Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

[Video]: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 4-11/05/2012 Căn tính Công Giáo trong ngành giáo dục của Giáo Hội tại Hoa Kỳ



LTCGVN (12.05.2012)   

1. Thời sự nổi bật trong tuần qua là vấn đề duy trì căn tính Công Giáo trong ngành giáo dục của Giáo Hội tại Hoa Kỳ.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã lên tiếng kêu gọi việc tái khẳng định căn tính Công Giáo của các trường trung học và đại học Công Giáo, trong niềm trung thành với các lý tưởng khi các trường này được thành lập và với sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội.

Đức Thánh Cha đã nêu ra lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 5 tháng Năm, dành cho các Giám Mục Hoa Kỳ thuộc các tiểu bang Colorado, Wyoming, Arizona và New Mexico, về Roma hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô và thăm Tòa Thánh.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Việc thông truyền kiến thức là rất quan trọng. Tuy nhiên công tác thiết yếu trong việc giáo dục ở mọi cấp độ không phải chỉ dừng ở đó nhưng còn phải tiến thêm một bước nữa trong việc huấn luyện con tim. Vấn đề duy trì căn tính Công Giáo, ít nhất là ở bậc đại học, không phải chỉ là giảng dạy tôn giáo hoặc thiết lập các văn phòng tuyên úy tại các đại học xá. Quá nhiều khi, dường như các trường và học viện Công Giáo không thành công trong việc khích lệ các sinh viên học sinh gìn giữ đức tin của họ như một sự khám phá phong phú về trí thức. Trong mọi khía cạnh của việc giáo dục, các sinh viên học sinh phải được khích lệ để có một cái nhìn về sự hòa hợp giữa đức tin và lý trí, như là ánh sáng giúp họ trau dồi cả kiến thức lẫn các nhân đức.”

2. Đại Học Georgetown mời Kathleen Sebelius đến khai giảng năm học mới:

Trong một cử chỉ được xem là công khai thách thức Đức Thánh Cha và các Giám Mục Hoa Kỳ, Viện trưởng Đại Học Công Giáo Georgetown John DeGioia ngay sau đó đã mời bà Kathleen Sebelius, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS), đến nói chuyện trong lễ khai giảng năm học mới.

Hành động của Ban Giám Đốc Georgetown đã gây bất bình trong sinh viên và người Công Giáo tại Hoa Kỳ. Chỉ trong vài ngày, tổ chức Đức Hồng Y Newman Society đã nhanh chóng thu thập hơn 14,000 chữ ký cho bản kiến nghị chống lại sự xuất hiện của Kathleen Sebelius tại đại học Georgetown.

Sebelius, người tự nhận mình là Công giáo, đã công khai hỗ trợ kinh phí cho các dịch vụ phá thai trong thời gian làm thống đốc Kansas. Lập trường ủng hộ phá thai của bà Sebelius đã khiến Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann của Kansas City yêu cầu bà không được rước lễ khi tham dự các thánh lễ Công Giáo trong giáo phận Kansas.

Georgetown là trường đại học Công Giáo tại Washington DC do Đức Cha John Carroll, Giám Mục người Mỹ đầu tiên thành lập vào năm 1789. Đây là trường đại học Công Giáo đầu tiên tại Hoa Kỳ và cũng là trường đại học đầu tiên do Dòng Tên thành lập trên đất Mỹ. Cựu tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, hàng chục thống đốc Hoa Kỳ và hàng chục nguyên thủ quốc gia trên thế giới đã xuất thân từ đây. Trường hiện có 7000 sinh viên theo học các chương trình cử nhân và một số đông đảo hơn lên đến 8000 sinh viên theo học Cao Học và Tiến Sĩ.

3. Trường trung học Anna Maria mời Victoria Kenedy đến bế giảng

Trong một diễn biến không kém phần bi đát khác, Đức Giám Mục Robert McManus của giáo phận Worcester, Massachusetts, đã phải dùng đến những biện pháp mạnh mẽ với ban giám hiệu trường trung học Anna Maria để ngăn chặn việc mời Victoria Kennedy đến bế giảng năm học.

Victoria Kennedy, vợ góa của Thượng nghị sĩ Ted Kennedy là một nhân vật phò phá thai. Đức Cha McManus đã ngỏ ý không muốn thấy sự xuất hiện của bà tại một trường Công Giáo mang lại những thông điệp gây ngộ nhận trong lòng các tín hữu Công Giáo.

Trước áp lực rất mạnh của Đức Cha McManus, ban giám hiệu Anna Maria College đã huỷ bỏ lời mời Victoria Kennedy. Nhưng bù lại họ nói với Đức Cha McManus rằng sự hiện diện của ngài có thể sẽ không được hoan nghênh sau các tranh cãi gay gắt với ban giám hiệu.

Đức Cha Robert McManus đã đồng ý không đến dự và hai học sinh tốt nghiệp đã được chọn để phát biểu.

4. Các trường Công Giáo ở xứ Wales đã bị nhà nước cảnh cáo

Trong khi đó tại Anh, các trường Công Giáo ở xứ Wales đã bị nhà nước cảnh cáo sau khi các trường ấn hành các tài liệu khuyến khích học sinh và gia đình ủng hộ các định chế hôn nhân và gia đình truyền thống theo đúng giáo huấn Giáo Hội.

Bộ trưởng giáo dục Wales là Leighton Andrews nói với ban giám hiệu các trường Công giáo là họ đã vi phạm tinh thần luật pháp bằng cách ấn hành các tài liệu nói trên. Andrews gọi việc ủng hộ hôn nhân và gia đình truyền thống là “tham gia vào các hoạt động chính trị đảng phái”.

Andrews đòi các trường phải trình bày hôn nhân đồng tính “một cách khách quan” và không được có thành kiến với hôn nhân đồng tính.

5. Buổi triều yết chung hôm thứ Tư 9 tháng Năm

Trong buổi triều yết chung tại quảng trường Thánh Phêrô hôm thứ Tư 9 tháng Năm với khoảng 10.000 người tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng đã nói về câu chuyện các Kitô hữu tiên khởi đã giúp thánh Phêrô ra khỏi tù như thế nào nhờ sức mạnh của lời cầu nguyện.

Đức Thánh Cha nói: 

"Thánh Phêrô đang ngủ, như một dấu hiệu thể hiện sự phó mình cho Chúa và niềm tin của mình vào lời cầu nguyện của cộng đồng Kitô hữu. Lời cầu nguyện này được viên mãn trong niềm vui bao la, khi thánh Phêrô được trở lại lại cộng đoàn và làm chứng cho quyền năng cứu độ của Chúa Phục Sinh "

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã giải thích rằng nếu như sức mạnh của lời cầu nguyện là thiết yếu với Thánh Phêrô thế nào, thì hàng ngàn năm sau đó, ngài là người kế vị của Thánh Phêrô cũng cần đến lời cầu nguyện của các tín hữu như vậy.

Ngài nói:

"Việc giải thoát Thánh Phêrô nhắc nhở chúng ta rằng sự kiên trì của chúng ta trong lời cầu nguyện, đặc biệt là ở những khoảnh khắc thử thách, và sự hiệp nhất của anh chị em chúng ta trong Chúa Kitô, nâng đỡ chúng ta trong đức tin. Trong tư cách người Kế Vị Thánh Phêrô, tôi cảm ơn tất cả anh chị em về sự hỗ trợ của anh chị em trong lời cầu nguyện. "

Một ca đoàn từ Bồ Đào Nha đã đem lại chút sắc màu cho buổi triều yết chung hôm thứ Tư. Sau đó, Đức Giáo Hoàng đã cảm ơn Cục Bảo vệ dân sự Italia và 250 tình nguyện viên đã giúp đỡ trong các sự kiện được tổ chức tại Vatican và tại Rôma.

6. Buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng

Hôm Chúa Nhật 6 tháng Năm, dù trời Rôma có mưa nhẹ nhưng tại quảng trường thánh Phê-rô tín hữu và khách hành hương vẫn quy tụ về đông đảo cách lạ thường để cùng hiệp thông với Đức Thánh Cha trong kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng. "Ai tin tưởng vào sự trợ giúp của Chúa, người đó sẽ nhận được giúp đỡ" là thông điệp Đức Thánh Cha nhấn mạnh trong bài huấn dụ của mình. 

Đức Thánh Cha nói:

Tin Mừng Chúa Nhật thứ năm mùa Phục sinh mở ra cho chúng ta hình ảnh vườn nho. "Chúa Giê-su nói với các môn đệ:'Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho'" (Ga 15,1). Trong Kinh Thánh, rất nhiều lần dân It-ra-en được so sánh với vườn nho sai trái khi trung tín với Thiên Chúa; nhưng một khi họ xa Chúa, sẽ trở thành khô héo, không còn khả năng làm ra "loại rượu làm phấn khởi lòng người", như chúng ta đọc thấy trong Thánh vịnh 104, câu 15. Vườn nho thật của Thiên Chúa, cây nho thật là Chúa Giê-su, với tình yêu hy sinh, đã đem lại ơn cứu chuộc cho chúng ta và mở đường cho chúng ta đến vườn nho thật. 

Mỗi người chúng ta là một nhành nho và chỉ sống mạnh nếu có thể lớn lên mỗi ngày trong lời cầu nguyện, trong việc tham dự các Bí tích, trong việc thiện và gắn bó với Thiên Chúa. Ai yêu mến Chúa Giê-su, Đấng là cây nho thật, sẽ sinh hoa trái đức tin cho một vụ mùa bội thu những hoa trái thiêng liêng. Chúng ta cùng hướng đến Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa hầu chúng ta có thể ở lại trong Chúa Giê-su cách liên lỉ và để mỗi hành động của chúng ta được khởi sự và hoàn tất trong Người.

Sau kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nhắc đến Ngày gặp gỡ các gia đình lần thứ bảy sẽ diễn ra ở Milan và ngài cũng ngỏ ý cảm ơn giáo phận chủ nhà cũng như các giáo phận trong vùng về việc tổ chức sự kiện này. 

Ngày 6 tháng Năm cũng là dịp kỷ niệm 50 năm phong thánh cho Thánh Martin de Porres, người đã có công trong việc tái truyền giáo và khơi lại sự thánh thiện trong lòng Giáo Hội. Đức Thánh Cha đã lên tiếng kêu cầu sợ trợ giúp của thánh nhân trong nỗ lực tái truyền giảng Tin Mừng của Giáo Hội.

7. Lễ Tuyên Thệ của tân Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ.

Ngày 6 tháng 5 là một ngày lịch sử đối với đoàn ngự lâm quân Thụy Sĩ. Thật vậy, vào ngày 6/5/1527, 147 ngự lâm quân trong số 189 người đã hy sinh tính mạng của họ để bảo vệ Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII khi đại đế Charles V xua quân đánh vào Rôma. 

Lúc 10h30 sáng tại điện Tông Tòa, Đức Thánh Cha đã chủ toạ lễ tuyên thệ của các tân ngự lâm quân Thụy Sĩ.

Hiện nay, các ngự lâm quân Thụy Sĩ được tuyển chọn với điều kiện phải là người Thụy Sĩ Công Giáo, nam, dưới 30 tuổi, chưa lập gia đình và cao trên 178 cm, có bằng cấp Tú Tài trở lên và đã từng học trong một trường huấn luyện quân sự của Thụy Sĩ. Các ngự lâm quân phải phục vụ tại Tòa Thánh tối thiểu 2 năm.

8. Đức Thánh Cha tiếp các Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ

Hôm thứ Hai 7 tháng Năm, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã có một buổi tiếp kiến chung dành cho các ngự lâm quân Thụy Sĩ và gia đình. Trước đó vào ngày Chúa Nhật, 26 ngự lâm quân Thụy Sĩ đã tuyên thệ trung thành với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 và các vị kế nhiệm ngài. Buổi lễ tuyên thệ cho các tân vệ binh thường diễn ra mỗi năm vào ngày 06 Tháng 5, ngày kỷ niệm biến cố 147 vệ binh Thụy Sĩ đã hy sinh mạng sống của họ để bảo vệ Đức Giáo Hoàng Clê-men-tê Đệ Thất vào năm 1527.

9. Đức Thánh Cha tiếp tổng thống nước Cộng hòa Albania 

Sáng thứ Bẩy 5 tháng 5, Đức Thánh Cha đã tiếp tổng thống nước Cộng hòa Albania, Bamir Topi trong vòng 30 phút.

Theo thông cáo của phòng Báo chí Tòa Thánh, hai vị đã trò chuyện thân mật, và thảo luận về mối quan hệ tốt đẹp giữa Tòa Thánh và Albania đặc biệt là các vấn đề xung quanh mối quan hệ giữa các cộng đồng Giáo Hội và dân sự, bao gồm cả đối thoại giữa các tôn giáo và các đóng góp của Giáo Hội trong các lĩnh vực giáo dục và phát triển xã hội. Hai vị cũng đề cập đến kế hoạch của Albania để hội nhập sâu hơn vào Liên hiệp châu Âu.

Đức Giáo Hoàng và Tổng thống Topi cũng trao đổi quan điểm của họ về tình hình quốc tế và khu vực hiện nay, với sự quan tâm đặc biệt đến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Sau khi tiếp kiến Đức Thánh Cha, tổng thống Topi đã gặp Đức Hồng Y Tarcisio Bertone là quốc vụ khanh Tòa Thánh và Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti là ngoại trưởng Tòa Thánh. 

10. Đức Thánh Cha tiếp 5 vị tân đại sứ đến trình quốc thư

Hôm thứ Sáu 4 tháng 5, tại hội trường Clementine trong dinh Tông Toà tại Vatican, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã chào đón năm vị tân đại sứ đến trình quốc thư. Họ đến từ các nước Ethiopia, Malaysia, Ireland, Fiji, và Armenia. 

Trong diễn từ của ngài, Đức Thánh Cha ghi nhận rằng ngày nay các phương tiện truyền thông đã làm cho thế giới trở nên và do đó bộc lộ rõ nét hơn sự đau khổ của dân chúng các nước liên hệ. Trong các nguồn gốc dẫn đến đau khổ của dân chúng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến hiện tượng là luật pháp các nước không giúp làm giảm khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng trong xã hội.

11. Đức Thánh Cha thăm Đại Học Y Khoa Thánh Tâm

Đức Giáo Hoàng đã đến thăm trường Y khoa của Viện Đại học Thánh Tâm ở Rôma nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Tại đó, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với các giáo sư và sinh viên cũng như với các bác sĩ và nhân viên của Bệnh viện Policlinico Gemelli /Pô-lic-li-ni-cô Ge-mê-li/ là bệnh viện đã từng chữa trị cho Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Trong cuộc gặp gỡ Đức Thánh Cha đã trình bày về quan hệ giữa lý trí và đức tin. Đức Thánh Cha nói:

12. Cuốn sách đề cập "100 thành kiến" đối với Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16

Một nhà báo Thụy Sĩ là ông Mario Galgano đã có công thu thập và phân tích những thành kiến khác nhau của thế giới truyền thông đối với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16. Trong cuốn sách mới của mình có tựa đề "100 thành kiến về Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16", vừa được cho ra mắt độc giả trong tháng qua, ông đã cố gắng để làm sáng tỏ một số những thành kiến đó.

Nhà báo Mario Galgano đã có được hân hạnh để gặp gỡ Đức Thánh Cha và trao tận tay ngài cuốn sách của ông trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư 2 tháng Năm vừa qua.

13. Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình hội thảo về nạn buôn người

Nếu chúng ta nghĩ rằng việc mua bán nô lệ trên thế giới đã chấm dứt vào những thế kỷ trước thì chúng ta đã nhầm to. Ngày nay, quy mô của việc mua bán nô lệ trên thế giới đang ở mức kinh hoàng nhất trong lịch sử loài người đem lại một nguồn lợi nhuận cao thứ hai chỉ sau việc buôn bán vũ khí bất hợp pháp. 

Lợi nhuận hàng năm việc mua bán nô lệ trên thế giới được ước lượng là 32 tỷ. Mỗi năm có khoảng 2 triệu người bị mua bán, 80% trong số đó là phụ nữ bị bán trong kỹ nghệ tình dục. Số còn lại bị buộc lao động nặng nhọc. Tình trạng trở nên nghiêm trọng vì nhà cầm quyền một số quốc gia trên thế giới cũng dự phần vào việc mua bán nô lệ trên thế giới thông qua các chiêu bài xuất cảng lao động và cô dâu nước ngoài.

Trong bối cảnh đó, một hội nghị về việc mua bán nô lệ trên thế giới vừa được Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình tổ chức tại Rôma vào hôm thứ Hai 7 tháng Năm. Diễn giả chính của hội nghị là Đức Giám mục Patrick Lynch, người đứng đầu Văn phòng Di cư của Giáo Hội tại Anh và xứ Wales. 

Đức Cha Lynch nói rằng hội nghị này là một cơ hội cho các nhóm khác nhau gặp gỡ để tìm cách "làm thế nào chúng ta có thể làm cho mọi người ý thức về thảm kịch này" và đưa ra những đáp trả thích hợp.

14. Cuốn sách về những hình ảnh đẹp trong Đại Hội Quốc Tế Giới Trẻ tại Madrid

Trước khi Ngày Giới Trẻ Thế giới được tổ chức tại Madrid, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã mô tả cuộc tụ họp này của các bạn trẻ như là một “dòng thác ánh sáng”. Bây giờ, một năm sau đó, dòng thác ánh sáng đã thực sự là tiêu đề của một cuốn sách mới được xuất bản tại Tây Ban Nha về ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2011 tại Madrid.

Cuốn sách, bằng tiếng Tây Ban Nha, do ban tổ chức ngày Quốc Tế Giới Trẻ Madrid xuất bản gồm 224 hình ảnh đẹp và tất cả các bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 cũng như lá thư cám ơn của ngài được gửi đến Đức Hồng Y Antonio Maria Rouco Varela, là Tổng Giám Mục Madrid.

Hơn 1,5 triệu bạn trẻ từ 193 quốc gia đã đến Madrid để cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới với Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16. 

15. Hội thảo kỷ niệm 50 năm Công Đồng Chung Vatican II

Để đánh dấu 50 năm kể từ khi Công đồng Vatican II được chính thức khai mạc, nhiều hội nghị đang diễn ra ở Rôma để đánh giá những ảnh hưởng của Công Đồng trong đời sống Giáo Hội trong 50 năm qua. Một trong các hội nghị này đã được tổ chức tại Đại Học Giáo Hoàng Thánh Giá tại Rôma, trong đó tập trung vào vai trò của Công Đồng trong việc Tân Phúc Âm Hóa.

Cha Johannes Grohe /Giô-han-nes Grô/ của Đại học Giáo Hoàng Thánh Giá nhận xét: 

"Trong lịch sử lâu dài của Giáo Hội, 50 năm thực sự không phải là nhiều. Năm mươi năm sau, Công đồng vẫn còn là một công việc đang trong tiến trình. "

Giáo sư Carmen Jose Alejos của Đại học Navarra Tây Ban Nha nói:

"Chúng tôi nhìn vào khía cạnh đại kết của Công đồng Vatican II cũng như những cải cách phụng vụ và Giáo Hội, và mầu nhiệm của Giáo Hội qua Công Đồng Vatican II. "

Giáo sư Helmut Hope của Đại học Fribourg Thụy Sĩ cho biết:

"Công đồng đã quyết định một số điểm rất quan trọng về phụng vụ. Hội nghị sẽ đánh giá những cải cách phụng vụ, việc canh tân Giáo Hội, việc tổ chức Giáo Hội, hiến chế Lumen Gentium và tự do tôn giáo. Ngoài ra, cả những tông hiến mục vụ quan trọng đối với việc quản trị Giáo Hội. "

Một tài liệu quan trọng của Vatican II có tiêu đề 'Nostra Aetate' cũng được thảo luận. Tài liệu này đề cập đến mối quan hệ của Giáo Hội với người ngoài Kitô giáo.

Hội nghị được bảo trợ bởi Đức Hồng Y Reinhard Marx của Munich. Hội nghị kéo dài trong hai ngày từ 4 đến 5 tháng Năm. Đây cũng là một cách để chuẩn bị cho năm Đức Tin.

16. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 sẽ tham dự buổi hòa nhạc tại La Scala ở Milan

Nhân dịp Hội nghị Thế giới về gia đình, vào ngày thứ Sáu 01 Tháng Sáu, Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm nhà hát La Scala ở Milan. Tại đó ngài sẽ tham dự một buổi hòa nhạc được thực hiện bởi Daniel Barenboim, người sẽ biểu diễn bản giao hưởng thứ chín của Beethoven.

Đây sẽ là lần đầu tiên Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tham dự một buổi hòa nhạc trong một nhà hát công cộng. Các buổi hòa nhạc dành cho Đức Giáo Hoàng thường được tổ chức tại đại thính đường Phaolô Đệ Lục tại Vatiacan.

17. Rước kiệu Đức Mẹ tại Haifa.

Trong khu vực thánh địa, mỗi năm có hai cuộc rước quan trọng là cuộc rước ngày Chúa Nhật Lễ Lá và cuộc rước kính Đức Mẹ núi Carmêlô tại Haifa.

Haifa là hải cảng trọng yếu và là thành phố lớn nhất của Israel cách thủ đô Tel Aviv 90km về phía Bắc. Dân cư trong thành phố là 268,000 người và vùng phụ cận là 300,000. 90% dân số trong vùng là người Do Thái. Người Ả rập chỉ chiếm 10%. Đa số người Công Giáo Israel sống trong khu vực này. 

Trong suốt những năm chiến tranh vừa qua, thành phố này đặc biệt được bình an. Cư dân trong vùng tin rằng lòng sùng kính đặc biệt của họ dành cho Đức Mẹ đã mang lại hòa bình cho thành phố này. Vì thế, hàng năm đều có cuộc rước kiệu trọng thể kính Đức Mẹ núi Carmêlô.

Mặt trời đã lặn trên thành phố Haifa, và cuộc rước tuyệt vời kính Đức Mẹ núi Carmêlô cũng vừa đến hồi kết thúc. Đức Thượng Phụ Latinh của Giê-ru-sa-lem là Đức Tổng Giám Mục Fouad Twal ban phép lành cho anh chị em tín hữu. 

Sau cuộc rước trọng thể Chúa Nhật Lễ Lá tại Giê-ru-sa-lem, cuộc rước tại Haifa là cuộc rước đông đảo thứ hai tập hợp chủ yếu các Kitô hữu của Thánh Địa trong các vùng lãnh thổ của Israel và Palestine. Đây là một dịp để các tín hữu không chỉ cầu khẩn sự bảo vệ của Đức Trinh Nữ mà còn thể hiện vẻ đẹp của tình hiệp nhất.

“Điều quan trọng là chúng ta nêu lên rằng chúng ta tuy chỉ là một nhóm thiểu số, nhưng chúng ta có sự hiện diện nơi đây, và khuyến khích các nhóm thiểu số cùng ở lại, để làm chứng cho đức tin của mình, bất kể tình hình diễn ra như thế nào tại Thánh Địa và Trung Đông.”

Xe cộ trong thành phố đã dừng lại để đoàn rước dài của các Kitô hữu có thể vượt qua. So với cuộc rước Chúa Nhật Lễ Lá thì cuộc rước này có quy mô nhỏ hơn. Tuy thế, đoàn rước bao gồm đầy đủ Đức Thượng Phụ, Đức Ông Marcuzzo, tổng đại diện của Công Giáo Israel và rất nhiều các nhóm hướng đạo.

Cuộc rước kéo dài đến 3 km từ Tu viện Stella Maris trong khu La Tinh, là cái nôi của Dòng Cát Minh và là nơi truyền thống cho rằng đó là hang động nơi tiên tri Ê-li dùng làm nhà.

Cuộc rước này gắn liền với một biến cố đã xảy ra gần một thế kỷ. Đó là biến cố bức tượng của Đức Trinh Nữ núi Carmêlô đã được trả lại cho nhà thờ vào năm 1919 sau khi bức tượng này đã bị lấy đi 5 năm trước đó. 

Cuộc rước cũng là dịp tôn vinh Đức Mẹ đã phù hộ các tín hữu trong những thời điểm khó khăn.

“Trong thời điểm khó khăn của chiến tranh, dân chúng Israel đã mạnh mẽ phó mình cho Đức Mẹ núi Carmêlô với hy vọng rằng chiến tranh sẽ không lan đến thành phố Haifa, hay chiến tranh sẽ không gây thiệt hại quá nhiều. Và điều này đã thực sự xảy ra. Nhiều người tin đó là một phép lạ vĩ đại, nhờ sự can thiệp của Mẹ.

18. Điều kiện sống và nuôi dạy con cái của các bà mẹ trên thế giới

Một nghiên cứu được thực hiện bởi tổ chức quốc tế “Save the Children” đã phân tích các yếu tố như giáo dục, y tế, kinh tế và chính trị cho các bà mẹ và con cái của họ.

Theo nghiên cứu này, Na Uy, Băng Đảo và Thụy Điển là các quốc gia nơi các bà mẹ có thể sống tốt nhất. Tại Na Uy, tuổi thọ là 82 năm và chỉ có 1 trong 175 trẻ em chết trước 5 tuổi.

Trong số 165 quốc gia trên thế giới, tình trạng tại Niger bên Phi Châu là tệ hại nhất. Ở đó, tuổi thọ của phụ nữ là 56. Trung bình họ nhận được khoảng 4 năm giáo dục và một trong bảy người con chết trước khi được năm tuổi.

Trong mười quốc gia hàng đầu, có tám quốc gia tại châu Âu, và 2 quốc gia tại Mỹ Châu. Trong mười quốc gia bi đát nhất thì 2 ở châu Á và 8 ở châu Phi.


Nguồn: VietCatholic

0 nhận xét:

Đăng nhận xét