Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

TÔN GIÁO VÀ CHÍNH TRỊ




LTCGVN (02.05.2012)  
Trong một diễn biến bất ngờ và gây sửng sốt cho dân chúng, đặc biệt là các giám mục nước này, đài truyền hình quốc gia Venezuela cơ quan thông tấn chính thức của nhà nước  đã cho phát hình Thánh Lễ Tiệc Ly ngày Thứ Năm Tuần Thánh ( 5/4/2012)  vừa qua tại nhà thờ Barina. Chuyện lạ  hơn nữa là Hugo Chavez cổ đeo  chuỗi tràng hạt như một người Công giáo mộ đạo vừa mếu máo khóc ngay trước mặt các linh mục đồng tế trong Thánh lễ và anh chị em giáo dân  vừa nói “ Lạy Chúa xin cho con cuộc sống, thậm chí là một cuộc sống bị thiêu đốt, hoặc đau đớn đi nữa cũng không quan trọng. Lạy Chúa  Kito cứ trao cho con Thánh giá của Chúa, một trăm Thánh giá đi nữa con cũng chịu vác nhưng xin cho con cuộc sống bởi vì còn có nhiều thứ con chưa làm xong…đừng bắt con đi bây giờ” ( Nguồn LTCGVN 11/4/2012).
           Tổng thống  Venezuela  hiện nay  là một con người có cá tính mạnh mẽ, điều ấy khiến ông thường xuyên có những phát ngôn bất ngờ làm…chói tai nhiều người. Tuy nhiên trong cái lần khóc mếu tại nhà thờ trước mặt đông đảo cộng đoàn  và được  truyền hình quốc gia phát hình này chúng ta thấy đây là một…màn kịch đã được chủ tâm dàn dựng. Mặc dầu màn kịch có thể phản tác dụng cho cả vai diễn lẫn ê kíp của ông ta, thế nhưng nó cũng đã nói lên rất nhiều điều về mối tương quan tôn giáo chính trị.
           Hugo Chavez đã trải qua ba lần phẫu thuật và hai lần xạ trị, tiêu tốn của ngân quỹ quốc gia hàng triệu USD mỗi lần cho bản thân ông ta và đoàn tùy tùng hơn hai trăm người tại đất nước Cuba…anh em. Báo chí cho biết ngay sau Thánh lễ hôm đó ông sẽ lại trở sang Cuba để chữa trị tiếp căn bệnh ung thư quái ác nhưng lần này với nhiều bi quan hơn những lần trước.
           Suy cho cùng thì Hugo Chavez cũng là một con người mà đã mang thân phận người thì nào có ai tránh khỏi hệ lụy của sinh lão bệnh tử ? Quả không ai có thể tránh` cái chết bởi đó là quy luật sinh tử của đời sống. Thế nhưng điều quan trọng không phải ở chỗ chết hay không chết nhưng là thái độ của mỗi người. Tuyệt đại đa số thì ai cũng sợ chết kể cả  con giun cái kiến…thế nhưng cũng có không ít những người xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Hơn nữa như Thánh Phaolo, ngài còn xem cái chết như là một mối lợi “ Đối với tôi, sống là Đức Kito và chết là một mối lợi” ( Pl 1,21 ).
           Sống Đức Kito tức là sống con đường đến với Chúa Cha “ Ta là đường là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ). Tất cả những ai sống và hết lòng thực hiện con đường này thì cái chết  lại là  mối lợi bởi  nhờ đó mà họ gặp được  Đấng  Cha. Gặp Đấng Cha đó là toàn bộ lẽ sống của người có đạo và một khi đã có lẽ sống ấy thì cái chết với họ chẳng còn có chi phải sợ. Trái lại người thế gian không một ai lại không sợ, không run rùng trước cái chết bởi tất cả đều không có con đường để về.
            Trước cái chết gần kề,Hugo Chavez dù với quyền uy của một tổng thống độc tài, dù với tiền bạc không đếm xuể cũng không khiến ông ta tránh khỏi sợ hãi. Mặc dù sợ nhưng với những lời cầu xin giả dối ông ta đã không hề che giấu tính kiêu căng  hợm hĩnh của mình “ Tổng thống Chavez  khóc  và  đã lạc cả giọng khi ông ca ngợi Chúa Giesu, chiến sĩ cách mạng Che Guevara và anh hùng giải phóng Simon Bolivar. Ông nói = không bao giờ được quên rằng chúng ta là con của những người vĩ đại. Tôi không thể tránh được những giọt nước mắt….và dưới bức ảnh Chúa Giesu cùng với cây Thánh Giá ông tiếp tục cầu = xin Chúa Giesu hãy ban cho con vương miện của Ngài, hãy cho con được mang cây thập giá của Ngài và cả những cái đinh có thể làm con chảy máu. Nhưng Ngài hãy cho con cuộc sống bởi vì con còn có nhiều điều phải làm cho đất nước và nhân dân nơi này. Xin đừng bắt con đi vội…” ( Nguồn Ygiaoblogspot 12/4/2012).
               Sợ chết nhưng lại che giấu nỗi sợ ấy bằng cách cho rằng mình muốn sống  là bởi …còn có nhiều việc phải làm cho đất nước và nhân dân. Thế nhưng ai mà chẳng biết nhiều việc phải làm ấy chỉ là để củng cố quyền lực, cha truyền con nối hết đời  này đời kia và vơ vét tiền bạc cho cái túi tham không đáy của mình. Cái lầm và  xuẩn động  của Hugo Chavez ở đây chính là đã tưởng lầm Chúa Giesu  là một lãnh tụ hoạt động chính trị và cũng chính bởi lầm như thế nên ông ta mới so sánh Ngài  với Che Guevara  và Simon Bolivar, những con người được giới cầm quyền Cuba đánh bóng xưng tụng là anh hùng giải phóng dân tộc.
             Cùng là khái niệm giải phóng, thế nhưng đó lại là hai thực tại hoàn toàn khác biệt. Một đàng Đức Kito đem đến cho con người Sự Thật “ Sự thật sẽ giải thoát anh em” ( Ga 8, 32 ). Một đàng cái gọi là giải phóng chính trị  chỉ  đem lại toàn  dối trá. Điều khác biệt ấy là tất yếu bởi lẽ giữa tôn giáo và chính trị  bất kể  loại chính trị  nào tuy cùng lấy con người làm đối tượng nhưng lại khác hẳn nhau về mục đích.
I/-   Khác  về  mục  đích
              Để trả lời thỏa đáng cho câu hỏi tôn giáo là gì, trước  hết cần  biết đến mục đích của nó. Minh triết Đông phương cho mục đích ấy là để trở về với chân bản tính ở nơi mình “ Đạo bất viễn nhân, nhân chi vi Đạo nhi viễn nhân bất khả dĩ vi Đạo” ( Đạo không xa cái bản tính của người. Nếu theo Đạo để cho xa cái bản tính của người thì đó không phải là đạo” ( Trung Dung ). Bản tính cần trở về ấy đối với đạo Phật là Phật tính, với Bà la môn giáo là Brahman, với Đạo Chúa là Đấng Cha Hằng Hữu Tự Hữu ( Xh 3, 14 ).
              Muốn đạt mục đích nào thì cần phải có việc làm tương ứng.  Mục đích của của tôn giáo là để trở về với bản tính và cố nhiên bản tính ấy chẳng ở đâu xa ngoài mình thế nên Đức Kito truyền dạy “ Ai muốn theo Ta thì phải bỏ mình vác thập giá mình mà theo. Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất, còn ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì lại được. Vì chưng lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì ? ( Lc 9, 23 -25).
             Lời Chúa là chân lý, một khi Ngài đã nói như thế thì chúng ta cần phải tin như vậy. Tuy nhiên tin và sống điều mình tin là rất khó bởi lẽ nó hoàn toàn trái ngược với thế gian. Người đời nhất mực cho rằng đời sống vật chất xác thân này là thật, ngoài ra chỉ là hư vô, chết rồi là hết không còn gì nữa. Do nơi khác biệt này mà người có đạo không sao tránh khỏi sự nghi kỵ ghét bỏ của người đời “ Hãy nhớ lại lời Ta đã nói cùng các ngươi, tớ chẳng lớn hơn chủ. Nếu họ đã bắt bớ Ta ắt cũng sẽ bắt bớ các ngươi. Bằng họ đã giữ lời Ta ắt cũng sẽ giữ lời các ngươi” ( Ga 15, 20 ).
             Thực tế lịch sử cho thấy Đạo Công Giáo luôn phải đối mặt với các cơn bách hại mà nguyên nhân là do các nhà cầm quyền nghi kỵ coi đạo như một thứ thế lực cạnh tranh có thể nguy hại đến sự tồn vong của họ. kinh Thánh ghi lại trường hợp của Herode, khi nghe các vị đạo sĩ phương đông hỏi vua dân Do Thái mới sinh ở đâu thì ông ta nghĩ ngay đến việc phải  tiêu diệt  cái mầm mống hậu hoạn  đó và đã thực hiện bằng cách giết hết  các hài nhi nam từ hai tuổi trở xuống tại Bet lê hem và vùng phụ cận” ( Mt 2, 16 ).
             Sự nghi kỵ ấy ngàn xưa đã vậy, còn ngày nay cũng không có chi là khác. Tất cả đều có mục đích nhằm triệt hạ tôn giáo nếu không thì cũng phải kiểm soát được nó. Triệt hạ hoặc làm suy yếu tôn giáo là mục đích của các chế độ vô thần.  Điều này không khỏi gây ảnh hưởng lớn lao đến đời sống tâm linh của các tín đồ. Dẫu vậy ảnh hưởng ấy xét ra lại không nguy hại cho bằng các nước mệnh danh dân chủ. Cách đây gần nửa thế kỷ, đức Thánh cha Phaolo VI ngày 15/11/1970 đã tuyên bố những lời này như một tiên tri “ Hình như nói chung, tôn giáo và những thể chế diễn tả tôn giáo bề ngoài được khá yên ổn và kính  trọng…( Nhưng) thực tế ẩn sau những dáng vẻ ấy thế nào ? Than ôi ! quá dễ để thấy điều đó. Một hệ thống lấy “ Pháp Luật” mà áp bức trong nhiều nước, một hệ thống tục hóa chống giáo sĩ trong nhiều nước khác. Một chủ nghĩa vô thần có lẽ ôn hòa nhưng  triệt để trong bình diện tư duy và cuộc sống đang cố gắng mỗi nơi một chút để làm ngạt tư duy Kito giáo và những cảm hứng theo tư duy ấy. Họ muốn tất cả phải là thế tục, là trái ngược với niềm tin tôn giáo, phải được dũ bỏ khỏi những nguyên lý tôn giáo vẫn được tuyên xưng cách đứng đắn” ( Michel Servant – Ngày của Chúa ).
            Tại các chế độ độc tài, người ta dùng bạo lực để áp chế, còn tại các nước…dân chủ tự do thì lấy pháp luật và cụ thể cái pháp luật hiện đang gây ảnh hưởng ghê gớm nhất cho giáo hội Công Giáo Mỹ hiện nay chính là đạo luật “ Cải Tổ Y Tế Obama”.
            Dù dưới chế độ vô thần CS hay tự do dân chủ Âu Mỹ thì tôn giáo, đặc biệt Công Giáo vẫn  đã và đang là đối tượng của sự thù nghịch. Thế nhưng điều tác hại gây ra lại không hệ tại  ở sự nghịch thù đó mà lại nằm ngay trong lòng của tôn giáo đó chính là sự thỏa hiệp. Như đã biết mục đích rốt ráo của tôn giáo là để trở về với bản tính tức cũng là Đấng Cha nội tại, thế nhưng trong  thời tục hóa này đâu còn Thiên Chúa nữa vì vậy người ta dễ dàng …đi với nhà cầm quyền mà vốn dĩ  đã không..ưa gì tôn giáo.
              Thỏa hiệp  tức coi thế gian là bạn cùng chí hướng với mình, nhưng như thế có nghĩa đã trở nên thù nghịch cùng Thiên Chúa “ Hỡi bọn ngoại tình kia, các ngươi không biết làm bạn với thế gian là thù nghịch cùng ĐCT sao ? Cho nên hễ ai muốn làm bạn với thế gian thì tự mình thù nghịch cùng ĐCT. Hay là các ngươi tưởng Kinh Thánh nói luống nhưng sao ? Linh mà Ngài đã khiến ở trong chúng ta trìu mến đến nỗi ghen tương” (  Gc 4, 4 -5 ).
             Lý do khiến Thánh Giacobe gọi những kẻ làm bạn với thế gian là ngoại tình bởi vì Thiên Chúa là Đấng nội tại và một khi Đấng ấy đã hằng có ở nơi mình mà lại quay ra hướng chiều nơi ngoại vật bám víu lấy nó thì chẳng phải  ngoại tình  sao ? Mục đích của tôn giáo  cốt để cho ta hướng vào bên trong nơi nội tâm hầu nhận biết bản tâm, còn thế gian lại  lấy thế gian làm cứu cánh. Mục đích đã khác thì việc làm  đương  nhiên cũng phải khác.
II/-   Khác  về  việc  làm
            Tôn giáo chỉ có ý nghĩa khi nó theo đuổi mục đích quay vào bên trong hầu nhận biết bản tính. Việc quay vào này không những là một mệnh lệnh “ Hãy trở lại cùng Ta thì Ta sẽ trở lại cùng ngươi” ( Ml 3, 7 ) mà còn là một lời mời gọi tha thiết khi Thiên Chúa Đấng Tạo hóa lại được ví như một người chồng “ Đừng sợ chi vì ngươi sẽ chẳng bị hổ thẹn. Chớ mắc cỡ vì ngươi  chẳng còn xấu hổ nữa. Ngươi  sẽ quên điều sỉ nhục lúc còn thơ ấu và đừng nhớ lại sự nhơ nhuốc trong khi mình  góa bụa. Vì chồng ngươi chính là Đấng đã tạo thành ngươi. Danh Ngài là Đức Giehova vạn quân. Đấng chuộc ngươi tức là Đấng Thánh của Itsraen sẽ được  xưng là ĐCT của cả cõi đất. Đức Giehova đã gọi ngươi như gọi vợ đã bị bỏ và phiền muộn trong lòng như vợ cưới lúc còn trẻ và đã bị ruồng bỏ” ( Is 54, 4 -6 ).
           Qua hình ảnh ví von đầy tính biểu tượng của tiên tri Isaia , một  con người đại triệt đại ngộ đã cho chúng ta thấy Thiên Chúa Đấng đầy tràn lòng thương xót. Ngài là Tạo Hóa nhưng cũng là một người chồng thương nhớ luôn mong chờ người vợ phản bội là toàn thể tạo vật  chúng ta đây mau quay trở lại.  Thiên Chúa còn như người  Cha ngóng đợi đứa con hoang trở về ( Lc 15, 11 -32 ) tất cả chỉ vì mục đích để cho Ngài có thể làm Đấng Chủ Tể đời sống của từng mỗi con người.
               Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa chủ tể  muôn  loài, còn con người là tạo vật đã được  tạo nên giống Hình Ảnh Ngài nhưng lại đành quên mất Ngài.  Quên Thiên Chúa Đấng lẽ ra phải là chủ tể  để rồi quay ra quỵ lụy phục tùng những tạo vật khác như mình, đó là  thảm kịch muôn  đời của con người. Kinh Thánh kể lại câu chuyện  dân chúng kéo đến đòi tiên tri Samuen phải lập vua cho họ và ông đã giải thích cặn kẽ rằng cần phải để cho Thiên Chúa làm vua bởi vì chỉ có Ngài là Đấng công minh chính trực đầy lòng thương yêu còn nếu  để cho vua thế gian cai trị thì sẽ phải gánh chịu nhiều cái  ách khổ sở điêu đứng. Thế nhưng dân chúng nhất định không chịu “ Dân sự chối không nghe lời của Samuen mà rằng = Không, phải có một vua trên chúng tôi. Chúng tôi muốn như các dân tộc khác. Vua chúng tôi sẽ đoán xét chúng tôi đi trước đầu chúng tôi mà đánh giặc cho chúng tôi” ( 1 Sm 8, 19 -20 ).
             Không muốn Thiên Chúa làm vua tức không muốn nghe tiếng nói của lương tâm  mà lại chịu sự cai trị của vua chúa quyền lực thế gian, điều ấy đã làm nên tấn thảm kịch muôn đời của nhân loại. Để ý sẽ thấy quốc hiệu của các quốc gia bao giờ cũng gắn liền với hai danh từ Cộng Hòa và dân Chủ. Cộng hòa có nghĩa  cùng sống chung hòa bình với nhau, còn  dân chủ  tức dân làm chủ.  Cộng hòa và dân chủ là hai mục tiêu cao cả nhất mà con người hướng đến, thế nhưng trên thực tế kể từ cách mạng Pháp 1789 trải qua tất cả các chế độ, đó chỉ là một thứ bình phonbg che giấu đàng sau nó tất cả mọi dối trá và áp bức bất công. 
             Cộng Hòa là lý tưởng vô cùng  cao cả thế nhưng chỉ  trong tôn giáo mà con người mới có thể đạt đến. Lý do bởi  lẽ  Đạo Chúa là Đạo Giải Hòa “ Mọi sự đều ra từ ĐCT, Ngài đã nhờ Đức Kito mà khiến chúng ta hòa lại với Ngài và giao cho chúng tôi chức dịch giải hòa. Ấy là ĐCT vốn ở trong Đức Kito khiến cho thế gian hòa lại với Ngài chẳng kể cho  sự vấp phạm của họ và đã ủy thác Đạo Giải Hòa cho chúng tôi” ( 2C 5, 18 -19 ).
            Đạo Chúa là Đạo Giải Hòa tức để cho ta có thể làm hòa lại với  Thiên Chúa Đấng đích thực là Cha  mỗi người. Thế nhưng điều ấy chỉ  hiện  thực khi chúng ta quyết  lòng ở lại và yêu mến Giáo Hội như Mẹ Hiền. Thánh Cypriano ( 210 – 258 ) nói “ Người không có Giáo Hội làm Mẹ thì cũng không thể có Thiên Chúa làm Cha” ( Habene non protest Deum Patrem qui Ecclesiam non habet Matrem) ./.

Phùng  văn  Hóa
Tác giả gửi trực tiếp cho Lương Tâm Công Giáo Việt Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét