Tựa đề trên đây là một trong 16 đề tài trong dự án nghiên cứu do Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình thực hiện, theo đề nghị của Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Giáo phận Thành phố HCM, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam (1960 – 2010).
Trong thư đề ngày 22.7.2007 gửi cho Lm. Nguyễn Thái Hợp, Chủ nhiệm CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình, Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn “nhờ CLB.NVB nghiên cứu xem coi thái độ bất hợp tác và thái độ hợp tác của Giáo hội trong lịch sử 50 năm qua, mỗi thái độ có những lợi và hại nào, đối chiếu cái lợi và cái hại của hai thái độ, và đề xuất bài học thực hành cho mọi thành phần tôn giáo và xã hội biết cách nào góp phần vừa xây dựng đất nước vừa lành mạnh hoá đời sống dân tộc. Có được thế thì sự phát triển đất nước và con người mới bền vững”. Đức Hồng Y còn nhấn mạnh: “Nhờ CLB.NVB nghiên cứu và đề xuất bài học chính xác và toàn vẹn”.
Dự án này có mục đích đáp ứng yêu cầu trên đây của ĐHY Phạm Minh Mẫn, với mong muốn cung cấp một cái nhìn tổng hợp về tương quan giữa Cộng sản và Công giáo trên nửa thế kỷ qua, từ ngày Đảng Cộng sản lên nắm quyền ở Việt Nam (1945); về vai trò của Giáo hội trong các mặt hoạt động của xã hội, cách riêng trên lãnh vực giáo dục, y tế, từ thiện, truyền thông; về những “lợi/hại” phát sinh từ sự hợp tác Công giáo và Cộng sản; nhất là đề xuất một định hướng hợp tác, không chỉ cho người Công giáo mà còn cho người Cộng sản và mọi người Việt Nam nói chung.
Về tương quan giữa Giáo hội Công giáo Việt Nam (GHCG) và Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCS), đã có một vài công trình nghiên cứu công phu. Nhưng kể từ sau năm 1975, chúng tôi bỗng cảm nhận một khoảng trống trong lịch sử GHCGVN, đó là mảng về GHCG miền Bắc trong giai đoạn Đất Nước bị chia cắt làm hai miền. Kìm kẹp gay gắt như vậy, ai mà dám viết lách nhận định? Cho đến nay Đất Nước thống nhất đã trên 30 năm, các nhân chứng còn tản mát trên khắp 10 Giáo phận thuộc Giáo tỉnh Hà Nội, nhưng đã có mấy ai ghi chép lại chặng đường thánh giá này? Với chính sách địa phương khoanh vùng, đi lại khó khăn, hộ khẩu nghiệt ngã, có mấy ai có được một cái nhìn tổng quát về GHCG miền Bắc trong giai đoạn này.
Chúng tôi trong nhiều năm về lại quê Bắc, hầu chuyện các bậc trưởng thượng đã chứng kiến bể dâu của Đạo của Đời trong những năm khổ ải ấy, la cà chuyện vãn với anh em đồng trang lứa, khi mà chúng tôi xuống tàu di cư vào Nam thì các bạn đang nép mình trong một “Chủng viện chui” nào đó, có người đi tù vì tội … đi tu, các bạn đã ghim vào bộ nhớ đủ thứ chuyện và hôm nay các bạn còn thừa minh mẫn để kể lại cho người anh em Bắc kỳ di cư 54 những oan nghiệt vừa qua.
Từ những chuyến đi ấy đến đề nghị của Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn với CLB.NVB trên đây, Ban chủ nhiệm CLB đã ưu ái dành cho tôi đề tài nghiên cứu này.
Bài viết này không thể hoàn thành được nếu không có sự chỉ giáo của các bậc trưởng thượng: Lm. Phạm Hân Quynh thuộc Giáo phận Hải Phòng, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (Tp. HCM), tham khảo tài liệu của Gs. Đỗ Mạnh Tri (Paris), của các thân hữu Hoà Giang Đỗ Hữu Nghiêm (Hoa Kỳ), Nguyễn Văn Lục (Canada), Nguyễn Nghị (Việt Nam). Tôi đang hình dung lại những khuôn mặt đáng yêu của bầu bạn rải rác tại nhiều Giáo phận miền Bắc: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Phát Diệm, Thái Bình v.v… mà tôi không muốn kể tên nơi đây, một phần vì đức khiêm nhường của các bạn không cho phép tôi, một phần, biết đâu đấy lại chẳng gây phiền hà cho các bạn. Gần hết thập niên đầu của thế kỷ 21 rồi, vậy mà vẫn còn những chuyện mời “làm việc” đấy. Xin quý vị và các bạn nhận nơi đây lòng biết ơn sâu đậm của người viết.
* * *
MỘT LÒNG VÌ TỔ QUỐC
Tôi xin được bắt đầu bài viết bằng việc vẽ lại đây khung cảnh hào hùng của ngày lễ Tuyên ngôn độc lập 2.9.1945 tại quảng trường Ba Đình. Hôm ấy, ngay dưới chân lễ đài mà trên đó cụ Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, là 180 thầy đại chủng sinh trong đồng phục áo chùng thâm, đi đầu là thầy Gioan Đỗ Tông với vóc dáng cao lớn nhất “tràng lý đoán” cầm lá cờ đỏ sao vàng. Tất cả các thầy đã hát vang một bài hát ca tụng nền độc lập của Tổ quốc, do thầy Giuse Lê Đức Triệu, tức nhạc sĩ Hoài Đức thuộc nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, vừa mới sáng tác tối hôm trước và các thầy đã tập hát ngay trong đêm, với một tâm trạng rộn rã như chưa từng có trong cuộc đời làm con dân Đất Việt.
Khung cảnh này có thể coi là tiêu biểu cho lòng người Công giáo Việt Nam trước công cuộc dành độc lập cho dân tộc, trước giây phút đã làm rạo rực con dân Việt Nam. Xa quảng trường Ba Đình, rất xa, trong một làng quê nghèo nàn chưa hề được nghe nói đến cụ Hồ, đến độc lập, có chú bé con có đạo mới lên 5 tuổi đang cùng các bạn miệt mài làm cở đỏ sao vàng, dán cùng khắp thôn xóm, từ nhà thờ đến đình làng. Hồi ấy chúng tôi chưa nhìn thấy cây bút chì màu ra sao, đành phải sáng tạo: dùng màu đỏ của gạch non và màu vàng của củ nghệ. Hì hục vẽ, rồi say sưa hát (hồi ấy chưa biết bài hát tên gì và của tác giả nào):
Làng tôi xanh bóng tre
Từng tiếng chuông ban chiều
Tiếng chuông nhà thờ rung
…………
Lòng tôi theo đoàn quân du kích
………..
Nhưng thôi rồi còn đâu quê nhà
Ngày giặc Pháp phá làng diệt thôn.
Rồi thày Kẻ giảng dạy cho Nghĩa Binh Thánh Thể bài học vỡ lòng:
Rủ nhau đi vớt bèo tây
Bèo tây mới có từ ngày Tây sang
Rủ nhau đi vớt tập đoàn
Vớt cho nó khỏi lan tràn xứ ta
Ơn trời sắc nước trong veo
Ao ta ta thả giống bèo của ta.
Cho đến nay, chú bé con nhà có đạo sáng lễ chiều chầu ấy đã sắp vào tuổi thất thập, vẫn còn nhớ như in bài học đầu đời từ người thầy đầu tiên. Nhưng hồi đó, chả hiểu gì cả. Chiều chiều cứ giương mắt ếch nhìn các cô các chú du kích, đầu gắn đầy lá cây trên mũ, áo bỏ trong quần, lặng lẽ hành quân qua làng.
Chú bé Nghĩa Binh Thánh Thể không hiểu gì, cả xứ đạo quê mùa không hiểu gì về biến chuyển tày trời đang xảy ra trên Quê hương thân yêu, nhưng bốn vị Giám mục Việt Nam tiên khởi đang hiểu rõ vận mệnh Quốc gia và đã nhập cuộc. Ngày 23.9.1945, các ngài đã gửi một lá thư lên Đức Giáo Hoàng Piô XII để xin Toà Thánh ủng hộ nền độc lập non trẻ của Việt Nam. Lá thư do Đức Cha Nguyễn Bá Tòng ký tên thay cho ba vị kia (Hồ Ngọc Cẩn, Ngô Đình Thục và Lê Hữu Từ). Lá thư viết:
“Dân tộc Việt Nam chúng con qua sự trung gian của 4 Giám mục xin đệ đến Đức Thánh Cha lòng thành kính sâu xa và xin Đức Thánh Cha chúc phúc, cầu nguyện cho nền độc lập mà dân tộc chúng con mới thâu hồi được và đang sẵn sàng bảo vệ nó với bất cứ giá nào …
Các Giám mục Việt Nam nài khẩn Đức Thánh Cha, Toà Thánh La Mã, các Đức Hồng Y, các Đức Tổng Giám mục và toàn thể Kitô hữu thế giới và nhất là nước Pháp, ủng hộ nền độc lập của Tổ quốc yêu quý chúng tôi”(1)
Trước lá thư trên đây, trong lúc lực lượng võ trang Việt Minh đang tiến công dành quyền kiểm soát đồng bằng sông Hồng, Hoàng hậu Nam Phương, một tín hữu Công giáo đạo hạnh, đã cho phổ biến một lời kêu gọi vào đúng ngày thoái vị của chồng bà, Hoàng đế Bảo Đại, ngày 30.8.1945. Lời kêu gọi của Hoàng hậu Nam Phương có đoạn viết:
“Nước Việt Nam đã thoát ách đô hộ của đế quốc Pháp và Nhật Bản. Chồng tôi, cựu hoàng Bảo Đại, khi thoái vị đã nói lên nguyện vọng làm dân một nước độc lập còn hơn là làm vua một đất nước nô lệ. Bản thân tôi, tôi đã từ bỏ không nuối tiếc mọi đặc quyền của một hoàng hậu, hợp lực với các chị em phụ nữ, mỗi người trong hoàn cảnh và khả năng của mình, để cộng tác với chính quyền trong việc bảo vệ quyền lợi thiêng liêng của nền độc lập của chúng tôi.
Lúc này đây, máu đã đổ nhiều … nhiều sinh mạng đã bị hy sinh cho tham vọng của một nhóm thực dân Pháp …
Nhân danh mười ba triệu phụ nữ Việt Nam, tôi kêu gọi các bạn bè của riêng tôi, các thân hữu của Việt Nam, hãy lên tiếng đòi tự do … bằng cách thỉnh cầu nhà cầm quyền của quốc gia các bạn can thiệp để một nền hoà bình công bằng và thoả đáng được thiết lập, làm như vậy các bạn đã tuân theo tiếng nói của lương tâm con người và chiếm trọn lòng biết ơn của dân tộc chúng tôi” (2).
Theo Benard Fall thì lời kêu gọi này của Hoàng hậu Nam Phương đã được bà viết ngày 25.8.1945, nhưng bà đã đợi đến đúng ngày thoái vị của Hoàng đế Bảo Đại mới phổ biến.
Không những người Công giáo bình dân vốn “lòng tôi theo đoàn quân du kích” đã lên đường đi kháng chiến, mà giới trí thức Công giáo thành thị cũng đã tham gia vào công cuộc dành độc lập cho Tổ quốc, mỗi người mỗi cách, tuỳ hoàn cảnh và khả năng của mình. Một trong những khuôn mặt trí thức Công giáo nổi bật vào cái thuở ban đầu kháng chiến ấy là ông Nguyễn Mạnh Hà, người sáng lập phong trào Thanh Lao Công (Thanh niên lao động Công giáo – Jeunesse Ouvrière Catholique – JOC) ở Hải Phòng. Ông Hà có vợ là người Pháp, con gái một vị nghị sĩ thuộc đảng Cộng sản Pháp, ông Marrane. Khi cụ Hồ Chí Minh thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời ngày 23.8.1945, ông Hà được mời giữ chức Bộ trưởng Kinh tế. Chính phủ Lâm thời chỉ tồn tại hơn sáu tháng, bởi sau ngày bầu cử Quốc hội lần đầu tiên 6.1.1946, Chính phủ Liên hiệp đã thay thế Chính phủ Lâm thời vào ngày 2.3.1946. Sau đó ông Hà lại được cụ Hồ mời tham gia phái đoàn dự hội nghị Fontainebleau ngày 27.5.1946.
Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ ngày 19.12.1946, ông Hà và gia đình vẫn ở lại Hà Nội. Ông cùng với các ông Hoàng Xuân Hãn, Luật sư Vũ Văn Hiền, mà người Pháp gọi là “Les Trois H”, chủ trương thương thuyết với Pháp. Nhưng ông vẫn tích cực ủng hộ kháng chiến, điều này làm nóng mặt người Pháp, nên tướng De Lattre de Tassigny đã trục xuất gia đình ông về Pháp năm 1951.
Năm 1977, sau ngày thống nhất Đất Nước, thủ tướng Phạm Văn Đồng sang thăm nước Pháp, đã gặp riêng ông Nguyễn Mạnh Hà. Cuộc gặp gỡ này được coi như nối lại tình xưa nghĩa cũ, tạo nhiều cơ hội để ông Hà về thăm Quê Hương, đóng góp những ý kiến xây dựng cho chính phủ nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Ông mất ngày 4.5.1992 tại Pháp. Bà vợ ông mới qua đời ngày 27.4.2007.
Ngày 4.9.1945, công dân Vĩnh Thuỵ, tức cựu hoàng Bảo Đại, rời kinh thành Huế ra Hà Nội làm cố vấn cho Chính phủ Lâm thời. Cựu hoàng dùng đường bộ, dọc đường đi, dân chúng hai bên quốc lộ 1 được tin xe của cựu hoàng đi qua, đã đổ xô ra để được hân hạnh nhìn thấy vị vua cuối cùng của triều Nguyễn. Tại Hà Nội, việc đón tiếp và bố trí nơi ăn chốn ở cho ông cố vấn cũng đã là một mối bận tâm (và là một chu đáo) của chính phủ. Ông cố vấn thường xuyên được đãi đằng cơm rượu tại nhà ông Mai Văn Hàm, một doanh nhân Công giáo có tiếng tại thủ đô lúc bấy giờ. Vốn ở cung vàng điện ngọc với những bữa yến tiệc sang trọng, lại là người có nếp sống tây phương lịch lãm, cố vấn Vĩnh Thuỵ làm sao mà kham nổi những bữa cơm đạm bạc của thời kháng chiến. Thế là, với tinh thần góp công sức vào cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp lúc bấy giờ, ông Mai văn Hàm thường xuyên tổ chức các bữa cơm tây cho cựu hoàng thư giãn, cho các nhà trí thức nay đang một lòng với kháng chiến lui tới. Nhà ông Mai Văn Hàm đã là một câu lạc bộ với sự góp mặt thỉnh thoảng của cố vấn Lê Hữu Từ mỗi khi Đức Giám mục về thủ đô trao đổi quốc sự với cụ Hồ, của các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, hai vị khách không thường xuyên góp mặt. Theo lời kể của Lm. Phạm Hân Quynh thì những vị có mặt thường xuyên hơn là các ông Nguyễn Đệ, ông Tam Lang Vũ Đình Chí, ông Nguyễn Tấn Di Trọng, ông Ngô Tử Hạ. Lm. Phạm Bá Trực và thầy đại chủng sinh Phạm Hân Quynh cũng thường có mặt trong các buổi gặp gỡ này. Thầy Quynh thường được xếp chỗ ngồi bên cụ Nguyễn Đệ, đơn giản chỉ vì cụ nói không rành rẽ tiếng Việt. Thầy kiêm việc phiên dịch. Ông Ngô Tử Hạ, chủ một nhà in ở ngõ Huyện, gần nhà thờ lớn lúc bấy giờ, sau được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khoá I, cũng thường xuyên có mặt trong các bữa tiệc này.
Cách riêng, Lm. Phạm Bá Trực, một vị tu hành với lòng yêu nước nồng nàn, đã được giáo quyền chấp thuận cho tham gia vào các hoạt động chính trị lúc bấy giờ. Cha Trực được bầu vào quốc hội khoá I và là phó trưởng ban thường trực quốc hội. Ngài qua đời ngày 5.10.1954, chỉ 5 ngày trước ngày quân đội nhân dân tiếp quản thủ đô Hà Nội. Nhật báo “Nhân Dân”, cơ quan trung ương của Đảng Lao Động Việt Nam số 237 ra ngày 11 và 12 tháng 10 năm 1954 (3) đã tường thuật đầy đủ tang lễ của Cha Phạm Bá Trực. Tờ nhật báo đăng bài cáo phó ngay trang nhất :
CÁO PHÓ
Cụ Linh mục Phạm Bá Trực đã từ trần.
Báo Nhân Dân lấy làm đau đớn báo tin để toàn thể đồng bào biết rằng:
Cụ Linh mục Phạm Bá Trực
Phó trưởng Ban Thường Vụ Quốc Hội
Phó Chủ tịch Mặt trận Liên – Việt
Sau hai năm bị bệnh nặng, được chính phủ ta hết lòng săn sóc, đã từ trần ngày 5 tháng 10 năm 1954 tại Việt Bắc, thọ 56 tuồi.
Cụ Linh mục Phạm Bá Trực là một nhà ái quốc được toàn thể đồng bào công giáo và nhân dân ta kính mến. Cụ luôn luôn nêu cao tinh thần hy sinh phấn đấu vì lòng kính Chúa và yêu nước của người công giáo Việt Nam. Trong Mặt trận Liên – Việt cũng như trong Quốc hội, cụ đã không ngừng nỗ lực để thắt chặt khối đoàn kết giữa đồng bào lương và giáo, giữa các tôn giáo với nhau, đặng đấu tranh cho lý tưởng chung của dân tộc ta là hoà bình, thống nhất, độc lập và dân chủ.
Cụ Linh mục Phạm Bá Trực từ trần là một cái tang chung của đồng bào công giáo và của nhân dân Việt Nam ta.
Trong dịp này chúng tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn của cụ Linh mục Phạm Bá Trực với lòng thương tiếc chân thành một nhà ái quốc thân yêu.
Cũng tại trang nhất của số báo này, ngay bên trên cột tin cáo phó là “Lời điếu Cụ Phạm Bá Trực, Phó trưởng Ban Thường Vụ Quốc Hội” của cụ Hồ Chí Minh. Cụ Hồ viết:
“Tôi xin thay mặt chính phủ kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn Cụ.
Từ ngày nhân dân tin cậy cử Cụ làm Đại biểu Quốc hội và Quốc hội cử Cụ vào Ban Thường Trực, Cụ đã đưa hết tinh thần và lực lượng giúp Chính phủ trong mọi vấn đề quan trọng. Trong mọi việc, Cụ đã kết hợp đạo đức bác ái theo lời Chúa dạy, với tinh thần nồng nàn yêu nước của người đại biểu chân chính cho nhân dân Việt Nam.
Nay Cụ mất đi, Chính phủ và nhân dân vô cùng thương xót.
Trong lúc ốm nặng, Cụ thường nói với tôi: Mong trông thấy kháng chiến thắng lợi thì dù chết Cụ cũng thỏa lòng.
Nay hoà bình đã trở lại, Cụ đã thỏa lòng.
Nhưng tiếc rằng Cụ không còn nữa để giúp nước giúp dân.
Với lòng vô cùng thương tiếc một nhà tận tuỵ ái quốc và một người bạn thân mến, trước linh hồn Cụ, chúng tôi nguyện kiên quyết một lòng, đoàn kết toàn dân để làm tròn sự nghiệp mà suốt đời Cụ mong muốn, tức là: củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn nước Việt Nam yêu quý của chúng ta.”
Hồ Chí Minh
Bên dưới hai bài Điếu Văn và Cáo Phó, vẫn tại trang nhất là bài tường thuật tang lễ của Cha Phạm Bá Trực, với sự hiện diện của cụ Tôn Đức Thắng, Quyền Trưởng Ban Thường Trực Quốc Hội và Chủ tịch Uỷ Ban Mặt trận Liên – Việt, cụ Bộ Trưởng Vũ Đình Tụng và ông Bộ Trưởng Phan Anh đại diện chính phủ, cụ Lm. Vũ Xuân Kỷ và ba vị linh mục khác, đồng chí Hồ Viết Thắng đại diện trung ương Đảng Lao Động Việt Nam. Đại sứ quán Trung Quốc ở Việt Nam cũng cử ông Tham tán Tạ Xưởng Thu và ông Bí thư Tào Quế Xinh đến dự lễ. Bộ trường Phan Anh đọc điếu văn của Hồ Chủ tịch viếng Cha Phạm Bá Trực.
Vào dịp lễ giỗ Cha Phạm Bá Trực đầu tháng 10.2008, chúng tôi về giáo xứ Đại Từ, Thái Nguyên, nơi đặt phần mộ Cha Trực và chỉ cách thủ đô kháng chiến Định Hoá 30 cây số. Chúng tôi nghiêm trang kinh nguyện bên phần mộ của Cha, với lòng hiệp thông của kẻ hậu sinh luôn nặng lòng với Hội Thánh và Đất Nước. Chợt nhớ lại lời nguyện ước của vị linh mục lành thánh này: Khi hoà bình, sẽ trả lại mọi chức tước cho Nhà Nước và trở về với đời sống của một linh mục thuần tuý. Tiếc quá, chỉ còn 5 ngày nữa là Cha có thể về thủ đô Hà Nội, gặp lại các đấng bề trên của Giáo hội, những người đã chúc lành cho Cha trên đường kháng chiến, thì cha lại an nghỉ ngàn thu ở chiến khu Việt Bắc này.
Có thể nói rằng mọi thành phần của Giáo hội Công giáo Việt Nam đều một lòng với nền độc lập dân tộc, bằng mọi cách, trong hoàn cảnh của mỗi người, cố gắng đóng góp vào việc gìn giữ nền độc lập non trẻ này. Đặc biệt hơn nữa như tại Phát Diệm, một tổ chức chính trị và quân sự là “Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc” đã được chính phủ công nhận và liên lạc hàng ngang với Mặt trận Việt minh, qua sự ký nhận hợp thức hoá của ông Phạm Văn Đồng, đại diện Tổng bộ Mặt trận Việt minh. Đó là vào dịp phái đoàn chính phủ về Phát Diệm dự lễ tấn phong Đức Giám mục Lê Hữu Từ (29.10.1945) gồm có các ông Nguyễn Vĩnh Thuỵ, Cố vấn Chính phủ, Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Nội vụ, Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Tài chánh, Nguyễn Mạnh Hà, Bộ trưởng Kinh tế và Trần Huy Liệu, Bộ trưởng Tuyên truyền.
Cứ tưởng như đôi bên kháng chiến Việt minh và Công giáo sẽ chen vai sát cánh vì nền Độc lập của Tổ quốc, nhưng vẫn ngờ ngợ làm sao ấy! Vì đã không thể có mặt trong dịp lễ tấn phong Đức cha Lê Hữu Từ, cụ Hồ Chí Minh về Phát Diệm vào ngày 20.1.1946 để vấn an vị Giám mục cố vấn chính phủ. Đức Cha Lê đã tỏ ra khá thẳng thắn: “Tôi và toàn dân Công giáo Phát Diệm đoàn kết và triệt để ủng hộ cụ trong công cuộc chống thực dân Pháp, giành độc lập cho tổ quốc Việt Nam, nhưng nếu cụ là cộng sản, thì tôi chống cụ và chống cụ từ phút này”. Chủ tịch Hồ Chí Minh thì vẫn điềm đạm lấp lửng: “Thưa cụ, toàn dân đoàn kết và đã đoàn kết chống thực dân Pháp, giành độc lập cho Việt Nam thì thế nào cũng thắng. Đến khi toàn dân toàn thắng thì sẽ có cuộc phổ thông đầu phiếu, lúc đó toàn dân sẽ định đoạt, cụ và tôi khỏi phải lo”.(4)
Trong chỗ riêng tư, cụ Chủ tịch và cụ Cố vấn thường có những trao đổi thẳng thắn, và vì đại cuộc, hai cụ vẫn giữ những mối giao hảo tốt đẹp, nhất là trong năm 1946. Ngày 27.5.1946, Đức cha Lê đã cử Lm. Nguyễn Gia Đệ tới sân bay Gia Lâm tiễn chân Chủ tịch Hồ Chí Minh đi dự hội nghị Fontainebleau. Hồ Chủ tịch bắt tay Lm. Đệ và nói khá lớn để mọi người có thể nghe: “Xin cảm ơn linh mục và xin linh mục về thưa với cụ Giám mục cố vấn rằng: tôi rất cảm kích trước sự ưu ái và lòng ái quốc cao cả của cụ Giám mục, xin cụ Giám mục và giáo dân Công giáo cầu nguyện cho tôi và phái đoàn thành công trong chuyến xuất ngoại này”. (5)
Tạm ước (Modus vivendi) Fontainebleau cũng như hiệp định sơ bộ 6.3.1946 tại vịnh Hạ Long đó là những nhượng bộ tạm thời trong ý đồ của cụ Hồ trước ngày phát động kháng chiến toàn quốc. Nhưng cụ Giám mục cố vấn đã cùng Lm. Đoàn Độc Thư ra Hà Nội ngày 24.10.1946 để gay gắt phản đối Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đi thương thuyết với kẻ thù cũng một lòng vì Nước vì Dân. Phản kháng gay gắt với kết quả thương thuyết cũng một lòng vì Dân vì Nước. Nhưng rồi kể từ 1947 các cuộc đụng độ thanh toán lẫn nhau giữa hai lực lượng quân sự Việt Minh và Công Giáo Cứu Quốc đã làm lạt đi mối giao hảo giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Giám mục cố vấn Lê Hữu Từ.
Hồ Chủ tịch thì cho rằng “hạ cấp không khéo”, còn Giám mục cố vấn thì mỗi ngày mỗi “ngộ” ra hơn về đường lối chính sách cai trị của Đảng Cộng sản. Tuy vậy hai cụ vẫn cố gắng giữ vẻ thân thiện, ít ra là bề ngoài. Cụ Hồ mời Đức Cha Lê về dự “Hội Nghị Điền Thổ” ở Nho Quan ngày 20.12.1947, cùng nằm nghỉ trưa trên một chiếc phản gỗ, cùng dùng chung một dĩa khoai lang luộc, và đặc biệt nhất là Cụ Hồ xin Đức Cha Lê làm phép báp-tem (rửa tội) cho mình. Lời đề nghị đột ngột này đã được Đức Cha Lê nhã nhặn từ chối, bởi lẽ “báp-tem” không chỉ đơn giản là … dội nước.
Sang đầu năm 1948 (20.1) Đức Cha Lê gửi thư chung số 29 (riêng và mật) cho các cha trong giáo phận, căn dặn :
“ … nếu quân Pháp đánh vào Tỉnh Ninh Bình, thì các cha và giáo hữu ở gần trận địa hãy thu xếp các việc cho kíp mà tránh trước đi. Đừng kể những người phải ở lại canh giữ làng. Đừng ai có hành động gì làm cho người ta cắt nghĩa được là mình có ý theo giặc mà làm thiệt hại cho mình và mang tiếng cho sự đạo.
… ….
…. …
Sau hết xin các cha thực tình và nhiệt thành cộng tác vào công cuộc kháng chiến của chính phủ hiện thời.
Bấy nhiêu lời vắn tắt, xin các cha hiểu và thi hành.
Phát Diệm ngày 20.1.1948
Fr. A.M.T. Lê Hữu Từ (6)
Lá thư luân lưu số 39 của Đức Cha Lê viết ngày 17.4.1949 gửi đoàn chiên giáo phận đã cho chúng ta thấy một điều là Giám mục Phát Diệm đã hiểu, hiểu tường tận học thuyết Cộng sản. Có thể như một số người nghĩ rằng các Giám mục Việt Nam lúc bấy giờ đã không có được những hiểu biết rành rẽ về lý thuyết và con người cộng sản, nhưng chúng tôi nghĩ, đối với Đức Cha Lê Hữu Từ thì không.
Lá thư luân lưu lịch sử này được Đức Cha Lê Hữu Từ viết 5 tháng sau ngày Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn, Giám mục Bùi Chu qua đời, ngày 27.11.1948. Chỉ một tháng sau (tháng 1.1949) Toà Thánh Vatican chỉ định Đức Cha Lê làm Giám quản địa phận Bùi Chu. Như vậy, hai giáo phận Phát Diệm và Bùi Chu đều thuộc quyền Đức Giám mục Lê Hữu Từ. Rồi thì dồn dập những biến cố xảy đến với Bùi Chu, Phát Diệm, đặc biệt là việc quân Liên hiệp Pháp nhảy dù xuống cánh đồng Lưu Phương, ngay cạnh sườn khu an toàn Phát Diệm, ngày 16.10.1949. Mặc dù Đức Cha Lê đã phân trần với toàn giáo phận :
“ … tôi không hề có một tiếp xúc nào với chính phủ Bảo Đại … trước mặt Chúa, tôi không hề có ý làm một việc gì hay nói một lời nào có tính cách như là yêu cầu một quân đội nào đến cứu giúp. Việc này xảy ra hoàn toàn ngoài ý muốn của tôi”. (Thư luân lưu số 47, ngaỳ 20.10.1949).
Nói gì thì nói, Việt Minh coi Phát Diệm như đã vào vùng Tề. Việt Minh lui vào chiến khu, tiếp tục kháng chiến chống Pháp đến hiệp định Genève 1954, cũng là lúc Đức Giám mục cố vấn chính phủ xuống ca-nô ở chân cầu Trì Chính, tháo chạy ra biển, lên tàu vào Nam.
Mọi tầm nhìn của cả Giáo hội Công giáo miền Bắc và của Việt Minh nữa đều hướng về thủ đô Hà Nội, nơi mà vào ngày 15.8.1950, vị Giám mục Việt Nam tiên khởi của Giáo phận, nhân đức và lỗi lạc, với một bộ tham mưu gồm nhiều linh mục trẻ trung, trí thức, được đào tạo từ các nước Tây phương về, sẽ được tấn phong và cai quản Giáo phận thủ đô: Đức Cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê.
Nằm trong vùng Tề và dưới quyền chính phủ Bảo Đại, nhưng hai địa phận Phát Diệm và Bùi Chu vẫn tỏ ra chống Pháp kịch liệt, đặc biệt là trong năm 1951, năm mà Đông Dương được đặt dưới quyền cai trị của viên Cao uỷ người Công giáo nhưng đặc sệt máu thực dân trong huyết quản: De Lattre de Tassigny.
Mới chân ướt chân ráo tới Đông Dương tháng 12.1950, ngày 26.2.1951, Cao uỷ De Lattre tới Đan viện Thiên An, gần thành phố Huế, gặp Đức Viện phụ Dom Romain. Ông cho rằng có những binh sĩ Việt Minh được che dấu và săn sóc tại Đan viện này. Ông tuyên bố: “Thưa Cha, đối với những binh sĩ Pháp tội nghiệp của chúng ta thì cuộc chiến đấu này là một cuộc thập tự chinh. Cách xa tổ quốc vạn dặm, họ đang chiến đấu để bảo vệ nền văn minh Kitô giáo. Họ có quyền chờ đợi ở Cha tình thân hữu, nếu không muốn nói là sự trợ giúp của Cha. Nếu tôi biết chắc được thái độ của Cha, tôi sẽ hành động chống lại Cha. Đó là điều bất đắc dĩ, bởi tôi là một tín hữu ngoan đạo. Nhưng tôi không thể để cho người ta bắn vào sau lưng binh lính của tôi” (7)
Mùa xuân năm 1951, nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày sinh thánh Jean Baptiste de la Salle, Đức Giám mục Lê Hữu Từ đã đọc một bài diễn văn nảy lửa, ngài kêu gọi: “Người Pháp hãy ở lại Paris và Bảo Đại về Sàigòn”. 15 ngày sau, con trai của vị Cao uỷ, Bernard de Lattre, tử trận tại Ninh Bình, sau khi tiểu đoàn do anh chỉ huy đi ngang qua Phát Diệm và bị giáo dân ùa ra đường la ó, nhục mạ.
Từ nghi kỵ đến lời qua tiếng lại, rồi cao điểm là cái chết của cậu con trai, Cao uỷ De Lattre dồn mọi bực bội lên hai giáo phận miền duyên hải Bắc kỳ này, do các Đức Giám mục Lê Hữu Từ và Phạm Ngọc Chi điều khiển (8). Ông còn nghi ngờ hai địa phận này là “trạm trung chuyển” hàng hoá từ vùng tự do Thanh-Nghệ-Tĩnh lên chiến khu Việt Bắc. Ngày 9.6.1951, ông viết thư cho vợ: “Anh phải áp dụng chính sách cứng rắn đối với các vị Giám mục ( …) Phải chấm dứt cái trò đi hàng hai ghê tởm này đã gây ra sự bất ngờ ở Ninh Bình và nếu anh không ra tay chặn lại, sẽ còn gây ra cho chúng ta nhiều tổn thất nữa. Hình bóng của con trai chúng ta đã theo anh khắp nơi và cho anh tất cả nghị lực. Hôm nay anh đã quyết định là nếu các vị Giám mục không nhượng bộ, anh sẽ tuyên bố tình trạng thiết quân luật đối với hai địa phận này và đặt dưới quyền kiểm soát của quân đội. Chính phủ đã đồng ý. Em thấy đấy, chúng ta đang đứng trước một sự thử thách phải dùng sức mạnh, chúng ta phải hoàn tất”. (9)
Cao uỷ De Lattre sang La Mã và vào triều yết Đức Thánh Cha Piô XII ngày 18.10.1951. Vatican lúc này đang bị bao trùm bởi bầu khí chống cộng. Chúng tôi nghĩ Toà Thánh cũng đã không hiểu tường tận hoàn cảnh của Việt Nam, của Đông Dương.
Ngày 23.10.1951, vị Khâm sứ mới của Toà Thánh Vatican, Đức Cha Dooley, nhậm chức tại Hà Nội. Hai tuần lễ sau đó, từ mùng 5 đến mùng 10 tháng 11.1951, Đức Khâm sứ chủ toạ hội nghị các Giám mục Đông Dương. Cao uỷ De Lattre đã dành chiếc máy bay riêng của ông để phục vụ các Giám mục về phó hội. Ngày 7.11.1951, ông tổ chức buổi chiêu đãi các vị Giám mục tại “Nhà Pháp Quốc” (Maison de la France) (10). Các vị Giám mục Việt Nam đã được “săn sóc” quá ân cần, đến độ không còn đủ can đảm để lên án chế độ thực dân Pháp trên Quê hương thân yêu. Ở đoạn đầu của lá thư, các ngài đã nâng lòng ái quốc (Patriotisme) lên hàng nhân đức (vertu) của người Công giáo. Tiếc thay, đoạn này lại không có trong bản tiếng Việt. Tại sao vậy nhỉ? Các vị Giám mục Việt Nam bị sức ép từ phía người Pháp? Hoặc giả các Đức Giám mục không muốn phổ biến rộng rãi quan điểm này, e rằng thanh niên Công giáo sẽ lên đường đi kháng chiến hết. Mà đi kháng chiến ở thời điểm đó để chống thực dân Pháp thì chỉ còn một con đường duy nhất là gia nhập Việt Minh. Các đảng phái “Quốc gia” cứ nhùng nhằng mãi trong chính sách và tổ chức, sau cùng bị tiêu diệt và tan rã. Khu an toàn Bùi Chu Phát Diệm chỉ là chuyện lãng mạn, an toàn nhưng có an toàn đâu, Việt Minh có thể ra vào như chốn không người.(11) Nhưng trong bản văn tiếng Pháp thì có đầy đủ hai đoạn thiếu trong bản tiếng Việt (Xin xem phần phụ lục), phải chăng để “dằn mặt” riêng người Pháp, cũng là những người Công giáo, lại còn được coi là “trưởng nữ” trong các Giáo hội Công giáo Châu Âu?
Dẫu sao thì các Giám mục Việt Nam năm 1951 đã làm đầy đủ vai trò ngôn sứ: lên án học thuyết cộng sản là sai lầm từ bản chất. Chỉ 40 năm sau, học thuyết và chế độ này đã sụp đổ như lâu đài trên cát, từ ngay “đất nguồn” của chế độ.
Tưởng rằng đã dẹp bỏ được mọi chướng ngại trong cuộc chiến chống Việt Minh, Cao uỷ De Lattre gạt sang một bên mọi khuynh hướng ôn hoà chủ trương đàm phán. Người Công giáo Nguyễn Mạnh Hà bị trục xuất về Pháp. Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, tức cuộc kháng chiến chống Pháp, đã chấm dứt với thất bại của thực dân Pháp tai mặc trận Điện Biên Phủ, dẫn tới Hiệp đinh Genève chia đôi Đất Nước, dùng vĩ tuyến 17 làm ranh giới của hai miền.
Quân đội Việt Minh chiến thắng hùng dũng vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Giáo phận Hà Nội trở thành cánh chim đầu đàn của Giáo hội miền Bắc trong cuộc đương đầu mới với Cộng sản.
1954
Tại Toà Giám mục Hà Nội, Đức Cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê đã can đảm giữ cho “ … tình hình Địa phận Hà Nội là tương đối ổn định trong thời kỳ lung lạc. Được thế phần lớn là nhờ việc chủ chăn luôn hiện diện với đoàn chiên, tức là việc Đức Cha Trịnh Như Khuê không đi Nam, do đó linh mục, giáo dân an tâm ở lại chung quanh vị chủ chăn lập trường chín chắn”. “… Hà Nội còn có một ê-kíp linh mục rất năng động. Ở các thành phố, các linh mục đều ở lại nhiệm sở. Hà Nội, Phủ Lý, Nam Định, đều có các linh mục trẻ đầy năng động. Ở Hà Nội có các Cha Vinh, Cha Oánh, Cha Thông, Cha Quynh; ở Nam Định có Cha Nhân. Các ngài đã được đào luyện tại các Đại Học Công Giáo ở ngoại quốc. Còn lại những Cha Căn, Cha Tụng, Cha Thuyết, Cha Bàng ở Phủ Lý, Cha Trọng, Cha Vượng ở Nam Định, hầu hết là những người đứng đầu các lớp học, nên Đức Cha Khuê đưa về quanh ngài, hoặc ở các nơi quan trọng”.(12)
Trong cuộc gặp gỡ lần đầu với Thủ Tướng Phạm Văn Đồng sau ngày tiếp quản thủ đô, Đức Cha Khuê đã đưa ra nhận xét là trong lịch sử, đã có nhiều chính thể, kể cả những chính thể lúc đầu tỏ ra thiện cảm với Công giáo, nhưng rồi giữa Công giáo và những chính thể này vẫn không đi đến chỗ đồng thuận. Nay thì tại miền Bắc Việt Nam, với chính quyền mới, cho dù đây là một chính thể Cộng sản, Đức Giám mục Hà Nội sẽ cố gắng làm cho thế giới thấy được rằng Công giáo và Cộng sản vẫn có thể chung sống hài hoà. Thủ Tướng Phạm Văn Đồng đã hoan nghênh thái độ này của Đức Giám Mục Hà Nội. Có lẽ thái độ cởi mở và lạc quan này của Đức Cha Khuê đã bị ảnh hưởng bởi quan điểm của linh mục thư ký riêng của ngài, Cha Phạm Hân Quynh, từng du học Âu châu, ở đó ông đã đến thăm Thành phố Syracuse (Ý) dưới quyền đảng Cộng sản Ý. Cha Quynh đã được hướng dẫn đi thăm các nhà thờ chật kín giáo dân tham dự các nghi thức phụng vụ, với lời thuyết minh của Đức Giám mục sở tại: “Họ là đảng viên Cộng sản cả đấy!”. Than ôi, Đông là Đông và Tây là Tây, cách riêng đảng Cộng sản Việt nam, rất Á Đông, rất Việt Nam mà không hẳn người nước ngoài nào cũng hiểu thấu đáo.
Lợi dụng bầu khí cởi mở trong xã hội sau ngày dành được độc lập và nhất là trong thời kỳ “sửa sai” sau những năm tháng “cải cách ruộng đất” tàn bạo và bất nhân, Đức Cha Trịnh Như Khuê đã đi kinh lý một vòng các giáo xứ thuộc địa phận của ngài, kể cả những giáo xứ xa xôi hẻo lánh nhất như Trình Xuyên, Vĩnh Trị, Kẻ Đại, Kẻ Chanh … Đức Giám mục dùng chiếc xe hơi riêng của ngài, có cắm cờ Hội thánh, cùng với linh mục thư ký, cả hai vị đều mặc tu phục chỉnh tề. “Thế rồi tối ngày 16 tháng Tư năm 1957, từ Kẻ Sở, người trở về Hà Nội, qua Phủ Lý đến Ngã tư Vọng, người bị khám giấy và tước giấy. Nhật ký không nói rõ giấy gì. Có thể là giấy thông hành, nhưng cũng có thể là giấy chứng minh nhân dân. Không có giấy thông hành, không có giấy, không có thẻ công dân thì không còn di chuyển, đi đây đó được. Người như đã mất quyền công dân, đã thành kẻ tù tội, người không còn được ra khỏi thành phố, không còn được đi làm nhiệm vụ Giám mục của mình. Người bị quản thúc, bị giam lỏng.” (13). Sự kiện này đã như một gáo nước lạnh dội vào nguyện ước sống chung với Cộng sản của Giám mục Hà Nội. Hà Nội không phải là Syracuse.
Các vị Giám mục khác của miền Bắc cũng lần lượt chịu cảnh giam lỏng trong Toà Giám mục (14), nhất là từ sau năm 1960, năm mà miền Bắc đã ổn định xã hội, khởi đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Các địa phận trống toà đều được Toà Thánh Vatican bổ nhiệm các vị chủ chăn mới vào thời điểm này. Cái khó đối với các tân Giám mục là làm thế nào có thể về được Hà Nội hoặc Hải Phòng để chịu sự tấn phong của các Giám mục sở tại.
Cha Đaminh Đinh Đức Trụ được chỉ định là Giám mục Thái Bình, “… ngài bí mật lên Hà Nội để được tấn phong Giám mục. Con đường Thái Bình-Hà Nội dài ngót trăm cây số, ngài đi xe xích lô. Thực ra trên con đường dài như thế, chủ xe và khách thay nhau đạp (15). Lúc khởi hành là nhá nhem tối, đến Hà Nội là đêm. Đức Cha Trịnh Như Khuê tấn phong cho ngài trong nhà nguyện riêng bên phòng ngủ. Chỉ có chủ phong và người được tấn phong. Hoàn toàn bí mật. Lễ tấn phong xong, hai bố con lại thay nhau đạp xe trong đêm khuya để về tới Thái Bình lúc còn tối. Lễ tấn phong thành công mỹ mãn. Đúng là hành xử theo cung cách Giáo hội hầm trú thuở xưa.
Được tấn phong rồi, ngài lập lại cung cách tấn phong bí mật cho cha chính Bùi Chu Đôminicô Phạm Năng Tĩnh. Nhưng lần này không phải ở Toà Giám mục hay một phòng ốc nào, mà là trên con thuyền bập bềnh trên giòng sông. Con thuyền chính là biểu hiệu của Giáo Hội trên mặt biển trần gian. Hai vị gặp nhau trên một khúc sông, trên con thuyền nan bập bềnh, lễ tấn phong cũng diễn ra bí mật, trên là bầu trời xanh, dưới là mặt nước sông đang nâng đỡ con thuyền có hai người Chúa Giêsu chọn làm hai vị “lưới người” đang chuẩn bị ra khơi để thả lưới trên mặt biển đầy khó khăn và nguy hiểm, mà kết quả sẽ chỉ được trông đợi ở sự hướng dẫn từ bên trên.
Từ đó Đức Cha Đinh Đức Trụ rút về Toà Giám mục, một ngôi nhà ba tầng với hàng mấy chục phòng. Nhưng chỉ có một mình ngài ở đó.(16)
Trường hợp Đức Giám mục Lạng Sơn còn lận đận hơn. Được Toà Thánh bổ nhiệm cùng thời điểm với các vị Giám mục Thái Bình và Bùi Chu, nhưng Đức Cha Vincent Phạm Văn Dụ đã phải chờ 19 năm sau, nhân việc di tản khỏi Lạng Sơn để tránh cuộc chiến Trung-Việt năm 1979, Đức Cha Dụ mới được Đức Cha Phạm Đình Tụng tấn phong Giám mục tại Bắc Ninh ngày 1.5.1979. Còn thày Kẻ Giảng Hoàng Trọng Quỳnh tháp tùng Đức Cha Dụ di tản về Bắc Ninh, cầm giấy giới thiệu của Đức Cha Dụ về Bùi Chu để được Đức Cha Đaminh Lê Hữu Cung phong chức linh mục, đêm 28.12.1979, lúc vị linh mục đã 75 tuổi.(17)
Riêng vị Giám mục Hà Nội, Đức Cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê, nhân phong trào sửa sai của Đảng, ngài đã cho phổ biến lá thư chung nói về lòng yêu thương. Lá thư đã ảnh hưởng không những trong địa phận Hà Nội mà toàn Giáo Hội Công Giáo miền Bắc. Nhiều nơi các linh mục đã tổ chức các buổi sám hối công khai để bà con giáo dân nói lời xin lỗi nhau, nếu đã trót “tố” nhau trong thời cải cách ruộng đất, và trả lại của cải đã cướp được từ các gia đình địa chủ. Chia ruộng cho nhà nông nghèo là điều tốt, nhưng cách làm thì vô nhân đạo. (Xin xem phần phụ lục).
Rồi lần lượt các linh mục chủ chốt quanh Đức Giám mục Hà Nội bị thanh trừng, mỗi người mỗi vẻ. Đi đầu là Cha chính Địa phận G.B. Nguyễn Văn Vinh, người đã từng cương quyết không cho Cao uỷ Đông Dương De Lattre de Tassigny được dự thánh lễ tại nhà thờ lớn Hà Nội với chiếc ghế bành chễm chệ trên gian cung thánh; người vẫn tiếp tục giữ ghế giảng viên ngoại ngữ (Latinh) tại Đại học Y Hà Nội, khiến trong một lần viếng thăm nhà trường (1956), Thủ tướng Chu Ân Lai của Trung Quốc đã phải sửng sốt khi thấy đến giờ này mà ở Hà Nội vẫn còn bóng dáng áo chùng thâm trên bục giảng đại học. Noel 1958, ngày 24.12, nhà cầm quyền Hà Nội huy động lực lượng đến tự động trang hoàng rực rỡ mặt tiền nhà thờ lớn, không phải với ý tưởng đạo hạnh mừng Chúa Giáng sinh, mà là với mục đích tuyên truyền cho người người thấy rằng Nhà Nước chăm lo cho tôn giáo. Cha chính Vinh cực lực phản đối “hảo ý” này, huy động thanh niên Công giáo gỡ bỏ cờ quạt, đèn đuốc, có chuyện giằng co giữa đôi bên, Cha chính Vinh bèn cho kéo chuông, tất cả các chuông, trong suốt buổi sáng. Một tháng sau, sáng ngày 31.1.1959, Cha chính Vinh bị kết án 18 tháng tù về tội: “Vô cớ tập họp quần chúng trái phép phá rối trị an, cố tình vu khống, xuyên tạc chế độ gây chia rẽ trong nhân dân”. Ngày 18.2.1971, Cha Vinh chết rũ tù tại trại giam Cổng Trời-Hà Giang (tức Công trường 75A Hà Nội). Đúng một năm sau, Nhà Nước mới cho biết: “Ông Vinh đã chết vào ngày 18.2.1971” với lệnh: “Các ông không được làm lễ áo đỏ hoặc áo trắng cho ông Vinh”
Cha Nguyễn Ngọc Oánh được cử đi du học Hoa Kỳ, về nước trước ngày Hiệp định Genève có hiệu lực, giữ chức thư ký Toà Giám mục thay cho Cha Phạm Hân Quynh được thuyên chuyển về Địa phận Hải Phòng (1956) theo yêu cầu của đức tân Giám Mục Hải Phòng Khuất Văn Tạo. Du học ở Mỹ, về Việt Nam đúng thời điểm Đất Nước bị chia cắt làm hai, không ở Sài Gòn mà lại về Hà Nội, vậy là có “vấn đề” đấy. Cha Oánh bị quản thúc tại Giáo xứ Truôn Thượng từ 1961 đến 1982. Cuộc sống quản thúc của ngài chồng chất khổ ải: được phép dâng lễ ở gian giữa một ngôi nhà mà gian đầu là chỗ ở của người tù không mang án, gian cuối là chỗ để kiệu và đòn đám ma, không được tiếp xúc với ai. Có ngày ngài không còn gì để ăn, tối đến cồn cào ruột gan, bèn đi ngủ để quên đói. Vào giường, vừa mở tấm chăn ra thì thấy lạo xạo … Chúa ơi! Gạo! Thế là Cha Oánh bốc một nắm, nổi lửa nấu một chén cháo, húp cho ấm bụng. Cảnh bi đát cùng đường này chỉ thỉnh thoảng mới gặp phải. Rất nhiều buổi sáng vừa thức giấc đã thấy một tô phở đặt bên cửa sổ, Cha Oánh dâng lời tạ ơn, tạ ơn Chúa và tạ ơn tình người, rồi cứ tự nhiên như … người Hà Nội, ăn xong bát đũa lại được đặt vào chỗ cũ, bát đũa sẽ biến đi lúc nào không ai hay. Có những ngày sau thánh lễ,Cha Oánh đi đóng các cửa thì thấy ở chân cột nhà một bó rau, một khúc cá hoặc một lạng thịt. Cha Nguyễn Ngọc Oánh được giải quản năm 1982, nhưng chưa thực sự được tự do, phải đợi đến năm 1985 ngài mới được tự do đi lại, nhận chức Chính xứ Giáo xứ Hà Thao và qua đời tại đây, với chức danh Đức Ông được Toà Thánh ban tặng. Người viết nhớ tới Đức Giám Mục Phát Diệm, Đức Cha Bùi Chu Tạo, những buổi tối đi lại lần chuỗi trong vườn Toà Giám mục, bỗng từ bên ngoài vườn bay vào một bọc lá chuối, mở ra thì có thể bắt gặp một nắm cơm, một chén cá hay thịt kho, một vài thẻ đường.
Cha Phạm Hân Quynh nhắc lại với người viết nhiều lần rằng giáo dân miền Bắc, trong những tháng năm gian khổ ấy, đã thương yêu đùm bọc nâng đỡ các vị chủ chăn với tất cả ân cần. Sau ngày tiếp quản thủ đô, Cha Quynh được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời vào Phủ Chủ tịch, cụ Hồ khen Cha là đã có nhiều cố gắng vận động các linh mục và giáo dân ở lại miền Bắc, không di cư vào Nam. “Ở Hà Nội, Đức Giám mục Trịnh Như Khuê dù không ngăn cản người Công giáo, vì là sự tự do của mỗi người, song ngài cấm các linh mục không được bỏ xứ mình mà đi Nam. Linh mục nào rời bỏ nhiệm sở phải có phép của ngài và ngài chỉ cho phép vì một lý do chính đáng nào đó, không thể ở lại an toàn ở miền Bắc. Ai đi mà không có phép của ngài, thì bị treo chén”.(18) Bác Hồ khóc, khóc thật sự, vì thương bà con vào trong ấy sẽ phải lao động cực khổ rồi bỏ xác ở các đồn điền cao su. Nhìn những giọt nước mắt của Bác, “cháu” Quynh “ngộ” và lễ phép thưa lại: “Cháu không dám đi ngược lại chữ ký của Bác”. Chữ ký của phái đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà ở hội nghị Genève đã xác nhận quyền tự do đi lại của người dân để tìm nơi định cư theo ý muốn.
Khi còn giữ chức thư ký của Đức Cha Trịnh Như Khuê tại Hà Nội, Cha Phạm Hân Quynh đã được tháp tùng Đức Giám mục trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trong lần gặp gỡ này, Thủ tướng ngỏ ý muốn lập một uỷ ban làm sợi dây liên lạc giữa Nhà Nước và Giáo hội. Đức Cha Khuê đề cử Cha Quynh làm đại diện phía Giáo hội, và Thủ tướng chỉ định luật sư Nguyễn Thành Vĩnh, một người Công giáo miền Nam tập kết ra Bắc, làm đại diện phía Nhà Nước. Đức Cha Khuê không đồng ý, ngài yêu cầu Thủ tướng đề cử một nhân vật không Công giáo, thuộc Trung ương Đảng. Cha Quynh đã gặp trực tiếp luật sư Nguyễn Thành Vĩnh và trình bày ý kiến của Đức Giám mục. Sau này có người đã phàn nàn về thái độ cứng rắn này của Đức Cha Khuê và cho rằng phải chi hồi đó Giáo hội chấp nhận đề nghị của Thủ tướng, ít ra là cũng đã bắt được một nhịp cầu dẫn đến cảm thông giữa hai phía. Cha Quynh bảo rằng nói như vậy là không hiểu tí gì về Cộng sản, bởi theo Cha, nếu cái uỷ ban ấy hình thành thì chỉ có thể làm tay sai cho chính quyền hoặc bị tiêu diệt.
Sau cùng thì UỶ BAN LIÊN LẠC NHỮNG NGƯỜI CÔNG GIÁO YÊU TỔ QUỐC YÊU HOÀ BÌNH (thường được gọi vắn tắt là Uỷ Ban Liên Lạc – UBLL) cũng được hình thành, đứng đầu là linh mục Vũ Xuân Kỷ, thuộc địa phận Hà Nội và bị Đức Giám mục treo chén. Cùng trong Uỷ ban này với cha Kỷ là linh mục Nguyễn Tất Tiên, cũng thuộc địa phận Hà Nội và cũng bị Đức Cha Khuê treo chén như cha Kỷ, và các linh mục miền Nam tập kết ra Bắc: Hồ Thành Biên và Võ Thành Trinh. Uỷ ban Liên lạc đặt trụ sở tại nhà các cha Đa minh (Lyon) ở đường Hùng Vương. Trong thực tế Uỷ ban này chỉ hoạt động (hạn chế) trong hai địa phận Hà Nội và Hải Phòng, có nơi bị giáo dân tẩy chay công khai. Cha Võ Thành Trinh từ miền Nam ra, trấn nhậm giáo xứ Hòn Gai, ngoài tầm kiểm soát của Giám mục, hành lễ vẫn có giáo dân tham dự vì kẹt hiếm hoi linh mục (Đức Cha Giuse Trương Cao Đại di cư vào Nam, kéo theo gần hết linh mục đoàn của địa phận Hải Phòng, chỉ còn lại 8 cha khi Đức Cha Phêrô Khuất Văn Tạo về nhận địa phận). Thế nhưng khi cần tổ chức thánh lễ hôn phối, các đôi tân hôn vẫn không quản ngại đường xá xa xôi, đem nhau về Hải Phòng xin lễ cho chắc ăn. Để cha quốc doanh dâng lễ e không thành. Tháng 3 năm 1958, phái đoàn UBLL tỉnh Nam Định gồm các linh mục Nguyễn Thế Vịnh và Nguyễn Tất Tiên về làm việc với Giáo xứ Kẻ Chanh (Địa phận Hà Nội), với mục đích tuyên truyền chính sách tôn giáo của Nhà Nước. Phái đoàn được đãi đằng cơm rượu tại nhà cụ trùm theo lời đề nghị của UBLL Xã, nhưng khi phái đoàn đề nghị được dâng lễ tại nhà thờ, Cha chính xứ Tôma Nguyễn Khắc Ứng từ chối, cho khoá cửa nhà thờ.
Việc ra đời của UBLL cũng đã làm phát sinh ra được một điệu đàn, thật bất ngờ và ngang cung, giữa hàng Giám mục miền Bắc lúc bấy giờ (1955). Đó là lá thư “chào mừng” của Đức Giám mục Bắc Ninh Đominicô Hoàng Văn Đoàn. Chỉ là “chào mừng” thôi nhưng lá thư cũng đã làm nóng mắt Đức Khâm sứ Dooley và bộ tham mưu đầu não của địa phận Hà Nội. Nhân việc Đức Cha Đoàn đi thăm một số giáo xứ năm 1954, khi về tới ngã ba Đình Trám, ngài bị dân quân địa phương bắt giữ và đánh gãy chân vì bị tình nghi là người Pháp. Đức Cha có một ngoại hình rất … tây: cao, to, bộ râu quai nón rậm rạp.(19)
Ngài được đưa về băng bó chữa trị tại Ngọc Lâm, cách nơi bị nạn khoảng 6 cây số. Kể ra thì vết thương cũng không quá trầm trọng, phương pháp băng bó gân cốt với các loại thuốc cổ truyền của dân gian ta cũng thừa sức chữa chạy. Đức Cha Hoàng Văn Đoàn vẫn giữ lập trường như vị Giám mục địa phận láng giềng gần gũi Hà Nội, là không di cư vào Nam. Tuy nhiên tiếng đàn ngang cung của ngài đã dẫn đến việc Đức Khâm sứ yêu cầu ngài qua Hồng Kông chữa trị. Quần chúng vốn thông minh và bén nhạy đã nắm bắt ngay được vấn đề, với câu ca dao truyền miệng:
“Hoàng Văn Đoàn đi Hồng Kông
Chân chữa không khỏi còn mong gì về”
Đức Cha Đoàn sau khi chữa lành vết thương đã trở lại Việt Nam, nhưng không phải về miền Bắc mà là về miền Nam. Ngài được Toà Thánh chỉ định làm Giám mục địa phận Quy Nhơn, cho đến ngày ngài qua đời 20.5.1974. Trước ngày Đức Cha đi Hồng Kông, ngài đã thức trắng đêm với Cha Phạm Hân Quynh, trao đổi nhiều chuyện, cách riêng về vấn đề UBLL, ngài vẫn quả quyết là ngài không ủng hộ, ngài chỉ ngỏ ý chào mừng mà thôi. Lập trường này đã được Cha Quynh giải bày trong một lá thư gửi khắp nơi, in 20.000 bản và cho thanh niên đạp xe đem đến từng giáo phận, giáo xứ khắp miền Bắc. Công an mời Cha Quynh và Cha Trịnh Văn Căn khi đó là chính xứ nhà thờ lớn đến trụ sở CA “làm việc”. Cha Quynh xác nhận là người thực hiện lá thư và viết theo ý của Đức Cha Đoàn. Địa phận Bắc Ninh được đặt dưới quyền giám quản của Đức Giám mục Hải Phòng Phêrô Khuất Văn Tạo, cho đến năm 1963, năm nhận giáo phận của Đức tân Giám mục Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng.
Một tuần lễ trước ngày ra mắt UBLL tại Nhà hát lớn Hà Nội, luật sư Điện còn mời các linh mục Phạm Hân Quynh, Đỗ Tông và Phạm Đình Tụng tới tư gia thảo luận và tha thiết mời Cha Quynh giữ chức chủ tịch UBLL thay cha Vũ Xuân Kỷ. Cha Quynh vẫn cương quyết chối từ lời mời này, bởi lẽ ngài không muốn làm tay sai hoặc bị huỷ diệt. Tuy vậy ngài vẫn khuyên UBLL trước lúc ra mắt, nên vào chào Đức Giám mục như một cử chỉ xã giao thiện ý. UBLL đã không làm theo lời gợi ý này. Từ ấy Uỷ Ban Liên Lạc đã như một vật dị ứng đước cấy vào cơ thể Giáo hội miền Bắc, lạc lõng với sinh hoạt của Hội Thánh và chịu sự lạnh nhạt của cộng đoàn dân Chúa. UBLL chỉ còn một việc là làm theo mệnh lệnh của Đảng Cộng sản đang lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện toàn miền Bắc Việt Nam.
Tự coi như một thành phần của dân tộc, ngay từ những ngày đầu kháng chiến, Giáo Hội Công Giáo đã nhập cuộc với toàn dân. Chưa bao giờ Giáo Hội coi mình là nhóm người khác để phải xin “đồng hành” với Dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam đã coi Giáo Hội Công Giáo Việt Nam như một loại học sinh cá biệt trong một lớp học, áp dụng mọi biện pháp chuyên chính và nghiệt ngã đối với người Công giáo, đến lúc thành lập nhịp cầu Uỷ Ban Liên Lạc thì lại là nhịp cầu khập khiễng, “gập ghềnh khó đi” đối với người Công Giáo.
Bản thân Cha Phạm Hân Quynh, người được cụ Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại Tướng Võ Nguyên Giáp trọng nể, vậy mà cũng bị quản thúc tại một giáo xứ nhà quê suốt 28 năm (1960-1988), tuy không bị đối xử nặng tay như với một số vị linh mục khác trong thời gian quản thúc, nhưng vẫn là tù, chịu sự kiểm soát của các cán bộ địa phương thiếu hiểu biết.
1975
Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai kết thúc, với việc Đảng Cộng sản Việt Nam thu trọn quyền hành trên cả nước từ tay chính quyền Việt Nam Cộng Hoà ở miền Nam được sự yểm trợ của chính phủ Hoa Kỳ. Những lời tuyên bố của các yếu nhân Hà Nội vào những ngày đầu thống nhất Đất Nước: rằng chỉ có đế quốc Mỹ là kẻ chiến bại, còn toàn dân ta là người chiến thắng; rằng từ nay chúng ta không còn làm tính trừ nữa, chỉ làm phép tính cộng thôi. Chao ôi! chỉ là hoa mỹ. Phép tính trừ đã được áp dụng trong mọi lãnh vực của xã hội miền Nam, đặc biệt là đối với Giáo Hội Công Giáo.
“Cứ cho là chính sách của Đảng và Nhà Nước là đúng đắn, cho dù ngay cả cái nghị quyết 297/CP của Hội Đồng Chính Phủ ngày 11.11.1977 về một số chính sách đối với tôn giáo vẫn chưa rõ nét và do đó còn nhiều áp dụng tuỳ tiện, tuỳ địa phương, tuỳ quan niệm và tâm tính của cán bộ. Chúng tôi nói “cứ cho là” có nghĩa rằng tạm chấp nhận như vậy, chứ thật ra việc cấm các học sinh Công giáo thi vào trường này trường nọ thì chắc chắn không phải là sáng kiến của một ông hiệu trưởng. Và rồi than thở đó đây rằng người Công giáo là công dân hạng hai. Ngay cả trên báo chí của Đảng, những người biên tập, khi phổ biến những chính sách của Nhà Nước, vẫn vô tình thòng thêm một câu quen miệng: “… kể cả đồng bào theo đạo và người gốc Hoa”. Tại sao chúng ta lại không có một loại công dân thôi?” (20)
Cũng như thái độ cởi mở của Đức Giám mục Trịnh Như Khuê trong những ngày đầu giải phóng thủ đô Hà Nội, các Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền ở Huế và Phaolô Nguyễn Văn Bình ở Sài Gòn đều tỏ ra sẵn sàng chung vai với chế độ mới (Xin xem phần phụ lục).
Trở lại với Giáo hội Công giáo miền Bắc, kể cả khi Đảng Cộng sản đã nắm quyền kiểm soát toàn Đất Nước, người Công giáo vẫn chưa hưởng bầu khí tự do hơn. Các linh mục bị quản thúc, các giáo dân bị đi tù từ đầu thập niên 60 mà không có án, phải đợi đến giữa thập niên 80 của thế kỷ trước mới được hưởng tự do. Trước đó, nguyên cớ để bị đi tù thường rất buồn cười: cứ tiếp tục ngoan cố đi … tu chui mà không chịu về nhà lập gia đình như bao chàng trai khác (21) cứ gan lì lập các nhóm cầu nguyện, hoặc đơn giản vâng lời cha xứ, nhân lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, kẻ một biểu ngữ với hàng chữ “Ngài đến đổi mới mặt địa cầu”. Cái từ “đổi mới địa cầu” này nghe có vẻ nổi loạn quá, thế là thay vì bắt cha chính xứ Phạm Hân Quynh, nhà cầm quyền đã bắt ông Sao, người thực hiện biểu ngữ, và ông Tạc, ca trưởng của giáo xứ Đông Xuyên. Hai ông đã ngồi tù 3 năm. Ấy là vào năm 1986.
Giáo xứ Đông Xuyên thuộc địa phận Hải Phòng. Cũng tại vùng này, sau năm 1975, say men chiến thắng, chính quyền địa phương phát động phong trào phá huỷ các nhà thờ không có linh mục cai quản. Một nhà thờ họ của Giáo xứ Đông Xuyên đã bị phá huỷ. Bỗng nổ ra chiến tranh biên giới phía Bắc với Trung Quốc và biên giới Tây Nam với Kampuchea, năm 1979, phong trào phá huỷ nhà thờ này được ngưng lại, dành mọi nỗ lực cho việc chống ngoại xâm.
Không thể kể hết ở đây những cách đối xử phân biệt mà Đảng Cộng sản đã dành cho Giáo hội Công giáo Việt Nam, cách riêng Giáo hội miền Bắc mà phạm vi bài viết này đòi hỏi, kể cả khi Đất Nước đã được thống nhất. Có những chị nữ tu thuộc một dòng tu bị giải tán, các chị vẫn quy tụ chung sống với nhau để tiếp tục đời tu trì. Rồi một hôm có một số tù nhân cải tạo từ miền Nam ra lao động gần chỗ các chị ở, ngồi trong nhà, các chị hát vọng ra những bài thánh ca quen thuộc, các tù nhân Công giáo cảm thấy ấm áp cõi lòng, ngỡ ngàng và hiệp thông, ngày ra trại họ kể cho chúng tôi nghe sự việc hy hữu này. Có những cụ Trùm Họ hàng tuần đạp xe hàng chục cây số, rước Mình Thánh Chúa về cho giáo hữu trong Họ dự tiệc thánh sau buổi sinh hoạt phụng vụ Lời Chúa sáng Chúa nhật vì không có linh mục dâng lễ. Sau đó thì ngọn đèn chầu cháy sáng suốt tuần lễ, ấm áp quy tụ cộng đoàn kinh hạt sớm chiều.
Vài nét phác thảo “hạ tầng cơ sở” của Giáo hội miền Bắc, ở những nơi hẻo lánh xa xôi. Một điều may mắn cho Giáo hội, kể từ khi dựng lều trên Quê hương Đại Việt, cứ sau những năm tháng chia cắt vì thời cuộc, Trịnh – Nguyễn rồi Bắc – Nam, cứ sau những đắng cay phân sáp tan tác, thì Giáo hội lại quy tụ dưới sự dẫn dắt của các vị chủ chăn, của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, khôn ngoan và đạo đức. Các Đức Giám mục đã về họp Đại Hội Toàn Quốc tại thủ đô Hà Nội từ ngày 24 tháng 4 đến ngày 1 tháng 5 năm 1980. Dịp này các ngài đã nhận ra rằng “mặc dầu sống xa nhau, tâm hồn chúng tôi vẫn là một, và cùng chia sẻ những nỗi âu lo, niềm phấn khởi và nguyện vọng của toàn thể Dân Chúa trên Đất Nước thân yêu này”.(22)
Đại hội này của các Giám mục Việt Nam được coi như là cuộc gặp gỡ lịch sử, bởi vì “kể từ lúc thành lập hàng Giáo phẩm Việt Nam vào năm 1960, và nhất là từ ngày Nước nhà được thống nhất, chúng ta đều ước mong có cuộc họp này”. Kế đó, các Giám mục “thành thật biết ơn chính phủ đã giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho Đại hội này”, để đến “Trước khi bế mạc Đại hội, chúng tôi đã vào lăng kính viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, và đã đến yết kiến Thủ tướng Chính phủ”.
Thư Chung của các Giám mục Việt Nam 1980 khuyên bảo Dân Chúa phải đồng hành với Dân Tộc, mà cụ thể là “Tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng Tổ quốc”. Cũng như Thư Chung 1951 các Giám mục đã đặt lòng yêu nước lên hàng nhân đức, trong Thư Chung 1980, các Giám mục đã khẳng định: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào đối với người Công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có, mà còn là một đòi hỏi của Phúc Âm”. Rồi các Giám mục kêu gọi Dân Chúa đừng nhìn quá khứ với mặc cảm, mạnh dạn nhìn vào hiện tại và tin tưởng ở tương lai. Cũng như Thư Chung 1951, các Giám mục hồi đó đã không đủ cái dũng để phê phán thực dân Pháp, thì trong Thư Chung 1980, các Giám mục Việt Nam cũng làm ngơ trước một thực tại đang gây nhiều bất công chia rẽ do Đảng Cộng sản thực hiện: chính sách học tập cải tạo và đánh tư sản, gần gũi các Giám mục hơn cả là các linh mục, chủng sinh miền Bắc còn đang ngồi tù hoặc bị quản thúc từ những năm 60 mà không có án lịnh, tại miền Nam, hàng trăm linh mục tuyên uý đi tù, chỉ vì đã vâng lời các Giám mục làm tuyên uý trong quân lực Việt Nam Cộng Hoà, và chỉ một năm trước đó (1979) là vụ chiếm đoạt 5 nhà dòng ở Thủ Đức với những lý do không thuyết phục. Chúng tôi nhớ tới lá Thư Chung 1956 đầy dũng cảm của Đức Cha Trịnh Như Khuê đề cao lòng yêu thương khi mà ngoài xã hội, hận thù và máu lửa đang ngùn ngụt trong khắp hang cùng ngõ hẻm.
Nhìn vào tương lai, các Giám mục của Thư Chung 1980 cũng không “ngôn sứ” được điều gì để hướng dẫn đoàn chiên: nền kinh tế bảo thủ bao cấp đang đưa Đất nước đến bờ vực thẳm, những chèn ép tôn giáo sẽ dẫn Dân Chúa đến nhiều đắng cay như vụ phong thánh (1988), những quyết đoán độc Đảng đã dẫn đến xã hội băng hoại như hôm nay: một chính sách giáo dục lạc hậu làm hư hỏng nhiều thế hệ, một xã hội thống trị bởi tham nhũng và cường bạo … Tất cả đã không được Thư Chung 1980 của các Giám mục Việt Nam đả động tới.
Nói cho cùng thì chỉ vì sự đe doạ ngự trị bàng bạc khắp nơi, các Giám mục cũng không thoát khỏi sợ hãi. Lúc sinh thời, Giáo sư Nguyễn Ngọc Lan thường kể cho chúng tôi nghe câu chuyện khi ông tham dự Hội Nghị Liên Tịch Thống Nhất Mặt Trận. Ngoài Bắc có Mặt Trận Tổ Quốc, trong Nam có Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, khi quyết định thống nhất hai Mặt trận, lại dùng tên Mặt Trận Tổ Quốc. Giáo sư Lan bèn xin có ý kiến, rằng nên có một tên mới (chẳng hạn Mặt Trận Việt Nam) để cho có vẻ thống nhất mà không nặng vẻ “thôn tính”. Bỗng từ hàng ghế các yếu nhân trên cùng, một gương mặt quyền uy lúc bấy giờ quay xuống “chiếu tướng” giáo sư Lan. Vị giáo sư nhiệt tình từng là cựu linh mục cấp tiến, từng vào bưng giữa thời chống Mỹ cứu Nước, bèn “tịt ngòi”. Và tịt ngòi, từ ấy!
Trước thái độ thân thiện của Thư Chung 1980, Đảng Cộng sản lại một lần nữa đưa ra một giải pháp thiếu thuyết phục: thành lập UỶ BAN ĐOÀN KẾT CÔNG GIÁO YÊU NƯỚC (gọi tắt là Uỷ Ban Đoàn Kết – UBĐK), thay thế Uỷ Ban Liên Lạc. Một Đại hội của giới Công giáo được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 7 đến 10 tháng 11 năm 1983 để thành lập UBĐK, với vị Chủ tịch là linh mục Nguyễn Thế Vịnh. Linh mục Phạm Hân Quynh, từ nơi bị quản thúc là giáo xứ Đông Xuyên, đã gữi thư cho Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình và đề nghị ba điểm liên quan đến việc hình thành UBĐK:
1/ Buộc những linh mục nào tham gia vào UBĐK phải được phép của Giám mục giáo phận.
2/ Uỷ Ban Trung Ương phải được sự chấp thuận của Hội Đồng Giám Mục.
3/ Các vị Giám mục được quyền sửa sai những hành động sai trái của UBĐK.
Cả ba ý kiến trên đây đều đã không được áp dụng, đơn giản là vì UBĐK là thành viên của Mặt trận Tổ Quốc, MTTQ chịu sự lãnh đạo của Đảng. Không thuộc Giáo Hội, nhưng vẫn dựa hơi Đảng để “hù doạ” Giáo Hội. Phần Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình, một con dân Nam Bộ hiền hoà dễ tính: “Chúng tôi dựa vào UBĐKCGYN để giải quyết một số vấn đề. Chẳng hạn, nếu tôi muốn triệu tập tín hữu mà xin phép Nhà Nước, Nhà Nước sẽ không cho. Nhưng nếu tôi nhân danh UBĐKCGYN để triệu tập tín hữu thì Nhà Nước sẽ cho phép dễ dàng”.(23)
Thế là không có chuyện khó dễ như đối với UBLL, hơn thế nữa, còn điều động khối Công giáo. “Tôi (Lm Vương Đình Bích) đã thành khẩn nói với hai anh Từ (Lm Phan Khắc Từ) và Cần (Lm Trương Bá Cần) là vấn đề thật của tổ chức chúng ta, không phải là nhóm nghiên cứu, mà là nhóm bốn anh em chúng tôi, Minh Cần Từ Bích, đã được lãnh đạo gầy dựng và giao cho nhiệm vụ điều động phong trào Công giáo yêu nước tại Thành Phố này” (Trích trong bản tường trình gửi lãnh đạo Thành Phố).
Trong một lần về thăm Quê nhà sau năm 1975, ông Nguyễn Mạnh Hà đã phải thốt lên: “Đảng có cái đầu, Giáo hội Công giáo cũng có cái đầu, tại sao hai cái đầu lại không nói chuyện thẳng với nhau mà lại cứ phải nói qua cái đầu gối”.
Nghĩ cho cùng, kể từ khi các Đức Giám mục mở các cuộc hội nghị thường niên và sau đó ban hành các Thư Chung gửi cộng đoàn Dân Chúa, chỉ có lá thư do Đức Cha Chủ tịch Phêrô Nguyễn Văn Nhơn ký ngày 25.9.2008, sau Hội nghị thường niên lần 2 năm 2008 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhóm họp tại Toà Giám Mục Xuân Lộc là chững chạc đường hoàng. Lá thư gửi Uỷ Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội để trả lời văn thư số 1437/UBND-NC ngày 23.9.2008 của ông Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội, đồng thời kèm theo một bản “Quan điểm của HĐGMVN về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay”. Các Đức Giám mục đã trao đổi thẳng với nhà cầm quyền mà không cần nhờ vả các “đầu gối”, đã mạnh dạn nói lên những quan điểm không làm hài lòng nhà cầm quyền về một số vấn đề trong xã hội (Xin xem phần phụ lục).
* * *
Còn nhiều điều muốn nói, còn nhiều chuyện cần được sự chỉ giáo của các bậc trưởng thượng và các thân hữu ngoài Bắc, còn những giáo phận mà sự hiểu biết của người viết về thời điểm này còn quá sơ sài. Khi đặt dấu chấm hết cho bài viết này, người viết chỉ coi đây là một bản sơ thảo cho một nghiên cứu đòi hỏi nhiều chi tiết đầy đủ hơn nữa.
Rất mong nhận được sự chỉ giáo của bạn đọc, nhất là bạn đọc ngoài Bắc, để khoảng trống này của lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam được lấp đầy đặn. Tôn trọng sự thật, không ngại nói lên sự thật trọn vẹn, người viết cũng luôn tâm niệm rằng “Các dân tộc qua đi, các ngai vàng sụp đổ, Nhà Thờ vẫn đứng vững”. (Napoléon I).
Tp. HCM, Xuân Kỷ Sửu 2009.
(1) Đoàn Độc Thư và Xuân Huy: “Giám mục Lê Hữu Từ và Phát Diệm, 1945-1954, Sài gòn, trang 37.
(2) Bernard Fall, “Le Viet Minh”, Armand Colin, 1960, trang 165.
(3) Hồi đó báo Nhân Dân ra hai ngày 1 số.
(4) Vũ Sinh Hiên: “100 năm Giáo Phận Phát Diệm”, Tp. HCM, 2001, trang 32-33. Theo lời kể của ông Nguyễn Đức Hiệp, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Kháng chiến Kim Sơn, Kỷ yếu Phát Diệm 1891 – 1991, trang 207.
(5) Đoàn Độc Thư và Xuân Huy, Sđd, trang 94.
(6) Đoàn Độc Thư và Vũ Huy Bá, sđd, trang 166
(7) Trần Thị Liên: “De Lattre au Vietnam, 1951 L’année de la Croisade”, Luận văn Cao Học Chính Trị, Paris, 1987 – 1988, trang 143.
(8) Đức Cha Phạm Ngọc Chi được tấn phong làm Giám mục Bùi Chu ngày 4.8.1950. Ngài nguyên là Giám đốc Đại Chủng viện Thượng Kiệm của Địa phận Phát Diệm.
(9) Trần Thị Liên: sđd, trang 145.
(10) Trần Thị Liên: sđd, trang 146.
(11) Xin xem: Vũ Sinh Hiên: “Nhật ký của Cụ Sáu Việt Minh” Sàigòn, 2007.
(12) Đức Cha Phaolô Lê Đắc Trọng: “Những câu chuyện về một thời”, tập 2, trang 186, Hà Nội 2007.
(13) Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên: “Lược sử Địa phận Hà Nội 1626 – 1954”, Sàigòn 1994, trang 583.
(14) Giáo sư Nguyễn Ngọc Lan lúc sinh thời đã gọi Toà Giám mục là “Trại giam mới”.
(15) Người viết đã được hân hạnh diện kiến “chủ xe”, một thầy Kẻ Giảng.
(16) Đức Cha Lê Đắc Trọng, Sđd, trang 190.
(17) Vũ Sinh Hiên: “Quê hương và Hội Thánh từ những chuyến đi” 1999, trang 33.
(18) Đức Cha Phaolô Lê Đắc Trọng, Sđd, trang 183.
(19) Giáo dân Bắc Ninh vẫn còn lưu truyền câu ca dao nói về Đức Cha Đoàn:
“Có râu thì bảo là Âu
Không râu thì bảo là Tàu, khổ chưa!”
(20) Vũ Sinh Hiên: “Giáo Hội Công Giáo tại Tp HCM”. Tài liệu viết theo yêu cầu của Ban Khoa Học Xã Hội Thành Uỷ, 1990, đăng lại trên tập san TIN NHÀ, số mùa xuân 1994, Paris, trang 21.
(21) Các Chủng viện “chui” ở miền Bắc là Chủng viện Gioan (Hà Nội), Chủng viện Maria (Bắc Ninh), Chủng viện Mẫu Tâm (Bùi Chu).
(22) Trích Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ngày 1.5.1980. Xin xem phần phụ lục.
(23) Đức Cha Nguyễn Văn Bình trả lời phỏng vấn của báo Il Regno Attualita ngày 15.4.1990.
Tác giả: Vũ Sinh Hiên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét