên, như là việc phao tin Chính phủ Cách mạng sẽ trục xuất Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận khỏi Sài Gòn đã làm chấn động dư luận toàn thể nhân dân Công giáo Việt Nam và khiến cho họ phẫn nộ, hoang mang tột độ. Họ nghĩ rằng việc đó không thể xảy ra được, vì nó trái ngược với Sắc lệnh tự do tín ngưỡng của Hồ Chủ tịch ban bố tại Hà Nội ngày 14/5/1955 và chính sách 10 điểm của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tuyên bố ngày 1/4/1975.
Đứng Dậy cho biết ngày 7/6/1975, trong thư gửi các linh mục, tu sĩ và giáo dân Sài Gòn, Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình đã viết:
Việc Tòa Thánh bổ nhiệm đức cha Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận làm Tổng giám mục Phụ tá địa phận Sài Gòn với quyền kế vị là một việc hợp với nhu cầu mục vụ của địa phận Sài Gòn.
Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình trong thư nói trên đã tiết lộ:
Đây không phải là một việc ‘áp đặt’ (việc giám mục Nguyễn Văn Thuận về Sài Gòn), như một số người đã hiểu lầm. Nhiều giám mục miền Nam Việt Nam đã được tham khảo ý kiến, dĩ nhiên có tôi. Chính tôi đã đồng ý hoàn toàn việc bổ nhiệm này.
Như vậy Đức cha Lemaitre, Khâm sứ Tòa thánh đã tham khảo các giám mục miền Nam Việt Nam và Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình cũng đã đồng ý hoàn toàn việc bổ nhiệm này. Và thể theo sự đề nghị của Đức Khâm sứ Tòa thánh và sự đồng tâm nhất trí của các giám mục miền Nam Việt Nam, Tòa thánh đã đề cử Đức cha Thuận làm Tổng giám mục Phó với quyền kế vị Đức cha Bình, trong trường hợp Đức cha Bình từ chức, chết hay không thể làm việc bình thường như bây giờ. Việc đề cử này đã có từ ngày 25/4/1975, tức là năm ngày trước khi Sài Gòn thất thủ vào ngày 30/4/1974, và ngày 7/5/1975, Đức cha Thuận, trong bức tâm thư gởi cho hàng giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân địa phận Nha Trang, đã viết: “Cùng ngày 24/5/1975, Đức Thánh Cha Phaolô VI thuyên chuyển tôi về làm phụ tá Đức Tổng giám mục Sài Gòn với quyền kế vị, bổn phận tôi là cúi đầu tuân phục quyết định tối thượng của Đức Thánh Cha”. Và trước vị đại diện Ủy ban Quân quản Sài Gòn, chiều ngày 25/6/1975, Đức cha Thuận cũng đã lập lại sự vâng phục trên: “Đã được bổ nhiệm, thì tôi bó buộc phải vâng lời, không thể làm khác.”
Cha Thạnh, thư ký của Đức cha Thuận cũng nói với Ủy ban Quân quản ‘đề nghị giám mục Thuận phải rời khỏi Sài Gòn’: “Đức giám mục không có quyền và cũng không ai có quyền, ngoài Tòa thánh Vatican, cho phép Đức giám mục Thuận từ chức”.
Trên đây là những đoạn trích từ bài ‘Tạm tổng kết vụ giám mục Nguyễn Văn Thuận’ đăng trên báo Đứng Dậy số 72, ngày 15/9/1975 để thấy ngoài một ý kiến ‘tiêu cực’ của linh mục Thanh Lãng (nay đã về bên kia thế giới), còn bao nhiêu lời ủng hộ quyết định của Tòa Thánh, kể cả Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình.
Giám mục Nguyễn Văn Thuận được bổ nhiệm ngày 25/4/1975 và được công bố tại Sài Gòn ngày 12/5/1975. Như vậy phải phân biệt việc bổ nhiệm trong thời chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và việc loan báo cho đồng bào Công giáo Việt Nam biết sau ngày chính thể Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ.

                                                                                                                       Lm. Chân Tín
                                                                                                            Sài Gòn, 24/9/1993
                                                                                                (TN số 13 Mùa Thu 1993)
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét