LTCGVN (03.07.2012)
Xã luận bán
nguyệt san Tự do Ngôn luận số 150 (01-07-2012)
Mấy chục năm trời nay, đảng Cộng sản
luôn mồm khẳng định Việt Nam đang “đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân
đã chọn, tức con đường xã hội chủ nghĩa”. Như trong
bài phát biểu tại Cuba ngày 09-04-2012, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thản
nhiên lên lớp cho 2 anh em nhà Castro rằng: “Ngay khi mới ra đời và
trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng CSVN luôn luôn khẳng định: chủ
nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của ĐCS và nhân dân VN; đi lên chủ nghĩa xã
hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng VN”. Tiếp đó, tại
lễ kỷ niệm 122 năm sinh nhật Hồ Chí Minh (19-5-2012),
Phó Bí thư Thường trực thành Hồ là Nguyễn Văn Đua đã đắc chí phát biểu: “Đi theo con đường đúng đắn mà Đảng ta, Bác
Hồ kính yêu và nhân dân ta đã lựa chọn, cách mạng nước ta tiếp tục phát triển,
giành thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ
nghĩa; sự nghiệp đổi mới đạt thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, tiến hành công
nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đưa đất nước ta từng bước quá độ
lên chủ nghĩa xã hội, với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp thực tiễn
Việt Nam”. Nhưng thực tiễn có minh chứng xác nhận những lời lẽ hùng hồn của
Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Văn Đua hay không thì ngoại trừ các kẻ bị tâm thần,
mọi người đều quá thấy rõ.
Trước đó, nhìn lại lịch sử Việt Nam
từ khi có đảng Cộng sản, rất nhiều người đã ngao ngán gọi “con đường Bác đi” là
“con đường bi đát”. Nhà văn hồi chánh Xuân Vũ thì dùng một hình ảnh cụ thể hơn:
“Đường đi không đến” (cũng là nhan đề một tác phẩm nổi tiếng của ông). Có người
sẽ bảo: Đã đến vào ngày 30-04-1975 đấy chứ, khi chế độ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ
và cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc lập Sài Gòn như dấu chỉ thắng trận!
Nhưng thắng trận mà “xương trắng Trường Sơn”, mà “mạng
người lá rụng” (tên 2 tác phẩm khác cũng của Xuân Vũ), mà phải đem 5 mạng binh
sĩ mình đổi lấy 1 mạng binh sĩ địch thì thắng trận đó có còn ý nghĩa gì không?
(Thời chiến tranh Đông Dương là ba đổi một). Rồi “thắng lợi trong công
cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” hiện giờ ra sao? Chỉ
cần nhìn vào lãnh vực nghiên cứu khoa học của nước nhà, nguyên nhân lẫn thành
quả của việc xây dựng Tổ quốc, và so sánh nó với Thái Lan, lân bang sàng sàng
với VNCH trước 1975, thì thấy rõ: “Mười
năm trước (2002), số ấn phẩm khoa học của Việt Nam trên các tập san quốc tế
(trong hệ thống ISI) là 362 bài. Trong cùng thời gian, Thái Lan công bố được
1705 bài, cao hơn ta gấp 4.7 lần. Mười năm sau (2011), Việt Nam công bố được
1389 bài, tăng gấp 3.8 lần so với năm 2002. Nhưng Thái Lan lại công bố được 5721
bài, hơn Việt Nam 4.1 lần” (Gs Nguyễn Văn Tuấn, So sánh ấn phẩm khoa học
Việt Nam và Thái Lan 2002-2020). Con đường đi vào nền khoa học của thế giới chắc
sẽ còn bế tắc và trì trệ dài dài cho Việt Nam sau công bố đầy đắc ý nhưng cũng
đầy gian trá hôm thứ ba 19-6-2012 của Bộ Giáo dục–Đào tạo: tỷ lệ tốt
nghiệp Trung học Phổ thông của cả nước là 98,97%, dẫu trước đó mọi người đã thấy
nhiều video clip giám thị ném phao thi và thí sinh mở tài
liệu.
Rồi nhìn vào lãnh vực quốc phòng,
hiện tình lãnh thổ, dấu chỉ của con đường bảo vệ Tổ quốc, thì Nguyễn Văn Đua (và
trên đó là Bộ Chính trị) trả lời ra sao về các vùng đất biên giới phía Bắc sau
cuộc chiến Trung-Việt 1979 rồi 1984, về các vùng biển đảo phía Đông sau cuộc hải
chiến Trường Sa năm 1988, về các vùng yếu huyệt ở Tây Nguyên sau quyết định số
167 do thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 01-11-2007 cho phép các nhà thầu TQ
thực hiện dự án khai thác bauxite từ 2007 đến 2015 (có tính đến 2025), về các
thôn làng phố thị bất khả xâm nhập do người TQ xây dựng khắp cả Việt Nam từ Móng
Cái đến tận mũi Cà Mâu? Con đường thông thương biên giới phía Bắc phải chăng đã
được mở ra chủ yếu cho hàng hóa giả dổm độc hại cùng thương nhân lừa đảo và quân
nhân trá hình của đất Tàu tha hồ tràn xuống đất Việt? Con đường thông thương ra
biển phải chăng đã được mở ra cho ngư dân Việt ung dung đánh cá trên vùng biển
Hoàng Sa (“mà người anh em Trung Quốc đang giữ giùm”, như tuyên bố của một cán
bộ CS gộc sau biến cố năm 1974), hay ngược lại đang bị chặn bít bởi những đoàn
ngư chính, hải giám Tàu cộng với những màn cướp bóc, tông phá, xua đuổi, giam
tù, đòi tiền chuộc; bởi những tuyên bố trắng trợn về đường lưỡi bò của Bắc Kinh
mà Hà Nội chỉ biết phát đi phát lại cái băng phản đối cũ mèm, thay vì đem hải
lực quân đội để đương đầu hay nại uy lực công pháp quốc tế để kháng cự như nước
láng giềng Philippin? Con đường này phải chăng vừa được mở ra bởi Luật biển do
Quốc hội (lập pháp) thông qua hôm 21-06? Nếu thế thì tại sao lại đàn áp khốc
liệt người dân biểu tình ủng hộ luật này hôm 01-07 tại Sài Gòn, Huế và Hà Nội?
Nếu thế thì tại sao Chính phủ (hành pháp) không mau mắn quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều khoản
được ghi trong Luật giữa lúc tình hình Biển Đông đang dầu sôi lửa bỏng, mà phải
đợi thêm 6 tháng nữa (01-01-2013) Luật mới hiệu lực? Phải chăng để còn có thể
sửa đổi theo đòi hỏi của đàn anh phương Bắc vốn ngày càng tỏ ra hung hãn với
những màn đe dọa Việt Nam về kinh tế, quân sự lẫn chính trị ? Rồi con đường vay
mượn tài chánh quốc tế phải chăng tiếp tục được mở rộng hay ngày càng bị chặn
bít sau sự sụp đổ, bay vốn và xù nợ do biển thủ của các đại tập đoàn, tổng công
ty quốc doanh, hay sau những trò tham nhũng trắng trợn của VN về các khoản viện
trợ của Nhật Bản, Đan Mạch ?…
Con đường mà Cộng sản mở ra và buộc
đất nước đi vào từ năm 1954 cho đến nay quả là con đường bế tắc, bi đát, chỉ đẩy
đất nước thêm thêm nô dịch thay vì tự do, thêm khốn khổ thay vì hạnh phúc, lệ
thuộc thay vì độc lập, nên đã khiến cho hàng triệu người liều mạng bỏ nước ra đi
cho mãi đến lúc này. Do đó, khi bước sang thế kỷ 21, nhiều đề xuất về một con
đường khác cho tương lai đất nước đã được đưa ra, do người Việt trong lẫn ngoài
nước, cá nhân có, tập thể có, khối nhóm có, chính đảng có. Nhưng dù thế nào, con
đường đó chắc chắn phải hội tụ những điểm như sau:
Trước hết, đó phải là con đường dân
chủ đa đảng chứ không thể là độc đảng độc tài. Đây là kinh nghiệm đồng thời là
thành tựu của thế giới. Bởi lẽ ai cũng thấy từ thực tiễn Việt Nam: nguyên nhân
cơ bản gây ra mọi nỗi quốc nhục và quốc nạn của dân tộc hôm nay chính là chế độ
chính trị cộng đảng toàn trị, không hề chấp nhận bị cạnh tranh và bị thay thế
trên chính trường. Cuộc đấu tranh xây dựng con đường dân chủ đó phải nhắm mục
tiêu triệt để thay thế nền chính trị độc đảng bằng nền chính trị đa đảng, chứ
không phải là “đổi mới” từng phần hay “điều chỉnh” vặt vãnh đảng cộng sản hiện
cầm quyền như Ba Đình đang “diễn trò” (qua đường lối “mở rộng dân chủ tập
trung”, chương trình sửa đổi Hiến pháp đo đảng hướng dẫn, kế hoạch bài trừ tham
nhũng do Bộ Chính trị chỉ đạo…) hòng đánh lừa dân tộc và thế giới tiến bộ.
Tiếp đến, đó phải là con đường tự do
cho mỗi một con người. Cái tự do đã được Tạo Hóa phú ban và được nhân loại văn
minh xác định qua hai Công ước về nhân quyền trong năm lãnh vực chủ yếu: chính
trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội (Việt Nam ký tham gia năm 1982) và dưới
hình thức 26 nhân quyền cơ bản đã được Công pháp quốc tế và Liên Hiệp Quốc thừa
nhận: 8 nhân quyền về thân thể, 6 nhân quyền về an cư, 8 nhân quyền về lạc
nghiệp, 4 nhân quyền về tự do dân chủ: (a) tự do tín ngưỡng - tôn giáo; (b) tự
do tư tưởng, phát biểu, quan điểm, tự do thông tin ngôn luận, tự do báo chí; (c)
tự do hội họp, lập hội, lập đảng, biểu tình; toàn dân được trưng cầu ý kiến về
quốc sự; (d) tự do ứng cử - bầu cử, tự do tham gia công quyền, quyền tham gia
xây dựng, bảo vệ và quản lý Tổ quốc, tức là quyền Dân tộc Tự quyết. Trong Hiến
pháp Việt Nam (điều 50) cũng ghi “các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn
hoá và xã hội được tôn trọng”, nhưng thực tế là từ bao năm nay, các quyền dân sự
bị chà đạp, các quyền chính trị bị tước bỏ, các quyền kinh tế bị thao túng, các
quyền xã hội bị khinh khi và các quyền văn hóa bị xem nhẹ.
Thứ ba, đó phải là con đường hòa
giải hòa hợp. Hận thù chia rẽ đã xâu xé dân tộc quá lâu. Hận thù chia rẽ này
trước hết đã được tạo ra bởi chính học thuyết Cộng sản, vốn chủ trương phân chia
nhân loại thành hai khối: tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa rồi tuyên bố cuộc
chiến một mất một còn giữa hai khối này. Sau khi biến học thuyết thành chế độ,
các đảng Cộng sản đã tiến hành một cuộc xâm lăng toàn cầu mà họ gọi là “giải
phóng”: Liên Xô “giải phóng” Đông Âu rồi Afganistan, Cuba “giải phóng” Angola,
Trung Cộng “giải phóng” Mãn Châu, Tây Tạng, Nội Mông, Hồi Hồi, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa “giải
phóng” Việt Nam Cộng hòa... Và sau khi thắng trận, người Cộng sản đã trả thù
người Quốc gia cách tàn bạo (không như Bắc quân đối với Nam quân sau cuộc nội
chiến tại Hoa Kỳ, không như Đồng Minh đối với phe Trục sau Đệ nhị Thế chiến…).
Thành ra để thực hiện hòa giải hòa hợp, Cộng sản -vốn là thủ phạm- phải đi bước
đầu bằng sự sám hối những sai lầm và tội ác đã gây ra không những cho dân miền
Nam mà cả dân tộc (qua những cuộc cải cách, cải tạo xã hội đầy máu và nước mắt
cũng như qua những cuộc chiến tranh xâm lấn đầy đau thương và đổ vỡ). Dĩ nhiên
sám hối không phải chỉ bằng vài lời nói, vài giọt nước mắt, vài hứa hẹn bâng
quơ, mà bằng những hành động cụ thể, đường lối thiết thực. Đó là trả lại mọi tài
sản vật chất và tinh thần mà đảng đã tước đoạt của nhân dân. Đất đai tài sản cho
cá nhân, tập thể, dòng họ; cơ sở cho các giáo hội và các tổ chức phi cộng sản;
lương tiền xứng hợp cho các công nhân, viên chức; tự do cho các tù nhân lương
tâm; danh dự cho những cá nhân và tập thể (còn sống hay qua đời) đã bị đảng xúc
phạm… Ngược lại, trong chế độ mới, sẽ không có sự trả thù hàng loạt những người
thuộc chế độ cũ (như đảng CS đã làm với quân cán chính VNCH) mà chỉ có việc đưa
ra công lý những thủ phạm chính yếu không chịu hối cải, với những phiên xử công
bằng và công khai (y như Đồng minh đã làm tại 2 tòa án xét xử các tội phạm chiến
tranh đầu sỏ của Phát xít Đức và Quân phiệt Nhật tại Nuremberg và Tokyo sau Đệ
nhị Thế chiến, hay như Tòa án hình sự Quốc tế tại Den Haag, Hòa Lan xử các cá
nhân phạm tội ác diệt
chủng, tội ác chống lại loài
người, tội ác chiến
tranh hiện thời). Đảng CS lúc ấy vẫn có thể tồn tại và
hoạt động trong sự bình đẳng với các đảng khác và trong cuộc đấu tranh nghị
trường công minh, sòng phẳng.
BAN BIÊN TẬP
0 nhận xét:
Đăng nhận xét