Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Thấy Chúa

LTCGVN (10.05.2012)   

Đức Kitô đã nhiều lần nói đến các Mối Phúc và một trong số đó là phúc Thấy Chúa:“Phúc cho kẻ có lòng trong sạch vì họ sẽ thấy được Đức Chúa Trời” ( Mt 5, 8 ). Lần khác, sau khi rao giảng Nước Trời, Ngài trưng dẫn sách Thánh ( Is 6, 9 – 10 ) rồi nói:“Phúc cho mắt các ngươi vì thấy được, cho tai các ngươi vì nghe được. Quả thật Ta nói cùng các ngươi, có nhiều tiên tri và người công chính đã ước ao thấy điều các ngươi thấy, ước ao nghe điều các ngươi nghe mà chẳng được nghe” ( Mt 13, 16 – 17 ).
Thông thường chúng ta vẫn hiểu, tiên tri và người công chính được nói tới ở đây thuộc Cựu Ước, tức những người Do Thái đã sinh sống trước khi Đức Giêsu Kitô ra đời. Hiểu như vậy không sai nhưng vẫn còn quá ư hạn hẹp bởi lẽ cái việc ước ao Thấy, Nghe chân lý là của hết thảy những con người công chính bất kẻ họ thuộc thời đại hoặc truyền thống tâm linh nào. Đức Khổng Tử có lần đã chân thành thốt lên: “Buổi sáng được nghe Đạo, buổi chiều có chết cũng thỏa”. ( Triêu văn Đạo, tịch tử khả hỹ – Luận Ngữ ). Chắc chắn Đạo phải là một cái chi đó lớn lao, đồng thời cũng vô cùng khó gặp bởi vậy nên các bậc Thánh nhân mới ước ao Thấy, ước ao Nghe và nghe được, thấy được thì rất mừng rất vui.
Đạo sở dĩ nói rằng lớn bởi vì nó bao trùm vạn vật, không có chi ở ngoài nó, nhưng ngược lại cũng vô cùng nhỏ đến nỗi chẳng có chi có thể ở trong nó. Đạo lớn khó nghe, khó gặp ấy, diệu kỳ thay lại chẳng ở đâu xa mà có ngay ở nơi mỗi người “Nếu theo Đạo để cho xa cái bản tính người thì đó không phải là Đạo” ( Đạo bất viễn nhân, nhân chi vi Đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi Đạo – Sách Trung Dung ). Với Đạo Chúa thì thiết thực hơn và vì thế cũng mang tính tâm linh hơn “Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức là đạo Đức Tin mà chúng tôi rao giảng đây” ( Rm 10, 8 ).
Đạo chẳng ở đâu xa mà có ngay nơi lòng của mỗi người, thế nhưng thế gian lại chẳng một ai hay biết. Còn về phần Đức Kitô, Ngài xác nhận mình biết đồng thời cũng thực hành Đạo ấy “Người Do Thái hỏi Thầy tự cho mình là ai ? Chúa Giêsu đáp: “Nếu Ta tự tôn vinh mình thì sự vinh hiển Ta chẳng ra gì, ấy là Cha Đấng mà các ngươi xưng là Đức Chúa Trời đã tôn vinh Ta. Các ngươi chẳng từng biết Ngài nhưng Ta thì biết Ngài. Nếu Ta nói rằng Ta không biết Ngài thì Ta sẽ cũng nói dối như các ngươi vậy. Song Ta biết Ngài cũng giữ Đạo Ngài. Cha các ngươi là Abraham đã hớn hở thấy ngày của Ta, người thấy rồi thì vui mừng” ( Ga 8, 54 – 56 ).
Ở đây có thể nói, để Thấy được Thiên Chúa thì phải có đầy đủ cả ba yếu tố. Trước hết là lòng ước ao chân lý, tiếp đến cần có người rao giảng chân lý ấy ra và cuối cùng là phải nỗ lực thực hành. Trường hợp những người Pharisiêu vừa nêu, mặc dầu họ cũng ước ao đấy, thế nhưng sự ước ao của họ hòan tòan không ám hợp với chân lý Đức Kitô truyền đạt “Vì lòng dân này đã đặc, tai họ đã nặng, mắt họ đã nhắm” ( Is 6, 9 – 10 ). Dù ước ao đấy nhưng khi nghe Đức Kitô rao giảng Nước Trời họ lại không tiếp nhận vì thấy hoàn toàn trái ngược với quan niệm của họ về Đấng Messia cứu độ. Nghe nhưng không đón nhận thì không thể có phúc, ngược lại có lòng ước ao đấy nhưng nếu bậc Thầy Tâm Linh không xuất hiện nơi đời thì có chân lý nào được rao giảng để mà nghe ? Có lòng ước ao, có chân lý được rao truyền và nghe với lòng tin tưởng vui mừng đó quả thật là một phước hạnh lớn lao. Tuy nhiên đây mới chỉ là bước khởi đầu trên con đường tâm linh diệu vợi trước khi Thấy được Thiên Chúa đúng như Ngài là.
I. Thấy Chúa với Đức Tin
“Thiên Chúa là Đấng chẳng ai từng thấy biết bao giờ” ( Ga 1, 18 ) bởi thế Đạo Chúa mới được gọi “là Đạo Đức Tin” ( Rm 10, 8 ) Đức Tin ấy chẳng những chỉ ở trong lòng mà cần phải thể hiện ra bên ngoài thì mới được cứu rỗi “Vì bởi lấy lòng tin mà được công chính và bởi lấy miệng thừa nhận mà được cứu rỗi” ( Rm 10, 10 ). Tin trong lòng tức là tin Thiên Chúa có ngay ở nơi mình. Ngài luôn có đó không một phút giây nào không hiện hữu. Chính lòng tin ấy sẽ dần dà biến đổi chúng ta thành một con người mới. Từ con người xác thịt trở thành tâm linh.
Trước đây ta khổ sở điêu đứng lo toan làm giàu hoặc vất vả trong cuộc mưu sinh nhưng nay với con mắt Đức Tin Chúa dạy: “Chớ dồn chứa của báu cho mình ở dưới đất là nơi có sâu mọt ten sét làm hư nát và kẻ trộm đào khoét nhưng phải tích chứa của báu cho mình ở trên trời là nơi chẳng có mối mọt ten sét cũng chẳng có kẻ trộm nào đào khoét mà lấy được ( Mt 6, 19 – 20 ). Trước đây ta chỉ yêu thương những kẻ thân thích ruột thịt. Còn nay với con mắt Đức Tin Chúa dạy ta phải thương yêu cả kẻ thù nghịch cùng mình” ( Mt 5, 43 – 44 ). Trước đây lòng ta thờ ơ nguội lạnh khi đến với Thánh Lễ nhưng nay với mắt Đức Tin ta biết rằng đó là Hiến Lễ của Đấng Cứu Chuộc và miếng bánh nhỏ mỏng manh đó chính “là Thịt là Máu Châu Báu, là Bánh Bởi Trời” ( Ga 6, 58 ).
Trước đây ta coi Giáo Hội cũng như những tổ chức xã hội khác nhưng nay với con mắt Đức Tin Chúa dạy đó là Thân Mầu Nhiệm ( Ga 15, 5 ). Trước đây ta khinh thường những người nghèo nàn dốt nát, chỉ muốn tránh cho xa những kẻ tội đồ bị giam cầm trong vòng lao lý nhưng nay với mắt Đức Tin Chúa dạy đó là chính Ngài và ta cần phải giúp đỡ thăm nom ( Mt 25, 34 – 46 ). Thực hiện được những việc ấy chúng ta sẽ được Chúa chúc phúc tức Thấy Chúa.
II. Thấy Chúa với cầu nguyện
Về việc cầu nguyện, Chúa dạy: “Còn ngươi khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa lại rồi cầu nguyện Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi“ ( Mt 6, 6 ). Vào phòng đóng kín cửa lại mà cầu nguyện. Phòng ở đây ám chỉ cho thân xác còn cửa tức sáu cửa giác quan: mắt tai mũi lưỡi thân và ý. Sáu cánh cửa giác quan này luôn hướng ra bên ngoài nơi thế giới ngoại vật để tìm cầu. Mắt chỉ muốn thấy cảnh vật, đẹp thì ưa, xấu thì ghét. Tai mũi lưỡi cũng vậy.
Tuy nhiên tất cả quyết định sự ưa ghét ấy là do ý phân biệt mà thành. Đọc kinh cầu nguyện mà tâm ý cứ mặc tình dong duổi nơi ngoại vật hoặc bóng dáng của ngoại vật ( pháp trần ) thì phải xa cách Chúa “Dân này chúng chỉ kính thờ Ta ngoài môi ngoài miệng còn lòng trí chúng thì xa Ta lắm. Chúng tôn thờ Ta luống công” ( Is 29, 13; Mt 15, 8 – 9 ). Cầu nguyện mà cứ chia lòng chia trí thì Chúa cách xa bởi lẽ Ngài đâu có ở ngoài ta. Chúa quả thật ở trong, nhưng ta nào có biết !
Chính bởi vậy mà Đức Kitô mới dạy ta phải siêng năng cầu nguyện hầu có thể gặp gỡ, thấy được Ngài. Gặp gỡ ( Kiến Tánh ) phải là mục đích tối thượng của cầu nguyện. Bao lâu chưa nhận ra được mục đích ấy thì việc cầu nguyện sẽ không thể có sức sống và do đó tôn giáo rút cục chỉ còn giữ lấy cho mình cái bộ khung với những luật tắc lỏng lẻo vô hồn.
III. Thấy Chúa với Tình Yêu thương
Thiên Chúa hoàn toàn không phải là đối vật ở ngoài ta, bởi vậy giác quan kể cả lý trí không thể nhận biết Ngài. Lý trí thì không thể nhưng với Tình Yêu thương lại được:“Chẳng có ai thấy Đức Chúa Trời bao giờ ( nhưng ) nếu chúng ta có lòng yêu thương lẫn nhau thì Đức Chúa Trời cứ “Ở” trong chúng ta và Tình Thương yêu Ngài được trọn vẹn trong chúng ta” ( 1Ga 4 ). Lý trí không thể thấy Thiên Chúa nhưng với Tình Yêu Thương lại được. Điều ấy chứng tỏ gì nếu chẳng phải là Thiên Chúa “Ở” trong ta ?
Về tính chất “ này chúng ta cần phải hiểu Thiên Chúa chính là Bản Thể, là Tánh Bản Nhiên của con người. Hơn thế nữa Tính Bản Nhiên ấy không riêng chỉ con người mới có mà là chung cho hết thảy sinh linh vạn vật. Có nhận biết như thế ta mới có thể có tấm lòng yêu thương chân thật. Tình Yêu Thương chỉ thật sự là Tình yêu thương khi nó được phát xuất từ ở nơi Tâm bởi Tâm ấy chính là “Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng khiến mặt trời soi trên kẻ ác cùng người thiện. Mưa cho người công chínhy cùng kẻ bất chính” ( Mt 5, 45 ).
Tình yêu thương chân thật phát xuất từ nơi Bản Thể Thiên Chúa Tình Yêu thế nên nó không phân biệt ta, người, kẻ thù hay thân thích ruột thịt… Cha Thánh Damien đến và chết cho những người cùi ở đảo Molokai ( Quần đảo Hawai ) xa xôi. Mẹ Têrêsa dấn thân phục vụ những người cùng khổ bị bỏ rơi ở thành Calcutta ( Ấn Độ ) chẳng phải như thế là các ngài… ghét bỏ gì những con người giàu sang phú quý danh vọng quyền lực nhưng chỉ vì các đấng ấy đã được Tình Yêu Thiên Chúa thúc đẩy. Những Thánh nhân ấy đã vậy và Đức Kitô Đấng làm nên các vị Thánh cũng thế, chính Ngài cũng được Đấng Cha sai đến để thi hành công cuộc cứu chuộc ở cõi thế này. Chúa chỉ cứu chuộc được chúng ta trong thân phận con người.
Nói cách khác, để cứu được người thì phải đến “Ở” với người, Chúa Giêsu Ngôi Hai Thiên Chúa đã đến “Ở”, đã nên một với chúng ta những con người khốn khổ tội lỗi và những Damien, những Têrêsa Calcutta cũng không thể khác. Nên một tức là không phân biệt, chỉ có Tình Yêu vô phân biệt thì mới có thể cứu được người và đuợc người thương yêu lại.
Tuy nhiên đến “Ở” để cứu được người lại vô cùng khó, nó đòi hỏi xả kỷ, bỏ mình tức phải chịu khổ chịu đau, chịu nhục. Đức Giêsu Kitô, cha Thánh Damien, mẹ Têrêsa Calcutta và vô vàn những con người Tông Đồ khác chẳng phải là đã trải qua khổ đau mới thành tựu được sự nghiệp của mình sao ? Đau khổ và chỉ có đau khổ vì Tình Yêu mới có thể cứu được mình tức làm cho ta được Thấy Chúa “Không có đau khổ, công việc của chúng ta chỉ là công việc xã hội, không phải là công việc của Chúa Giêsu và không dự phần vào công cuộc cứu độ” ( Mẹ Têrêsa. Niềm vui giữa lòng bể khổ ).
PHÙNG VĂN HÓA
Theo EPHATA số 507

0 nhận xét:

Đăng nhận xét