Mặc dù thường xuyên tuyên bố một nước Trung Quốc “trỗi dậy” luôn trong tinh thần “sống chung hoà bình”, nhưng trên thực tế, Bắc Kinh không ngần ngại công khai ngày càng ráo riết đe doạ bằng võ lực để thực hiện tham vọng bành trướng và bá quyền, nhất là liên quan lãnh hải ở biển Đông.
Một trong những lân quốc trực tiếp gánh chịu ảnh hưởng ngày càng đáng ngại của tham vọng ấy là Việt Nam.
Hành xử ngược với Công ước Quốc tế
Vào ngày 23 tháng Sáu vừa rồi, Việt Nam - cả thế giới - sửng sốt khi Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) kêu gọi đấu thầu quốc tế nhằm khai thác 9 lô dầu nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, chỉ cách bờ biển Quảng Ngãi 76 hải lý, cách phía Bắc Nha Trang 60 hải lý; khoảng cách gần nhất từ khu vực khai thác này tới vùng giữa Nha Trang và Phan Thiết chỉ 57 hải lý, trong khi từ vùng ấy tới đảo Phú Quý thuộc tỉnh Bình Thuận có 30 hải lý, nơi tàu Bình Minh 02 của Việt Nam bị tàu Trung Quốc cắt cáp hồi năm ngoái.
Qua bài “Dứt khoát Biển Đông không phải là ‘ao nhà’ của Bắc Kinh”, tác giả Bùi Văn Bồng cáo giác Hoa Lục “đã thẳng thừng đưa ra những tuyên bố ngang ngược, coi thường Công ước Luật biển năm 1982 của LHQ, không tôn trọng cam kết quốc tế, hùng hổ chà dạp lên cái gọi là phương châm ’16 chữ vàng’ và xổ toẹt quan hệ ‘4 tốt’ mà chính lãnh đạo Trung Quốc đã giao kết với Việt Nam”. Tác giả khẳng định:
Biển Đông quyết không thể là cái “ao nhà” của Trung Quốc mà nhà cầm quyền Bắc Kinh lộng hành, tùy tiện muốn làm gì cũng được. Đó là thái độ dứt khoát của Việt Nam. Đó cũng là khẩu hiệu hành động kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển-đảo của Việt Nam.
Trước nguy cơ này, blogger Nguyễn Thông tri hô rằng “Bớ làng nước ơi, giặc vào đến tận trong nhà rồi”, và ông nhận ra rằng rõ mấy tay China nuôi cá bè ở Vịnh Cam Ranh “đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Rồi nhà báo Nguyễn Thông “tự dưng cứ chập chờn hình ảnh cha con An Dương Vương quất ngựa chạy vào đến núi Mộ Dạ khi đã muộn” rồi. Qua bài “Bớ làng nước ơi, giặc vào đến tận trong nhà rồi”, tác giả nhận xét:
Chúng coi mình không ra gì, không thèm đếm xỉa đến chủ quyền lãnh thổ của mình, không thèm quan tâm đến sự phản đối của mình, chúng vứt vào sọt rác cái gọi là “tình hữu nghị truyền thống” mà mình đang hết sức nâng niu...Blogger Nguyễn Thông
Chúng coi mình không ra gì, không thèm đếm xỉa đến chủ quyền lãnh thổ của mình, không thèm quan tâm đến sự phản đối của mình, chúng vứt vào sọt rác cái gọi là “tình hữu nghị truyền thống” mà mình đang hết sức nâng niu. Chúng là bọn lãnh đạo cộng sản Trung Quốc, là giặc, là quân láo xược.
Khi chúng cố ý trêu tức, khiêu khích Việt Nam bằng hàng loạt những vụ việc liên tiếp trong thời gian rất ngắn (bắt tàu ngư dân Việt, ra lệnh cấm đánh bắt cá, đưa giàn khoan khủng vào vùng tranh chấp, lập thành phố Tam Sa, mời thầu khai thác dầu khí, thậm chí ngày 26.6 còn lên giọng phản đối việc Việt Nam ghép đặt quốc kỳ bằng gốm trên đảo Trường Sa lớn…) thì có nghĩa chúng đã đói lắm rồi, không ẩn mình chờ thời nữa.
Trước hành động ngang ngược đó của Phương Bắc, câu hỏi có thể được nêu lên là dựa vào đâu mà Bắc Kinh tuyên bố mời thầu quốc tế ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam? Theo blogger Đoan Trang thì Trung Quốc căn cứ vào đường lưỡi bò mà họ đơn phương áp đặt cho khu vực và cả thế giới.
Qua bài “Ý đồ biến biển của Việt Nam thành ‘vùng tranh chấp”, tác giả bày tỏ quan ngại về hành động hành xử một cách “phi UNCLOS” của Trung Quốc, tức hành xử ngược lại Công ước LHQ về Luật Biển 1982, dù chính Hoa Lục đã phê chuẩn công ước này. Hành động gọi thầu quốc tế như vừa nói, theo tác giả Đoan Trang, một lần nữa “cho thấy sự mâu thuẫn, lật lọng trong chính sách của Trung Quốc trên biển Đông”.
Điều nguy hiểm cho Việt Nam, tác giả nhận thấy trong diễn biến này, là ý đồ của Trung Quốc biến vùng biển của riêng Việt Nam thành “vùng tranh chấp” để sau cùng không chiếm trọn được thì cũng “cùng khai thác”.
Tác giả trích dẫn nhận định cách đây vài ngày của GS Taylor Fravel thuộc Viện Công Nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ rằng “không như các lô mà Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc mời thầu trong năm 2010 và 2011, các lô mới này hoàn toàn nằm trong vùng tranh chấp trên biển Đông”.
Vẫn theo GS Fravel, “ Có lẽ các công ty nước ngoài khó có thể hợp tác với tập đoàn này để đầu tư ở các lô đang tranh chấp ấy”.
GS Taylor Fravel nhân tiện lưu ý rằng Trung Quốc đang ra sức củng cố cơ sở pháp lý của mình, từ tình trạng trong quá khứ chỉ phản đối những hoạt động dầu khí của Việt Nam tại nơi mà Bắc Kinh cho là thuộc vùng biển của Trung Quốc, thì nay, Hoa Lục khẳng định những hoạt động đó của Việt Nam là “vi phạm luật pháp” của Trung Quốc.
Tác giả Đoan Trang giải thích:
"Nghĩa là, mặc dù thừa nhận rằng “một số lô… nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế” của Việt Nam, nhưng GS. Fravel cũng đã mặc nhiên coi đây là khu vực chồng lấn, tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nói cách khác, Bắc Kinh đã phần nào thành công trong việc biến vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam thành vùng tranh chấp. Từ đây, đi đến quan điểm “gác tranh chấp, cùng khai thác”… biển của Việt Nam chỉ là một bước ngắn".
Không tôn trọng những gì đã ký kết
Tác giả Bùi Văn Bồng qua bài “ Dứt khoát Biển Đông không phải là ‘ao nhà’ của Bắc Kinh” như vừa nói còn lưu ý về “nhiều hệ luỵ nghiêm trọng khác” do Bắc Kinh gây ra:
"Việc Trung Quốc đẩy mạnh chương trình thăm dò và khai thác tại biển Đông không chỉ là hành động thách thức chủ quyền của các nước trong vùng mà còn đặt ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng.
Dàn khoan dầu khổng lồ mà Trung Quốc dự định triển khai trên biển Đông chính là một pháo đài quân sự nguỵ trang và là công cụ hiện thực hoá yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, biến biển Đông cùng các tài nguyên của nó thành của riêng cho Trung Quốc.
Với đà này, không ai hy vọng Tuyên bố DOC hoặc là bộ Quy ước hay COC sẽ được Trung Quốc quan tâm thực hiện nghiêm chỉnh. Và do đó, tình hình an ninh trên Biển Đông sẽ còn tiềm ẩn và bộc lộ nhiều bất ổn do Trung Quốc chủ động và rất muốn gây ra."
Việc Trung Quốc công khai đấu thầu những lô dầu ngay trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam – theo tác giả Bùi Văn Bồng - là
“phản ứng quyết liệt, đủ trò tung hô, gào thét bác bỏ Luật Biển của Việt Nam”
Cả Bắc Kinh và Hà Nội đều lkhông tôn trọng những gì họ đã ký kết , vậy thì Luật Biển có giá trị gì? Hay chỉ để xoa dầu cù là cho những người bất mãn?”Nhà văn Trần Khải
sau khi Phương Bắc đã vội vã hình thành “Địa cấp Tam Sa thị” để quản lý Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và đảo Macclesfield Bank của Philippines mà Trung Quốc gọi là Trung Sa nhằm ứng phó với Luật Biển Việt Nam – Bộ Luật mà GS Trần Kinh Nghị từ Hà Nội cho là “kết quả của một quá trình đấu tranh gay go, phức tạp có nhân tố ‘thù trong giặc ngoài’ để sau cùng dẫn tới thắng lợi này”; và, vẫn theo GS Trần Kinh Nghị, chính hành động hung hãn cho tham vọng “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh đã thúc giục Việt Nam đi tới quyết định quan trọng ấy.
Nhà biên khảo Trương Nhân Tuấn thắc mắc là sao “ vẫn không thấy Việt Nam lên tiếng đề nghị đưa tranh chấp ra một trọng tài giải quyết. Việc Trung Quốc lên tiếng phản đối bộ Luật Biển Việt Nam là một cơ hội hiếm hoi.
Vì sao vậy? Người ta thấy ngay rằng việc Việt Nam im lặng là do các yếu tố pháp lý có hại cho Việt Nam, như công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958 hay các hứa hẹn của lãnh đạo hai bên trong quá khứ”.
Sau khi Quốc Hội thông qua Bộ Luật Biển Việt Nam, nhà văn Trần Khải có “câu hỏi cốt tuỷ” là “cả Bắc Kinh và Hà Nội đều là những chế độ không biết tôn trọng những gì họ đã ký kết (thí dụ, Hiệp Định Paris, hay Tuyên Ngôn Nhân
Quyền LHQ đều bị nhà nước Hà Nội vi phạm), vậy thì Luật Biển có giá trị gì? Hay chỉ để xoa dầu cù là cho những người bất mãn?”
Ông nói thêm rằng cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội đều “biết tẩy nhau” cả, đó là “không ai tôn trọng bất kỳ văn bản luật pháp nào”.
Vẫn theo nhà văn Trần Khải thì thực ra, Hà Nội không có cách nào hay hơn là thông qua Luật Biển, bởi vì “nỗi đau khổ của ngư dân Việt đã tràn bờ”, và “Luật Biển Việt Nam hình thành trong hoàn cảnh cả nước bị bao vây bởi những tàu lạ có chữ Hán”.
Qua bài “Thế hệ nhân nhượng”, blogger Thuỳ Linh nhận xét:
"Biển Đông bây giờ bọn Tàu cứ chềnh ềnh tàu và người nóra đấy thì “cực lực phản đối”, “Việt Nam lên án”; “đề nghị” liệu có khiến nó rút đi không? Luật biển mới ra đời làm nhiều người nao nức có bắt “nó” chấp hành không? Không, đúng không nào?
Bao giờ thì giải quyết được cái ao chung ấy? Có mà khươm mươi niên. Có dám đưa nó ra toà án quốc tế không? Không. Trừ khi chả còn anh em gì sất, chỉ còn quốc gia, dân tộc, nói chuyện bằng lẽ phải, luật lệ. Mà cái đó chắc chả dễ gì có ngay. Thế thì lạc quan nỗi gì?"
Vẫn đàn áp biểu tình chống TQ
Hôm Chủ Nhật mùng 1 tháng 7 này, tại Sàigòn, Huế, Hà Nội, những người yêu nước lại làm nên lịch sử qua những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược cũng như ủng hộ Quốc Hội Việt Nam thông qua Luật Biển, mặc dù lực lượng công an, dân phòng, trật tự xuất hiện rất đông, ra sức ngăn chận, bao vây, bắt giữ một số người yêu nước như Nguyễn Chí Đức, Huỳnh Thục Vy, Bùi Thị Minh Hằng, Huỳnh Trọng Hiếu, Khánh Vy, Trầm Tử…
Mặc dù một nhóm bạn trẻ tham gia biểu tình đã gọi điện kêu cứu khi bị an ninh theo dõi và bao vây trên xe buýt, nhiều bloggers bị bắt nguội trên đường từ nơi biểu tình về nhà, mặc dù những nhân sĩ, trí thức lão thành bị xô đẩy thô bạo, mặc dù – nói theo lời ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Human Rights Watch đặc trách khu vực Á Châu, rằng “ hành động của công an tại Hà Nội và Saigòn, một lần nữa, chứng tỏ phản ứng của nhà cầm quyền Việt Nam là sách nhiễu và cản trở mọi hình thức biểu tình ôn hoà, bất kể phát xuất từ nguyên nhân nào”.
Hành động của công an tại Hà Nội và Saigòn, một lần nữa, chứng tỏ phản ứng của nhà cầm quyền Việt Nam là sách nhiễu và cản trở mọi hình thức biểu tình ôn hoà, bất kể phát xuất từ nguyên nhân nào.Phil Robertson, HRW
Blogger Mẹ Nấm nhận xét rằng “ Vậy là ngày Chủ Nhật đầu tiên của tháng 7 đã đi qua, buổi sáng cuối tuần kết thúc bằng những hình ảnh rạng ngời của các công dân Việt Nam yêu Tổ quốc cùng xuống đường tuần hành ôn hòa chống Trung Quốc và ủng hộ Luật Biển Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua. Mặc dù trước giờ G, đã có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau về lời kêu gọi biểu tình lần này, nhưng kết quả cuối cùng thì chúng ta đã thấy, hình ảnh người Việt yêu nước Việt đẹp đẽ biết bao”.
Trịnh Kim Tiến, một trong những bạn trẻ từng bày tỏ lòng yêu nước thiết tha và kỳ này bị công an ngăn chận không cho tới điểm hẹn để biểu tình, đã cảm nhận rằng “ mỗi cuộc biểu tình, mỗi người biểu tình chống Trung Quốc đều là một phát tát, tát mạnh vào mặt bọn bành trướng xâm lược Bắc Kinh”.
Như vậy là thêm một diễn tiến lịch sử hôm mùng 1 tháng 7 ấy – buổi tuần yêu nước, chống xâm lược – đã qua đi, sau khi nhân sĩ, trí thức lão thành và nhiều bạn trẻ từ Sàigòn tới Hà Nội – nói theo blog Dân Làm Báo, “ cương quyết không để bị cưỡng chế lòng yêu nước của mình”.
Vẫn theo trang blog này, “ Ngày 1 tháng 7 năm 2012 - Dậy Mà Đi - thêm một lần nữa, hành động xuống đường đã thể hiện thái độ rõ ràng, dứt khoát và Can Đảm về chủ quyền của đất nước.Ngày 1 tháng 7 năm 2012 - Dậy Mà Đi - cũng thêm một lần nữa minh chứng về những rào cản nào đã tiếp tục trói, tiếp tục chận bước chân đi của dòng người yêu nước. Và đó là một chiến thắng của những công dân Việt Nam trên đường phố Sài Gòn, Hà Nội”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét