LTCGVN (05.07.2012)
Căn bệnh vô cảm đang lan nhanh thành thứ đại dịch trong xã hội ta hiện nay. Từ giới chức trách, những người có vai trò quản lý xã hội, các bậc trí thức, các văn nghệ sĩ,… cho đến người thường dân, đâu đâu người ta cũng gặp phải nhiều căn bệnh này; và đáng lo ngại hơn cả là nó rất phổ biến nơi giới trẻ, những người chủ tương lai của đất nước. Tác hại của bệnh vô cảm khó có thể đánh giá hết, nhưng thực tế cho thấy, nó đã gây ra nhiều tình huống dở khóc dở cười, người ta cũng có thể bị sống dở chết dở vì nó. Nhưng, có lẽ nguy hiểm hơn cả là căn bệnh này đang làm xói mòn ‘nhân tính và phẩm giá con người’.
TRIỆU CHỨNG VÀ HIỆN TRẠNG
Ngày nay, rất nhiều người trong chúng ta thấy người nghèo, gặp người có hoàn cảnh khó khăn hay hoạn nạn, mà không mấy động lòng trắc ẩn và rất ngần ngại ra tay cứu giúp. Nhiều khi, chúng ta coi những người nghèo khổ và người gặp hoạn nạn như là đương nhiên họ phải chịu vậy, họ cứ an phận thế, chúng ta vô can. Xã hội và kinh tế đang thời suy (khủng hoảng): bất công, gian dối, bạo lực tràn lan, nhưng hỏi được mấy người dám theo tinh thần của Cụ Đồ Chiểu: “Thà thác mà đặng câu dịch khái…”, để khẳng khái nói: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, để lên tiếng nói điều theo lẽ phải? Điều đáng buồn hơn nữa là nhiều người còn vô cảm cả với những điều tốt đẹp: thấy người sống lương thiện, thật thà, mà không ngưỡng mộ; gặp người làm điều nghĩa, người có nhân cách cao thượng, mà không cảm phục.
Bệnh vô cảm không chịu dừng lại ở những thái độ dửng dưng, lãnh đạm với người nghèo khổ, gặp khó khăn, hoạn nạn; hay thái độ bàng quan, mũ ni che tai trước những sự gian dối và cảnh bất công xã hội. Những điều đó hình như đã trở nên quá bình thường và phổ biến trong mọi tầng lớp xã hội chúng ta đang sống. Nếu kể ra thì có muôn vàn hoàn cảnh và câu chuyện có thể chứng minh đúng đến từng chi tiết. Nhưng căn bệnh này còn đang đẩy người ta đến một tình trạng đáng sợ hơn nhiều, xem ra như đã đến mức tận cùng mặt trái nơi tính cách loài người, đó là sự sung sướng trên nỗi đau của người khác. Sinh thời, Karl Marx đã từng nói “Chỉ có súc vật mới quay lưng trước nỗi đau của đồng loại để chăm sóc cho bộ lông của mình”.
Hiện tượng ‘hôi của’ có được minh chứng cho điều nói ở trên chăng? Quốc lộ 1A ngày 14/4 bị tắc đến 7 tiếng đồng hồ vì một xe dưa hấu bị lật, hàng trăm người đổ xô tranh nhau “hôi” dưa. Từ người già đến người trẻ, học sinh đến người đi làm đều tranh thủ dừng lại mang về cho mình ít nhất một quả. Người nhặt thì vui vẻ cười đùa, chủ xe thì méo mặt xót xa. Một câu chuyện khác: Tháng 6/2011, báo Tuổi trẻ đã đăng lên một vụ hôi của tại thành phố Hồ Chí Minh. Nạn nhân giằng co với tên cướp nên bị bật túi xách, bao nhiêu tiền bay ra đường. Chưa đầy 2 phút, số tiền trong túi xách không phải rơi vào túi của những tên cướp mà rơi vào túi của những người đi đường. Ai cũng sung sướng, hạnh phúc. Chắc họ nghĩ rằng đó là tiền ở trên trời rơi xuống, chứ không phải tiền mồ hôi, nước mắt của nạn nhân chăng?! Lại một lần vào khoảng giữa năm ngoái, khi chạy xe trên đường quãng gần cầu Thị Nghè, Tp.HCM, tôi giật mình thấy phía trước có một đám bác sồn sồn đang cà cuống vồ cái gì đó nháo nhác cả mặt đường, giảm ga chạy lại gần mới biết người ta vồ tiền. Chẳng biết những tờ tiền 50 ngàn, 20 ngàn ở đâu ra bay lả tả trên mặt đường, đi tới vài chục mét thấy mấy em học sinh chắc cấp 2, đang dừng xe đạp bên đường, một em ngoái cổ nhìn phía sau, tay sờ sờ túi có vẻ như mất cái gì…
Xin lỗi quý vị độc giả, viết những điều này ra, chắc làm phiền lòng quý vị. Bản thân cũng lòng buồn rười rượi khi viết đến đây. Nghĩ mà tội nghiệp cho dân ta! Vì đâu nên nông nỗi bi đát đến vậy? Nếu kể chuyện này ra cho những người bạn Nhật của mình nghe, không biết họ nghĩ gì về người Việt Nam? Mấy năm trước, khi dân Nhật nghe biết về nạn tham nhũng tại Việt Nam, họ đã biểu tình phải đối chính phủ Nhật viện trợ vốn ODA cho Việt Nam, và gọi những người tham nhũng là ‘sâu bọ’. Họ thật quá đáng, bảo người ta là sâu bọ, tức là ‘con’ chứ không phải ‘người’ ư…? Nhưng hãy xét những người đi đường nhào xuống ‘hôi’ tiền của nạn nhân, thì không biết phải giải thích thể nào cho lọt tai. Điều gì đã làm xói mòn nhân tính người Việt chúng ta? Những người đã đến tuổi ngoài 40, mà phải chúi nhủi, giành giật vồ những tờ tiền của em học sinh, thì hỏi phẩm giá nằm ở đâu? Quả thật, người mang bệnh vô cảm, chẳng những đánh mất dần nhân tính và phẩm giá của mình, mà còn làm tổn hại đến nhân tính và phẩm giá của người khác. Khi dửng dưng với nỗi đau của người khác, là coi thường nhân tính và phẩm giá của họ. Khi hành xử thô lỗ với người khác, là xúc phạm đến nhân tính và phẩm giá của họ.
BỞI ĐÂU NÊN NỖI…?!
Mọi người đều thừa nhận có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh vô cảm, khách quan và chủ quan đều có. Khách quan: do hệ quả tất yếu của môi trường sống đang bị đô thị hóa, người thành thị thì nhà nào biết nhà nấy, ít quan tâm đến nhau; do chứng kiến nhiều vụ dựng hiện trường tai nạn giả để lừa người đi đường, rồi người ăn xin giả, cho nên phải phòng vệ; do thiết chế xã hội và luật pháp hiện nay không chuẩn, không nghiêm và không bảo vệ được người dám bênh vực cho lẽ phải; do sự lỏng lẻo trong quan hệ gia đình;…vv… Chủ quan: do người ta sống theo chủ nghĩa thực dụng, duy vật chất và duy lợi, cho nên không muốn nhúng tay vào việc gì không mang lại lợi nhuận cho mình; do sợ liên đới trách nhiệm, sợ liên lụy, nên không muốn dây vào để chuốc lấy phiền phức; do cuộc sống bận rộn, không có thời gian cho những việc không nằm trong lịch trình; do không được trang bị kỹ năng xử lý những tình huống bất thường đó xảy ra…vv…
Tuy nhiên, gẫm suy cho kỹ, thì thấy có một nguyên nhân rất quan trọng, có thể đại diện cho cả hai nhóm khách quan và chủ quan nêu trên, đó là sự khủng hoảng niềm tin vào cuộc sống. Có câu, mất niềm tin là mất tất cả, và quả thật là như thế. Xã hội hiện nay đang bộc lộ quá nhiều điều gian dối, đảo điên; thật giả, trắng đen lẫn lộn; có cái gì như là sự đảo ngược thang giá trị. Mà nguy hiểm nhất là những thói xấu đó diễn ra lâu ngày, riết thành quen đến độ người ta có vẻ đang phải chấp nhận nó như là điều hiển nhiên. Câu cửa miệng: “Sống chung với lũ” thường được dân ta dùng để biện hộ cho những việc làm sai trái. Bởi thế, cuộc sống không còn biết tin ai, mặc dù có khi muốn tin lắm! Cho nên, việc chọn thúc thủ phòng vệ, hay làm ngơ – mackeno, hay uốn theo chiều gió, tát nước theo mưa, được xem như là những thái độ sống ‘khôn ngoan’ hiện nay. Ở bên Nhật Bản, hầu hết những người làm ăn lương thiện thì được bình yên và giàu có; người làm điều bất chính, dù chỉ một lần, cũng khó tồn tại. Còn ở Việt Nam ta, người ta sợ sống lương thiện, vì sống như thế xem ra quá thiệt thòi, không yên thân và không ngóc đầu lên được…!
Niềm tin đã mất ở hầu hết các lãnh vực và mối tương quan. Trước nhất, nhân dân mất niềm tin vào giới chức trách, vào hàng ngũ điều hành và quản lý xã hội. Nói như thế này cũng là đang nói tránh, nhưng có lẽ mọi người cũng hiểu. Cứ thử làm cuộc khảo sát xem, hiện trong số hơn 80 triệu dân Việt Nam, còn bao nhiêu người có thiện cảm và tin tưởng vào hàng ngũ cai trị mình? Sự khủng hoảng niềm tin này là nguyên nhân chính kéo theo bao điều khủng hoảng khác. Ví như trong nhà, con cái không con tin tưởng cha mẹ nữa, thì chúng sẽ sống ra sao? Cho nên, niềm tin cũng vơi đi rất nhiều trong các mối tương quan thầy trò, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác, khách hàng, người với người và ngay cả trong gia đình, vợ chồng, anh chị em… Hãy nghe em bé học sinh cấp I nói với mẹ: “Mẹ ơi, hôm nay cô giáo của con mới mua chiếc Atila mới đấy…”; em nói không phải mừng mà hơi bĩu môi, vì ngầm hiểu trong đó có tiền ép học thêm của em. Còn biết bao nhiêu vụ thầy giáo gạ học sinh đổi tình lấy điểm, gian dối việc chạy bằng cấp, coi thi, chấm thi…, như thế làm sao không mất niềm tin. Thầy thuốc cũng thế, bệnh nhân muốn được chữa trị, phải đưa phong bì trước. Bác sĩ nuôi bệnh bệnh nhân để kiếm nhiều tiền. Rồi trong thương trường, hợp tác làm ăn, trao đổi hay mua bán, người ta cũng nhè nhau từng ‘miếng’, chỉ chực đối phương sơ hở mà thu lợi nhiều hơn. Đôi khi ngay cả nơi những người tưởng chừng như tốt lành: các vị tu hành, những người làm việc từ thiện, người ta cũng không tin nổi, thì huống chi…! Bây giờ, ra đường còn được mấy ai tin ai. Do đó, bệnh vô cảm thành ra đại dịch, nhân tính và phẩm giá con người bị xói mòn nghiêm trọng là đương nhiên.
LIỆU PHÁP NÀO CẤP CỨU…?
Vậy là chẳng cần hội đủ tứ chẩn: vọng, văn, vấn, thiết, cũng đã biết bệnh nay kể đã nặng, đã nhập vào ‘lục phủ ngũ tạng’ rồi, không biết phải chữa trị ra sao? Dám thỉnh cầu các bậc ‘thần y’ ra tay ‘tế độ’ thì mới may thoát khỏi kiếp nạn này. Bản thân chỉ dám đề cập đến một vài giải pháp thô sơ theo suy nghĩ của phận mình dân đen.
Trước hết, phải đầu tư ngay giáo dục đúng mực. Trong đó, tiên vàn phải chú trọng giáo dục nhân cách, đạo làm người. Nói như đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy: “Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người, người tử tế, trước khi mong muốn và chăn dắt họ thành những người có quyền hành giỏi giang hoặc siêu phàm”. Dạy dỗ cho mọi người biết yêu thương, mở lòng ra với tha nhân, đồng loại; biết tôn trọng phẩm giá con người, coi trọng thể xác và tinh thần của người khác. Hãy giáo dục tâm lý, để mọi người biết bức xúc trước những sự bất bình và gian dối, rung cảm trước cái hay vẻ đẹp, chạnh lòng khi gặp cảnh thương tâm. Hãy giáo dục ý thức, để mọi người biết hi sinh, nhường nhịn cho người khác và thấy được niềm vui, bình an khi làm những việc nghĩa đó. Cũng phải giáo dục cho mọi người hiểu về bổn phận và trách nhiệm liên đới với tha nhân, với cộng đồng xã hội. Chỉ có như thế, con người mới có thể sống tốt hơn và mang lại niềm tin cho nhau.
Thứ đến, phải xây dựng một xã hội có nền pháp trị đúng nghĩa. Pháp luật nghiêm minh là biện pháp chế tài tương đối hữu hiệu những hành động xấu của con người, trước khi dẫn dắt người ta đến trạng thái cao hơn, như là ý thức tự giác. Pháp luật cũng bảo đảm được sự công bằng tương đối giữa mọi người, trước khi muốn họ tiến đến những điều cáo quý hơn, như là bác ái. Chỉ có thế mới tạo cho con người có niềm tin vào công lý và lẽ phải.
Tiếp theo, phải tuyển chọn, đào tạo và xây dựng đội ngũ điều hành và quản lý xã hội, gồm những người có tâm có tầm, có lòng yêu nước thương dân, và có liêm sỉ. Và phải xây dựng một hệ thống thiết chế và an sinh xã hội sao cho bảo đảm được sự an toàn và lợi ích của người dân. Như thế, người dân sẽ tin tưởng và nhiệt tình thực thi những đường lối, quyết sách được triển khai trong xã hội; đồng thời họ cũng an tâm tuân giữ những quy định và luật lệ một cách nghiêm túc.
Đến đây, kể viết đã dài, chuyện cõi nhân sinh quả là không ít, nhưng giữa thời buổi nhịp sống gấp gáp, cứ ngồi gõ mãi, chỉ làm mất thì giờ của quý vị độc giả. Chuyện muốn nói cũng là những điều mọi người đã biết, trên đây chỉ xin liệt kê ra những cái mình đang rất quan tâm. Thấy căn bệnh vô cảm đe dọa nghiêm trọng đến nhân tính và phẩm giá con người, liền góp vài ý để cùng nhau xem xét, khắc phục. Dẫu biết sức mình như muối bỏ bể, nhưng bắt được câu ngạn ngữ để tự an ủi mình: “Thà thắp lên một ngọn nến, còn hơn ngồi nguyền rủa bóng đêm”.
Thành Tín
Nguồn: NVCL
0 nhận xét:
Đăng nhận xét