Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

Nghe tiếng Chúa





Chúa dùng dụ ngôn “ Người gieo giống” để rao giảng Tin Mừng Nước Trời . Các môn đệ thắc mắc “ Sao Thầy lại phán cùng chúng bằng thí dụ như vậy, Ngài đáp: đã ban cho các ngươi được biết những sự mầu nhiệm của Nước Trời. Song không ban cho họ vì hễ ai đã có sẽ cho thêm thì người ấy được dư dật. Còn hễ ai không có dẫu điều họ đã có cũng sẽ bị cất luôn nữa. Vậy nên Ta nói cùng chúng bằng thí dụ vì họ xem mà không thấy, lắng mà không nghe cũng chẳng hiểu chi” Mt 13, 1-13. Lý do khiến người đời xem không thấy, lắng không nghe là bởi họ đã xem, đã nghe bằng cái tâm phân biệt. Đang khi ấy Nước Trời mà Đức Kitô rao giảng lại là mầu nhiệm nội tại vượt thoát khỏi mọi đối đãi phân biệt “ Nước Trời không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không thể nói được ‘đây này hay đó kia’, vì này Nước Trời ở trong lòng các ngươi” Lc 17, 20 – 21. Nước Tròi không ở đây , không ở kia có nghĩa nước ấy không thuộc hiện tượng giới, mà đã không thuộc hiện tượng thì tất nhiên làm sao mà có thể nghe và hiểu bằng phàm trí được ? Nước Trời không thể hiểu bằng trí phàm nhưng chỉ có thể “ Nghe” với tâm vô phân biệt và đó cũng chính là lời mời thiết tha của Thiên Chúa cho Dân Người “Ngày hôm nay ước gì anh em nghe Tiếng Chúa và đừng cứng lòng như tại Mêriba, như ngày ở Maxa trong sa mạc nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta dù đã thấy những việc Ta làm” Tv 95, 7 – 9. 

Cái sự cứng lòng của Dân Chúa không phải chỉ mới diễn ra tại Meriba… nhưng truy nguyên tới tận ngọn nguồn thì nó đã khởi sự từ... thời nguyên tổ khi các ngài cố tình không nghe lời răn dạy của Giavê Thiên Chúa “ Các ngươi được được ăn hoa quả các thứ cây trong vườn. Còn về cây biết điều thiện, điều ác thì chớ hề ăn đến vì một mai ngươi ăn chắc là phải chết” St 2, 16-17. Cây biết phân biệt thiện ác , đây chính là “trái cấm”, nguyên tổ “ăn” trái cấm có nghĩa đã không nghe lời TC để rồi bị đuổi ra khỏi vườn Địa Đàng “Vậy Ngài đuổi người ra khỏi Vườn rồi đặt tại phía đông Vườn Eden các thần Cherubim với gươm lưỡi chói lòa để giữ con đường đi đến sự sống” St 3, 24. 

Lẽ ra cứ như lệnh truyền này thì con người sẽ chẳng bao giờ có thể trở về được với cây sự sống tức Sự Sống Đời Đời nếu không có Lời Hứa ban Đấng Cứu Thế thông qua cuộc chiến đã được tiên báo giữa Người Nữ và con rắn “ Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ, dòng dõi mày cùng dòng dõi người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ đạp giập đầu mày còn mày thì rình cắn gót chân Người” St 3, 15. 

Cuộc chiến diễn ra giữa Người Nữ tức Đức Nữ Trinh Maria và dòng dõi Người tức Dân riêng TC với Satan trong thực chất vẫn là cuộc đối chọi mang tính nhị nguyên giữa khiêm hạ ( gót chân người nữ ) và kiêu căng ( đầu rắn ) . Nguyên tổ thì muốn nghe lời khuyên dạy của Thiên Chúa “ Hai người chẳng nên ăn đến và cũng chẳng nên đá động đến , e khi hai người phải chết chăng” St 3, 2- 3. Còn con rắn thì lại cám dỗ “ Hai người chẳng có chết đâu, nhưng ĐCT biết rằng hễ ngày nào hai người ăn trái đó mắt mình mở ra sẽ như ĐCT biết được điều thiện lẫn điều ác” St 3, 4. Câu chuyện diễn ra nơi Vườn Địa Đàng đầy tính ẩn dụ minh triết ấy ta chỉ có thể hiểu khi liên hệ nó với cuộc chiến diễn ra ở nơi nội tâm. Bản chất con người là vô minh tức không ai lại không vương mang tội nguyên tổ luôn luôn hướng chiều ra bên ngoài nơi cõi hiện tượng để mà phân biệt này nọ: thuận nghịch, thị phi, thiện ác, sang hèn, giàu nghèo….Cõi hiện tượng là cõi của sự phân biệt hay nói cách khác hễ cứ còn phân biệt là còn trong cõi hiện tượng. Đang ăn mà tâm trí lại cứ dong duổi hết việc này chuyện kia, có khi quên mất cả ăn, người đó đã và đang trong cõi hiện tượng. Đọc kinh mà lại cứ dông dài chia lòng chia trí, người đó đã và đang trong cõi hiện tượng. Cõi hiện tượng là cõi phù du mộng ảo, có đấy mà liền mất đấy. Sống trong cõi hiện tượng là sống trong mê có nghĩa con người đã vong thân, đánh mất thực tại. Chúng ta có thể đánh mất thực tại ngay cả trong cầu nguyện, bởi vậy mà TC đã nặng lời trách cứ “Dân này chỉ kính thờ Ta ngoài môi ngoài miệng còn lòng trí chúng thì xa Ta lắm chúng tôn thờ Ta luống công” Is 29, 13. Đang đọc kinh hay nghe sách Thánh (Phúc âm , Thánh thư) mà lòng trí thì cứ vẩn vơ lang bạt nơi này chốn khác thì đó là xa cách Chúa là không sống thực tại. Thế nhưng nếu biết xoay cái tâm lang bạt kỳ hồ đó, trở về để lắng nghe Lời Chúa trong Kinh, trong sách Thánh rõ ràng từng lời từng câu đó lại là sống thực tại. Như vậy sống thực tại đó chẳng phải điều chi khác mà là lắng nghe, là làm cho Lời Chúa được an trụ, được “Sống” ở nơi mình. Việc lắng nghe này nói thì dễ nhưng đi vào thực hành thì rất khó, khó vô cùng tận. Tiên tri Samuel đã phải đến lần thứ bốn, được thầy Heli hướng dẫn thì mới biết đường đáp trả Tiếng Chúa “Lạy Chúa xin hãy phán, này tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” 1Sm 3, 1 – 10. 

Tất cả những người nghe được Tiếng Chúa đều có mang nơi mình một sứ mạng cao cả. Trước hết ta phải kể đến Đức Maria, Người đã được Thiên Chúa sửa soạn từ muôn thuở trong vai trò Người Nữ đạp giập đầu rắn. Tiếng Chúa trong trường hợp này cũng giống như của tổ phụ Abraham , không phải chỉ nghe ở nội tâm nhưng đã thấy tận mắt sứ thần hiện ra diện đối diện với lời chào thăm “ Mừng vui lên hỡi Bà đầy ơn sủng Thiên Chúa ở cùng Bà” Lc 1, 28. Khác với Đức Mẹ, Thánh cả Giuse lại chỉ nghe trong những giấc chiêm bao( Mt 2, 13 – 15.) Dù có sứ thần đến hay chỉ trong giấc mộng nhưng Tiếng Chúa luôn rõ ràng và có một sự thôi thúc hầu như không thể cưỡng lại . Khi chọn Phaolo, người trước đó đã bách hại Đạo Thánh cách dữ dằn thì Chúa đã dùng tới một liệu pháp khá mạnh. Lúc ông cùng đoàn tùy tùng đi gần tới Đamát thì có một luồng ánh sáng rọi thẳng vào người khiến ông phải mù mắt té xuống ngựa đồng thời nghe tiếng phán “Saolo, Saolo sao ngươi tìm bắt Ta. Người nói rằng: thưa Chúa , Chúa là ai. Ngài phán rằng : Ta là Giêsu mà ngươi đương bắt bớ. Hãy đứng dậy vào thành, có người sẽ tỏ cho ngươi mọi việc cần phải làm” Cv 9, 1- 6. 

Nghe Tiếng Chúa, việc ấy không diễn ra chỉ một lần nhưng đó là lời mời gọi bước đầu cho một cuộc ra đi đầy tính chất …mạo hiểm. Tổ phụ Abraham chính là người như thế “ Bởi đức tin Abraham khi được gọi bèn vâng lời ra đi đến chỗ mình sẽ nhận làm cơ nghiệp. Người ra đi mà không biết mình đi đâu. Bởi đức tin người ngụ trong xứ đã hứa như trong xứ lạ” Dt 11, 8 – 9. Giống như tổ phụ xưa kia, Kitô hữu chúng ta hôm nay sống trên cõi đời này cũng là những người như trong xứ lạ, bởi đây là những kẻ đã được chọn để vượt thoát ra khỏi cõi chết hữu hình hữu hoại này hầu bước vào cõi sống bất diệt đời đời. Alphongsô Maria de Liguori ( 1696 – 1787 ) có thể nói đó là trang anh tài , mới 17 tuổi đã đậu tiến sĩ cả giáo luật lẫn dân luật, một tương lai giàu sang danh vọng đang chờ ở phía trước. Thế nhưng Chúa đã chọn chàng để đi theo con đường hoàn toàn khác. Sau thất bại tại tòa chỉ vì một sơ xuất nhỏ trong khi biện hộ. Alphong về nhà đóng cửa phòng hai ngày suy tư và đã “ Ngộ” ra bộ mặt thật của thế gian để rồi đi tới quyết tâm từ bỏ nó “ Ôi ! thế gian ta đã biết ngươi. Hỡi pháp đình ngươi sẽ không còn gặp ta nữa” Chàng quyết chí tìm con đường sống bằng cách hăng say phục vụ bác ái trong các bệnh viện. Thế rồi một lần kia chợt nghe có tiếng hỏi : ngươi làm gì trên thế gian này ? Ngơ ngác nhìn chung quanh không thấy có ai và rồi tiếp liền đó tiếng nói ấy lại vang lên cách rõ ràng. Khi ấy Alphongsô biết chắc là Tiếng Chúa, bèn đi vào nguyện đường dâng kính Đức Mẹ Từ Bi gần đó, trịnh trọng đặt thanh gươm trên bàn thờ cùng với lời nguyện “ Lạy Chúa, này con đây xin hãy làm nơi con điều đẹp lòng Chúa. Con là gì và có cái chi con xin hiến dâng để phụng sự Chúa” ( Theo vết chân người - Niên lịch phụng vụ ) 

Xin Chúa thực hiện ở nơi con điều đẹp ý Chúa. Có thể nói đây là một lời cầu đắt giá nhất. Hầu hết những gì mà người ta cầu khấn là để xin ơn này ơn kia cho mình hoặc cho gia đình, người thân yêu. Có người còn xin cho được như ý mình nữa. Cầu như thế có khác gì xin Chúa hãy nghe con và làm theo ý con ? Cầu nguyện đích thực không phải để Chúa nghe ta nhưng là để ta nghe được Tiếng Chúa đúng như Kiekegard (1813 – 1855) ông tổ của triết hiện sinh đã nói “ Trong những gì liên quan thực sự với cầu nguyện, không phải Thiên Chúa nghe những gì người ta xin Ngài nhưng kẻ cầu nguyện và tiếp tục cầu nguyện cho đến lúc chính anh ta lại là kẻ nghe được những gì Thiên Chúa muốn”. Tất cả vấn đề đặt ra cho cầu nguyện cũng như những việc đạo đức lành thiện khác đó chính là không phải Chúa nghe ta mà là ta nghe Chúa. Nghe Chúa để biết Chúa muốn gì ở nơi ta và mau mắn thực hiện thánh ý Người. Chúa muốn ta yêu người thì phải yêu cả kẻ thù nghịch cùng mình, Chúa muốn ta cầu nguyện thì phải vào phòng đóng kín cửa lại ( thu thúc lục căn ) mà cầu. v.v…Để có thể biết và thực thi Thánh ý Chúa thì điều kiện thiết yếu là phải làm sao cho Lời Chúa là Lời Hằng Sống “ sống” được ở trong tâm ta. Tất nhiên Lời Chúa có “ sống” có cư ngụ ở trong ta thì ta mới nghe được Tiếng Ngài, bằng như trong ta chẳng có hoặc có rất ít thì nghe sao được ? 

Điều Chúa ước ao muốn ta thực hiện thì Ngài cũng có nhiều cách để trợ giúp , tuy vậy trong các phương thế ấy thì việc siêng năng tham dự các phép bí tích là trọng yếu hơn hết, ngoài ra Kinh Mân côi cũng là một á bí tích được ban bởi trời, chẳng còn phương pháp nào tốt và giá trị bằng (Đức Leon XIII) Mặc dù vậy với bất kỳ phương thế nào cũng phải được thực hiện với tâm vô phân biệt, có nghĩa không còn thấy “có ta” trong mọi tư tưởng lời nói việc làm.Còn thấy “có ta” thì không thể có Chúa bởi chưng tuy Chúa quả thật …ở trong ta nhưng lại chẳng phải là ta. 


Phùng văn Hóa

Tác giả gửi trực tiếp cho Lương Tâm Công Giáo Việt Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét