Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Thiên Đàng Hỏa Ngục Hai Bên



Cách đây vài mươi năm nơi các làng quê xứ đạo, bọn trẻ con vẫn còn chơi cái trò gọi là Thiên Đàng Hỏa Ngục. Hai đứa đứng đối diện  cầm tay giơ cao thành một cái vòm, những  đứa còn lại rồng rắn vịn vai nhau vừa khom lưng dậm chân bước qua  vừa đọc mấy câu đồng dao thế này:

  Thiên Đàng Hỏa Ngục hai bên
Ai khôn thì dại ai dại thì khôn
Đêm nằm  nhớ Chúa nhớ cha
Đọc kinh cầu nguyện  nhớ cha linh hồn
Linh hồn phải nhớ linh hồn
Đến khi gần chết được lên Thiên Đàng

Khi vừa đọc dứt câu….được lên Thiên Đàng  thì cái vòm ấy cụp xuống  để  chia thành hai bên, bên qua được thì lên Thiên Đàng còn bên chưa  qua  thì xuống …Hỏa Ngục tức  bị thua. Cả bên được  lên cũng như  bên thua đều cười hỉ hả vì đó chỉ là trò chơi và chúng có thể tiếp tục chơi cái trò này bất cứ lúc nào. Đối với bọn trẻ con đó chỉ là một thứ trò chơi, dù lên Thiên đàng hay xuống Hỏa Ngục  cũng chẳng nghĩa lý gì. Thế nhưng còn người… lớn thì sao, chúng ta có nghĩ ngợi gì đến đời sau, đến cõi đời đời Thiên Đàng Hỏa Ngục ? 

Hễ là người có đạo thì đương nhiên phải tin có đời sau, có thưởng  có phạt = kẻ lành lên Thiên Đàng,  hưởng phúc đời đời, kẻ dữ  sa hỏa ngục chịu phạt vô cùng. Có tin cách chắc thật như thế  người ta mới cố gắng làm lành lánh dữ. Ngược lại không tin thì lòng đạo sẽ bị giảm sút để rồi sớm muộn thể nào cũng mất. Từ bao đời nay Giáo Hội  giảng dạy còn  tín hữu vẫn tin như vậy, thế nhưng  trong thời Tục Hóa này  dường như tất cả đã bị đặt lại = Thiên Đàng chẳng có mà Hỏa Ngục cũng không. Thật ra nếu nói không có Thiên Đàng Hỏa Ngục thì cũng chẳng khác nào nói không có đời sau, chết rồi là hết và như thế sự tồn tại của tôn giáo là vô nghĩa. Sở dĩ nói vô nghĩa bởi vì tôn giáo chính là con đường tâm linh dẫn về đời sau. Bao lâu còn tin có đời sau, có thưởng có phạt thì tôn giáo còn sức sống, trái lại sẽ chỉ còn là một thứ hình thức cùng với những luật lệ lỏng lẻo vô hồn. Tin có đời sau có nghĩa là tin ngoài cõi sống vật chất hữu hình này còn có các cõi sống siêu nhiên khác  và các cõi sống ấy tùy thuộc vào những gì  con người đã thực hiện trong kiếp sống hiện tại để rồi lãnh nhận những kết quả lành dữ khác nhau.

Trên phương diện đức tin thì vậy nhưng với Thần học, đây lại là một lãnh vực suy tư hết sức phức tạp và có thể nói nó  thuộc  bản chất  cơn khủng hoảng.

I/-  Những quan điểm thần học về Hỏa Ngục

Như đã nói người có đạo là người tin có đời sau. Bởi tin có đời sau đồng thời tin  sự thưởng phạt vô cùng nên chúng ta mới cố gắng làm lành lánh dữ. Thế nhưng niềm tin ấy có thể bị…khựng lại với một nghi vấn có tính quyết định về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Chúng ta  tin có đời sau, có thưởng phạt đời đời là vì tin có Thiên Chúa. Còn với những người  vô thần  thì Thiên Đàng Hỏa Ngục là điều không tưởng, với họ chết là hết chuyện. Còn người hữu thần  mặc dầu tin có đời sau nhưng niềm tin ấy rất chi mơ hồ, nếu không muốn nói là phi lý “ Trong vùng ảnh hưởng nền văn hóa Tây Phương nói chung những hình ảnh trình bày về Hỏa Ngục  hay những suy diễn tưởng tượng về Hỏa Ngục rất đa dạng. Vâng có khi Hỏa Ngục được coi như một nơi của thù oán. Có khi lại được coi như  một lò lửa cháy bừng bừng đến vô tận và nhiều khi còn được coi như núi hỏa ngục. Trong cuốn tiểu thuyết nổi danh La Divina Commedia của Dante Alighieri ( 1265 – 1321) một thi hào người Ý trình bày Hỏa Ngục như một cái hố sâu mà Satan đã gây ra khi y bị rơi từ Thiên đàng xuống. Còn các danh họa Kito giáo như Hieronymus Bosch ( 1475 – 1564 ) đều trình bày Hỏa Ngục như chặng đường cuối cùng của cuộc sống con người chứ không còn là nơi thanh luyện hay cải hóa nữa” ( Nguồn Lamhong.org `2/9/2012 Lm Nguyễn hữu Thy – Có Hỏa ngục hay không ? )

Dựa theo Lời Chúa cũng như sự giảng dạy của Giáo Hội từ bấy lâu nay chúng ta vẫn một mực tin rằng con người sau khi chết chỉ có hai nơi để đến, một là nếu sống trong ơn nghĩa Chúa thì được lên Thiên Đàng. Ngược lại sẽ bị đọa trong Hỏa Ngục đời đời kiếp kiếp. Ngoài hai nơi ấy ra có thể còn có một nơi khác gọi là Luyện ngục dành cho những kẻ nào phạm tội nhẹ  sẽ phải ở đó một thời gian để thanh luyện. Đã có biết bao thế hệ tin và sống niềm tin ấy để được hưởng ơn cứu độ. Thế nhưng tất cả đã bị đặt lại một cách gay gắt khi người ta… phát giác ra rằng không thể có Đấng gọi là Tạo Hóa nào dựng nên thế giới vạn vật để rồi  lại…nhẫn tâm đày con người vào trong một nơi gọi là Hỏa Ngục đời đời “ Nếu Thiên Chúa cầm giữ Satan trong Hỏa Ngục cùng với những kẻ bị trầm luân khác do hắn lôi kéo thì Ngài đã làm một hành vi công bình. Nhưng điều đó có hại cho vinh quang  việc tạo dựng tức công trình của Ngài như vậy là chưa hoàn toàn. Nói vắn tắt nếu Hỏa Ngục tồn tại vĩnh viễn thì việc tạo dựng kể như thất bại. như vậy sẽ là một vết đen, có một vết  bẩn không thể chấp nhận. Cho nên vì vinh quang của Ngài  Thiên Chúa bắt buộc phải tha thứ cho Satan và cho tất cả mọi người bị trầm luân. Ngài không thể để cho sự kinh tởm được gọi là Hỏa Ngục  ấy tồn tại mãi” ( Mgr Christiani = Ma quỷ trong thế giới ngày nay ).

Với Đấng Tạo Hóa thì không thể có Hỏa Ngục như một nơi chốn đời đời  giam cầm kẻ có tội. Lập luận này dường như cũng đã được thần học chấp nhận tuy rằng có vài khác biệt “ Thế hệ của những nhà thần học cũng như những vị giáo phẩm trong GH ngày nay xem ra có sự đồng thuận cho rằng Hỏa Ngục không phải là một nơi chốn dành để trừng phạt những kẻ có tội với các đau khổ thể xác nhưng là một điều có tính cách trừu tượng hay nói đúng hơn đó là sự xa lìa Thiên Chúa như chính đức Gioan Phaolo II khi sinh thời cũng đã từng phát biểu…Nhưng bên cạnh đó còn có những nhà thần học khác đã tìm cách dựa theo khoa chú giải KT có tính cách phê bình sử quan để đưa ra một con đường trung dung khác thay vì quan điểm sự cứu rỗi cho muôn loài muôn vật và sự hiện hữu của hỏa Ngục. Theo quan điểm thứ ba này thì Hỏa Ngục hiện hữu thực sự và như một “ khả hữu thực tiễn” ( Karl Rahner ). Nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ có một linh hồn nào đó sẽ bị lạc đường sa vào chỗ ấy bởi lẽ tình yêu và lòng từ bi của Thiên Chúa thì bao la vô tận” ( Nguồn Lm Nguyễn Hữu Thy đã dẫn ).

Cho rằng không có một linh hồn nào sẽ bị…lạc đường sa vào Hỏa Ngục bởi lẽ tình yêu và lòng từ bi của Thiên Chúa thì bao la vô tận, đây chính là quan điểm duy lý của Thần học.  Duy lý theo triết học Kant  đó là khả năng kết luận ( La raison est le pouvoir de conclure ). Kết luận tức là đi từ quan niệm này sang quan niệm khác. Thiên Chúa của thần học chỉ là Thiên Chúa của quan niệm và như thế cái gọi là tình yêu và lòng từ bi ấy thuần túy cũng chỉ là một quan niệm thôi.  Quan niệm Đấng Tạo Hóa để rồi kết luận Thiên Chúa không thể để cho một linh hồn nào phải sa Hỏa Ngục, Thần học chẳng phải như thế là đã vô tình phá đổ đức tin Công Giáo  rồi  sao ?

Có Thiên Đàng, có Hỏa Ngục đó là điều GH buộc phải tin. Công Đồng Constantinop II tuyên cáo “ Nếu ai nói hay nghĩ rằng hình phạt dành cho ma quỷ và những kẻ vô đạo chỉ có tính cách tạm thời và trong một lúc nào đó sẽ được chấm dứt hay sẽ có sự hồi phục lại cho ma quỷ và những kẻ vô đạo thì sẽ bị dứt phép thông công” ( Nguồn Lm Nguyễn Hữu Thy đã dẫn). Tin có Thiên Đàng có Hỏa Ngục  rồi cố gắng làm lành lánh dữ là sự khôn ngoan của người  có đạo. Trái lại không tin có Thiên Đàng Hỏa Ngục thì  cứ mãi lăn lộn trong tội là sự ngu dại của thế gian.

II/-   Khôn  dại,  dại  khôn

Tiếp theo câu đồng dao Thiên Đàng Hỏa Ngục hai bên là câu “ Ai khôn thì dại ai dại thì khôn”. Lời này xem ra có vẻ…vô lý, tại sao khôn thì dại, dại thì khôn ? Có phải chăng vì cho rằng vô lý  nên có người mới sửa lại  lời đồng dao ấy thế này “ Thiên Đàng địa ngục hai quê. Ai khôn thì về,  ai dại thì sa”.  Sửa hai bên bằng hai quê như thế, trước hết đã làm mất đi tính đồng dao là lời con trẻ, sau nữa khiến không thể nhận ra  sự khác biệt sâu xa giữa Hỏa Ngục và Thiên đàng. “ QUÊ” ở đây ám chỉ cho quê hương xứ sở  là nơi mà người tha phương nào cũng mong ngóng có ngày trở về. Xét về mặt tâm linh, người có đạo cũng là những con người tha phương, thế gian là chốn khách đày, vì vậy ai mà chẳng mong được về quê thật  Thiên Đàng ? Nếu hiểu “QUÊ” là quê hương như thế  thì sao có thể nói Hỏa Ngục là “QUÊ” được, thử hỏi có ai lại mong mỏi…sa Hỏa Ngục bao giờ ?

          Mặt khác dù giàu hay nghèo ai cũng có quê hương bản quán tức là nơi mà mình sinh ra.  Sinh ở đâu thì mong được về chỗ ấy, điều này minh triết Đông Phương gọi là Phản Phục “ Vạn vật tịnh tác ngô dĩ quan phục, phù vật vân vân các phục quy kỳ căn” ( vạn vật cùng đều sinh ra, ta lại thấy nó trở về gốc. Ôi ! muôn vật trùng trùng hết thảy đều trở về cội rễ của nó – Lão Tử ĐĐK chương 16 ). Trở về cội rễ tức trở về nơi mà mình  từ đó phát xuất. Con người được tạo dựng giống Hình Ảnh Thiên Chúa ( St 2, 26). Vì vậy cứu cánh của người có đạo là để trở về với Thiên Chúa Đấng   đích thực là Cha của mình. Cứu cánh tất nhiên chỉ có một nhưng phương tiện thì nhiều. Chúa xuống thế mục đích là để cho con người nhận biết Thiên Chúa là Cha  nhưng đồng thời cũng biết việc ấy là rất khó, bởi đó cùng với mạc khải Ngài cũng rao giảng Tin Mừng  Nước Trời “ Ta cầ phải rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho các thành thị khác. Vì cốt tại việc đó mà Ta được sai đến” ( Lc 4, 43).

Đức Kito rao giảng Nước Trời và Ngài gọi đó là Tin Mừng bởi đây là một cái TIN ( tin tức )nếu ai nghe được thì trong lòng sẽ phát khởi nỗi vui mừng lớn lao cả thể.  Tại sao nghe Tin Mừng Nước Trời mà  vui ? Đó là bởi Nước Trời ấy chẳng ở  đâu xa mà có ngay nơi cõi lòng  mỗi người. Nước Trời là nước cực cao cực quý thế mà nghe nói nó lại hiện hữu ngay ở nơi mình  thế nên  làm sao mà lại không vui không mừng ? Ở đây ta thấy ai có nghe và tin ( Ngộ ) được lời rao giảng của Chúa thì mới có được niềm vui giải thoát ấy. Trái lại với những kẻ không tin thì đó chỉ là lời lẽ hoang đường ru ngủ quần chúng  nghèo hèn. Các Mác sở dĩ cho tôn giáo là thuốc phiện chính là vì ông ta và những kẻ vô thần không thể tin được vào một thứ Nước Trời như thế. Chẳng những chỉ những kẻ chống đối tôn giáo mới không tin vào Tin Mừng mà ngay  đến cả Thần học  trong thời Tục Hóa này  cũng vậy, họ đã ngang nhiên biến Nước Trời mầu nhiệm thành ra thứ…nước mang màu sắc chính trị “  Tin Mừng  về Nước Trời đã là sự thông báo về một trạng thái mới của sự vật trên mặt đất .  Một trật tự xã hội mới trong đó người nghèo sẽ không còn nghèo, những người đói sẽ được no và những người bị áp bức sẽ được giải phóng” ( Lm Vương Đình Bích – Đức Giesu trước khi có Kito giáo).

Nguyên nhân sâu xa khiến con người không thể tin vào Tin Mừng của Đức Kito đó là do nơi ảnh hưởng của duy lý.  Với duy lý thì không thể có đức tin bởi lẽ thực chất  đức tin chính là niềm hy vọng “ Vì chúng ta được cứu trong sự hy vọng nhưng sự hy vọng đã thấy được thì chẳng phải là hy vọng vì ai lại hy vọng điều mình đã thấy rồi ư ? Song nếu chúng ta hy vọng điều mình chưa thấy thì chúng ta mới nhẫn nại mà đợi trông” ( Rm 8, 24 -25) Đức tin của người Công Giáo luôn  gắn với niềm hy vọng Nước Thiên Đàng đời sau. Thế nhưng điều ấy thế gian lại cho là ngu dại “ Bởi chưng Đạo Thập Tự Giá đối với những kẻ bị hư mất thì là ngu dại. Song đối với chúng ta là những người được  cứu thì lại là quyền năng của ĐCT. Vì có lời chép rằng Ta sẽ hủy diệt sự khôn ngoan của người khôn ngoan. Loại bỏ sự thông sáng của người thông sáng. ( Is 29, 14 )Người khôn ngoann ở đâu ? Văn sĩ ở đâu ? Biện sĩ đời này ở đâu ? ĐCT há chẳng đã làm cho sự khôn ngoan của thế gian này ra ngu dại ư ? Vì tại thế gian cậy sự khôn ngoan mình chẳng do sự khôn ngoan ĐCT mà nhận biết ĐCT, cho nên ĐCT đã vui lòng dùng sự ngu dại của đạo chúng ta rao giảng mà cứu rỗi những kẻ tin” ( 1C 1, 18 -21).

Sống niềm tin tôn giáo là sống trong nghịch lý = khôn thì dại, dại thì khôn. Cái khôn của thế gian  là đường dẫn vào Hỏa Ngục  bởi  họ chỉ biết có mình, có đảng phái phe cánh mình. Còn cái …dại của người có đạo là dại biết bỏ mình theo Chúa đưa đến  sự sống đời đời trên Nước Thiên Đàng “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6).

Phùng  Văn  Hóa
Tác giả gửi trực tiếp cho Lương Tâm Công Giáo Việt Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét